Mong ước gì về thầy cô? Dạy học sinh lý giải thay vì bài giải
Các phụ huynh sẽ gửi món quà gì cho thầy cô của con cái mình nhân ngày 20.11?
Mong ước gì về thầy cô? Dạy học sinh lý giải thay vì bài giải
Các phụ huynh sẽ gửi món quà gì cho thầy cô của con cái mình nhân ngày 20.11?
Là tôi, ông bố có 3 đứa con đang tuổi đi học, tôi sẽ gửi tặng thầy cô lòng tin vào nghề giáo. Từ lòng tin ấy, tôi có những mong chờ gửi gắm thầy cô.
Hãy xem học trò như một người lớn
Thầy cô thay vì nghĩ học trò là những đứa trẻ mình đang dạy dỗ, hãy nghĩ về chúng như những người lớn! Chúng có thể là một thi sĩ, nhà văn, nhà thiết kế thời trang, ca sĩ, bác sĩ, thủ tướng, giáo viên… mai này.
Tôi thực lòng không thích các thầy cô luôn miệng nói: “Tôi coi học trò như con cháu trong nhà”. Thường sau những câu đó là “giấy phép” được bạo hành trẻ. Nếu học trò của thầy cô chỉ là con cháu trong nhà thì phụ huynh đâu cần cho con đi học? Cha mẹ thừa khả năng để làm việc đó tốt hơn thầy cô vạn lần. Thứ mà cha mẹ mong thầy cô làm với con họ, đó là khuyến khích chúng phát triển những tư chất đặc biệt của chúng để không phải một lớp 40 học sinh thì cả 40 đều tăm tắp giống nhau.
TIN LIÊN QUAN
Người biến nơi ‘không ai muốn đến’ thành trường đạt chuẩn quốc gia
Táo bạo trong cách nghĩ, cách làm, một cô giáo đã vực dậy một ngôi trường mầm non xốc xếch, xuống cấp, không ai dám gửi con trở thành một ngôi trường điểm trên địa bàn.
Tôi sợ những đứa trẻ viết bài văn ước mơ của em giống 39 bài văn ước mơ còn lại. Chỉ khác về ngành nghề. Chúng tôi mong thầy cô thay đổi tư duy, đừng coi học trò là trẻ con để rồi câu cửa miệng ngàn năm: “Trẻ con thì biết cái gì?”. Mong thầy cô đối xử với học trò như cách đối xử với những thiên tài, vĩ nhân tương lai. Một lớp học vì thế sẽ giống một xã hội thu nhỏ hơn. Và khi đó, thầy cô chính là Thủ tướng, điều hành đất nước của mình. Mà trong đó, em A là Bộ trưởng Bộ GD-ĐT vì em muốn làm giáo viên. Em B là Bộ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ vì em muốn làm kỹ sư. Chúng ta có một xã hội với nền tảng là sự tôn trọng khác biệt trước cả nền nếp hay những quy ước định kiến kiểu nhà văn phải mơ màng hay nhà kinh tế phải biết tính toán. Nếu thầy cô ứng dụng tư duy đó cho học trò, đối xử với học trò bằng sự tôn trọng (kể cả tôn vinh) thì tôi chắc chắn mỗi ngày học sẽ là ngày vui. Ta sẽ có một thế hệ học trò không phải rúm ró sợ sệt. Thẳng lưng sẽ thẳng lòng là vậy!
TIN LIÊN QUAN
Mong ước gì về thầy cô? Cần tấm lòng bao dung
Tham gia diễn đàn, có nhiều ý kiến khác nhau như phác họa những đức tính cần có của một nhà giáo, những mong muốn có được những tiết học hay từ cuộc sống, yêu thương học trò như con của mình…
Kiến thức không bằng tỉnh thức
Tôi nghĩ một giáo viên giỏi không phải bởi kiến thức uyên thâm mà là cái tâm mở. Thay vì nhồi cho đủ lượng kiến thức sách vở vào cái đầu tí xíu của lũ học trò, sao không mở cho chúng những đường chân trời? Tỉnh thức cho chúng về những khát vọng bay cao hơn nữa. Sử dụng kiến thức để lý giải cuộc sống. Bài giảng của thầy cô thay vì định lý, định luật, định nghĩa sao không phải là cuộc sống hằng ngày. Dạy học sinh lý giải thay vì bài giải. Sự tiếp nhận của học sinh được đánh giá không phải bằng điểm số mà bằng những chỉ điểm mà học sinh nhận được. Chúng ta đã có hàng ngàn năm khoa cử để rồi đoạt Olympic này kia nhưng rồi bước vào cuộc sống chỉ thấy tiếc 12 năm đèn sách vô ích là bởi thầy cô chỉ chăm chăm luyện gà nòi mà quên rằng thịt gà ngon nhất là những con gà chạy bộ, tự do chạy nhảy.
TIN LIÊN QUAN
Có một thầy giáo bỏ những cuộc hẹn tuổi trẻ, rong ruổi cùng học sinh từ bệnh viện, bến xe đến hẻm nhỏ, xóm nghèo… để tạo dựng những bài học trải nghiệm cuộc sống.
