23/01/2025

Chăn nuôi sạch, sẽ “thắng lớn”

Trước thời điểm TP.HCM bắt đầu thực hiện đề án thí điểm “nhận diện, truy xuất nguồn gốc thịt heo”, từ ngày 10-12, nhiều trang trại và doanh nghiệp (DN) chăn nuôi tại Đồng Nai cho biết đã sẵn sàng nhưng không ít hộ chăn nuôi dường như vẫn đứng ngoài cuộc.

Chăn nuôi sạch, sẽ “thắng lớn”

Trước thời điểm TP.HCM bắt đầu thực hiện đề án thí điểm “nhận diện, truy xuất nguồn gốc thịt heo”, từ ngày 10-12, nhiều trang trại và doanh nghiệp (DN) chăn nuôi tại Đồng Nai cho biết đã sẵn sàng nhưng không ít hộ chăn nuôi dường như vẫn đứng ngoài cuộc.

 

 

 

Chăn nuôi sạch, sẽ “thắng lớn”
Một trang trại chăn nuôi heo tại Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, Đồng Nai thực hiện ghi chép thông tin đầy đủ, đáp ứng được yêu cầu truy xuất nguồn gốc – Ảnh: A LỘC

Ông Phan Minh Báu – phó giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai – cho biết đang lập danh sách các trang trại đạt chuẩn VietGAP và GAHP cùng các lò mổ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và môi trường để đưa thông tin lên trang web chung.

“Khi đề án này được triển khai, người tiêu dùng chỉ cần lấy điện thoại thông minh quét mã sẽ biết được nơi nào cung cấp”, ông Báu khẳng định.

Cơ hội cho người chăn nuôi sạch

Sau khi được đi tìm hiểu về đề án truy xuất nguồn gốc thịt, anh T.Đ.V.Q. (chủ trang trại tại Gia Kiệm, huyện Thống Nhất) cho biết do đã thực hiện quy trình ghi chép để truy xuất nguồn gốc, quản lý đàn heo trong hơn hai năm qua nên việc tham gia đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo không bị bỡ ngỡ.

“Việc triển khai đề án này không chỉ giúp người tiêu dùng có bữa ăn an toàn mà bản thân người chăn nuôi cũng được hưởng lợi, nếu làm chặt chẽ với sự tham gia tích cực của cơ quan quản lý thay vì để người chăn nuôi tự bơi”, anh Q. nói.

Trong khi đó, ông Mạnh – một hộ chăn nuôi heo theo mô hình VietGAP (huyện Thống Nhất) – cho rằng điều băn khoăn nhất là cách thức quản lý hiện nay chưa thực sự khuyến khích những người chăn nuôi tuân thủ nghiêm túc quy trình chăn nuôi sạch, an toàn với sức khỏe người tiêu dùng.

Theo ông Mạnh, người nuôi heo VietGAP phải tuân thủ những quy trình nghiêm ngặt để đưa ra sản phẩm sạch, an toàn với người tiêu dùng nhưng sản phẩm bán ra cũng có giá như heo nuôi theo phương thức thông thường, khiến nhiều người nuôi heo sạch 
nản lòng.

“Điều mà chúng tôi lo lắng nhất là một số hộ chăn nuôi chạy theo lợi nhuận, sử dụng chất cấm bị phát hiện và được thông tin rộng rãi khiến người tiêu dùng lo ngại, heo khó tiêu thụ và giảm giá mạnh. Khi đó, những hộ chăn nuôi làm ăn đàng hoàng, thậm chí cả những hộ nuôi theo mô hình VietGAP cũng bị vạ lây”, ông Mạnh nói.

Do đó, theo ông Mạnh, để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng cũng như người chăn nuôi theo mô hình an toàn, cơ quan quản lý địa phương phải siết chặt đầu ra, tránh tình trạng trà trộn heo bệnh vào heo sạch.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Kim Đoán – phó chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai – cho biết an toàn thực phẩm là mục tiêu lớn của xã hội, việc nhận diện, truy xuất nguồn gốc là hoạt động phải làm, tạo niềm tin nơi người tiêu dùng.

Tuy nhiên, hoạt động này phải được triển khai đồng bộ, tuyên truyền rộng rãi cho người chăn nuôi với sự tham gia kiểm soát chặt của cơ quan quản lý.

“Việc triển khai đề án truy xuất nguồn gốc sẽ là cơ hội “thắng lớn” cho những trang trại, hộ chăn nuôi lớn đã có kinh nghiệm, ghi chép sổ sách đầy đủ từ nhiều năm nay, nhưng cũng có giải pháp để hỗ trợ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tham gia”, ông Đoán nói.