Ứng trước lòng tin, đợi chờ trách nhiệm
Tôi chắc rằng thứ các thầy cô cần nhất từ các phụ huynh chính là lòng tin mà các phụ huynh dành tặng họ. Làm sao thầy cô dạy được học trò nếu như cha mẹ chúng không tin vào thầy cô? Lũ trẻ nhạy cảm vô cùng. Nếu cha mẹ chúng không tin vào thầy cô thì lấy gì để lũ trẻ tin và tôn trọng thầy cô của mình? Giữa một xã hội mà chỉ một thay đổi nhỏ về giáo dục cũng có thể tạo thành cơn địa chấn, một lời phê sai cũng thành đề tài báo chí khai thác, một hành động vô tình có thể bị gắn mác “hồi chuông cảnh tỉnh”, một giáo viên sai có thể thành nghề giáo bạc… thì lòng tin của phụ huynh thực sự là món quà đắt giá nhất dành cho các thầy cô.
Từ ứng trước lòng tin ấy, phụ huynh cần thấy “lãi” ngay bằng trách nhiệm của thầy cô thể hiện trở lại. Là trách nhiệm chứ không phải nghĩa vụ. Trách nhiệm của một con người được tin tưởng chứ không cần đến trách nhiệm của một giáo viên với những thành tích trước sở, Bộ hay những thứ bằng khen này nọ. Phụ huynh đừng để sự nghi ngờ bóp chết lòng yêu trẻ, yêu nghề của các thầy cô. Ứng một lòng tin để nhận về sự tận hiến, trách nhiệm và cả lòng biết ơn của chính thầy cô với sự phối hợp, giúp đỡ này.
|
Ỳ Kiến:
Vui tính, trẻ trung
Trong môi trường ĐH, em rất thích và luôn mong muốn thầy cô liên hệ thực tiễn từ những kiến thức đã học. Bên cạnh đó, em cũng khá thích những thầy cô vui tính, tạo không khí thoải mái cho lớp học. Đặc biệt là những thầy cô trẻ, ngoài giờ trên lớp thầy cô cũng có thể là những người bạn chia sẻ kiến thức, quan điểm sống, tâm tư tình cảm…
Phạm Trọng Nghĩa (Sinh viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM)
Coi sinh viên như bạn
Là bạn để có thể hiểu được cuộc sống của nhau, suy nghĩ của nhau, biết sinh viên nghĩ gì, mong muốn gì khi đến giảng đường. Môi trường ĐH khác với phổ thông, giảng viên là người đi trước, chia sẻ kiến thức cho thế hệ sau nên mình nghĩ quan hệ thầy – trò ở ĐH nên khác với phổ thông. Không nên tạo khoảng cách. Chúng tôi mong muốn có thể rủ thầy cô đi ăn vặt, uống nước, thậm chí lớp tổ chức đi du lịch cũng mong thầy cô đi chung.
Nguyễn Phương Thảo (Sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội)
Khuyến khích học sinh hỏi khi chưa hiểu bài
Lớp học đông, không tránh khỏi việc có em tiếp thu nhanh, chậm khác nhau. Đa số học sinh chưa hiểu bài rất ngại hoặc sợ không dám hỏi lại cô. Trong lúc chưa hiểu mà cô giảng lướt qua, các em sẽ bị hổng kiến thức, từ đó sợ phải đến lớp. Ước gì sau mỗi bài giảng, thầy cô sẽ khuyến khích học sinh nào chưa hiểu thì hỏi lại, và nhiệt tình giảng cho các em hiểu thêm. Chỉ mong thầy cô cố gắng truyền tải hết kiến thức trong buổi học chính, không nên “ém” kiến thức để buộc các cháu phải đi học thêm, như vậy sẽ rất thiệt thòi cho học sinh.
Quỳnh Mai (Phụ huynh Q.Tân Bình, TP.HCM)
Dạy cái nếp người
Chúng tôi mong thầy cô không chỉ dạy kiến thức, mà còn tận tình chỉ bảo cách ứng xử, đạo đức, kỹ năng cho trẻ. Ví dụ, hướng dẫn trẻ tính tự giác học tập để thấy việc học là bổ ích chứ không phải học để đối phó. Muốn vậy, đừng quan trọng thành tích, điểm số. Ngoài ra, dạy cái nền nếp, quy củ cho các cháu, dạy cách cư xử với người lớn, với bạn bè, nguyên tắc khuyến khích các cháu thể hiện suy nghĩ của bản thân… Trẻ con như tờ giấy trắng, cô bảo một là một, hai là hai, lời thầy cô các cháu còn xem trọng hơn lời cha mẹ. Vì thế chúng tôi rất mong sự tận tâm, tận tình vừa dạy kiến thức vừa giáo dục nhân cách của thầy cô.
Hoàng Thiện (Phụ huynh Trường tiểu học Hồ Văn Cường, Q.Tân Phú, TP.HCM)
Mỹ Quyên (ghi)
|
Hoàng Anh Tú
(Một phụ huynh tại Hà Nội)