Phải loại sản phẩm không có nguồn gốc 
rõ ràng

Trong khi nhiều chủ trang trại chăn nuôi bày tỏ hào hứng với đề án truy xuất nguồn gốc, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và không ít trang trại chăn nuôi lớn vẫn còn khá thờ ơ với thông tin này.

Trao đổi với chúng tôi, anh V.T.T. (một hộ chăn nuôi ở huyện Long Thành) cho rằng vẫn chưa biết và cũng không quan tâm về đề án này do chỉ nuôi nhỏ lẻ.

“Gia đình tôi chỉ nuôi nhỏ lẻ, số lượng heo không đáng kể và chỉ bán cho thương lái không đòi hỏi những quy trình ghi chép thông tin cụ thể, nên chắc không bị 
ảnh hưởng gì”, anh T. nói.

Dù thừa nhận nếu thực hiện đúng mục tiêu mà đề án đưa ra là điều tốt nhưng anh T. cho rằng giá heo bấp bênh, nay lại phải tốn thêm chi phí cho vòng nhận diện (đeo vào chân heo – PV) sẽ làm tăng chi phí trong khi lợi ích chưa thấy đâu nên sẽ chưa tham gia.

“Tôi nghĩ nên áp dụng cho các trang trại lớn để người chăn nuôi nhỏ như tôi thấy hiệu quả, lợi ích thì sẽ tham gia”, anh T. cho biết. Tương tự, anh T.T.D. cũng cho biết chưa tham gia vì sẽ rất mất thời gian ghi thông tin trên từng tờ phiếu do số lượng đàn heo quá lớn.

“Chúng tôi cung cấp thịt cho TP.HCM rất ít, chủ yếu bán cho thương lái Trung Quốc nên nếu chưa tham gia cũng không bị ảnh hưởng gì”, anh D. giải thích.

Giám đốc một doanh nghiệp chăn nuôi heo tại Đồng Nai cũng cho rằng Đồng Nai hiện là địa phương chăn nuôi heo lớn nhất nước với tổng đàn 1,7 triệu con, chiếm đến 60% lượng thịt heo cung cấp cho thị trường TP.HCM, nên việc triển khai đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo chắc chắn sẽ gặp khó khăn bước đầu, nhất là nhiều hộ nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ, không có thói quen ghi chép sổ sách.

Trong thực tế, nhiều năm trước ngành chăn nuôi và thú y Đồng Nai cũng đã hướng dẫn cách ghi chép sổ sách nhưng người chăn nuôi vẫn chưa mặn mà, thậm chí một số hộ còn phản đối rằng “bày vẽ thêm việc, gây khó khăn cho người dân, tốn thêm chi phí”.

Tuy nhiên, theo ông Phan Minh Báu, dù có thể khó khăn lúc đầu nhưng Đồng Nai sẽ làm dứt khoát, chặt chẽ để cung cấp nguồn thịt an toàn cho TP.HCM.

“Thịt heo đưa ra thị trường tiêu thụ phải có thể truy xuất nguồn gốc rõ ràng, nếu không phải bị loại ra để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng”, ông Báu khẳng định.

Sản phẩm gia cầm cũng có thể truy xuất nguồn gốc

Nhiều người tiêu dùng ở TP.HCM thời gian qua đã bắt đầu quen với các sản phẩm thịt gà công nghiệp thương hiệu gà tươi Long Bình do Công ty TNHH Long Bình sản xuất và phân phối.

Ông Nguyễn Như Sinh, giám đốc Công ty Long Bình, cho biết đây là sản phẩm được sản xuất theo quy trình khép kín từ con giống đến chăn nuôi, giết mổ và bán lẻ mà doanh nghiệp (DN) đã theo đuổi những năm qua.

Ngoài 8 trại nuôi theo quy chuẩn VietGAP với tổng đàn 300.000 con gà, DN này cũng đầu tư xây dựng nhà máy giết mổ gà hiện đại, thực hiện đóng gói sản phẩm trước khi đưa lên TP.HCM để cung cấp cho các nhà phân phối và hệ thống cửa hàng bán lẻ của chính DN.

“Sản phẩm được cung cấp theo quy trình khép kín, từ trang trại đến bàn ăn, được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo chất lượng và có thể truy xuất nguồn gốc”, ông Sinh khẳng định.

Ông Phan Xuân Thảo, chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, cho biết đây là một trong số những đơn vị đạt chuẩn an toàn thực phẩm theo chuỗi mà TP.HCM thực hiện từ năm 2015 nhằm đảm bảo nguồn cung ứng thực phẩm sạch cho người dân thành phố. Đến nay đã có trên 400 điểm bán đạt chuẩn an toàn thực phẩm được cấp chứng nhận.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các địa phương để mở rộng các chuỗi thực phẩm an toàn cũng như điểm bán thực phẩm an toàn tại TP.HCM”, ông Thảo nói. Tr.Mạnh

HÀ MI – A LỘC