01/11/2024

Có một TPP không còn Mỹ?

Các nước thuộc vành đai Thái Bình Dương hoàn toàn có thể gây dựng một thỏa thuận tự do thương mại khác mà không có Mỹ. Đó là khẳng định của Tổng thống Peru Pedro Pablo Kuczynski.

 

Có một TPP không còn Mỹ?

 Các nước thuộc vành đai Thái Bình Dương hoàn toàn có thể gây dựng một thỏa thuận tự do thương mại khác mà không có Mỹ. Đó là khẳng định của Tổng thống Peru Pedro Pablo Kuczynski.

 

 

 

Có một TPP không còn Mỹ?
Người dân Peru biểu tình chống TPP ngay trước thềm Hội nghị thường niên APEC diễn ra tại nước này – Ảnh: Reuters

Reuters dẫn quan điểm của ông Kuczynski phát biểu trên Đài Russia Today (Nga) cho hay Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể bổ sung các quốc gia thành viên khác.

Khả năng về 
“một TPP” khác

“TPP có thể thay thế bằng một thoả thuận tương tự nhưng không có Mỹ” – ông Kuczynski nói. Vị tổng thống vốn là người ủng hộ nhiệt thành với hoạt động tự do thương mại nói thêm: “Tôi nghĩ sẽ là tốt nhất khi có một thoả thuận ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương bao gồm Trung Quốc và cả Nga nữa… Đó sẽ phải là một cuộc đàm phán mới”.

Tổng thống 78 tuổi của Peru chia sẻ quan điểm này ngay trước thềm Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) thường niên do Peru đăng cai sẽ khai mạc tuần tới.

Đây sẽ là diễn đàn cấp cao đầu tiên tập hợp nguyên thủ đến từ các quốc gia như Trung Quốc, Nga, Mỹ, Nhật… sau sự kiện ông Donald Trump đắc cử tổng thống.

Trong một diễn biến khác, sau khi Hạ viện Nhật Bản thông qua TPP ngày 10-11 và trong lúc thượng viện nước này bắt đầu thảo luận về bản hiệp định, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tuần tới sẽ đi Mỹ để trao đổi với Tổng thống đắc cử Donald Trump về TPP. Ngay sau đó, ông Abe sẽ tới Peru tham dự APEC khai mạc ngày 19-11.

Trong phiên họp toàn thể tại thượng viện ngày 11-11, ông Abe cho biết: “Trong mọi cơ hội, chúng tôi sẽ hối thúc Mỹ và các quốc gia khác ký kết để hoàn tất quá trình phê chuẩn hiệp định ở trong nước nhanh chóng”.

Thay vì chờ đợi phản ứng từ Mỹ, ông Abe nói: “Tôi muốn Nhật Bản sẽ giữ vai trò lĩnh xướng trong việc tạo ra động lực để hiệp định này mau chóng có hiệu lực”.

Giới quan chức Nhật Bản thừa nhận việc một nhà lãnh đạo Nhật Bản tới gặp một tổng thống vừa đắc cử của Mỹ trước lễ tuyên thệ nhậm chức là một sự khác thường.

Nhà Trắng buông TPP

Sau nhiều tháng nỗ lực bất thành, chính quyền Tổng thống Obama ngày 11-11 đã chính thức dừng các chiến dịch vận động Quốc hội Mỹ phê chuẩn TPP trước khi tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức.

Họ cũng nói rằng số phận của TPP giờ đây sẽ phụ thuộc vào 
ông Trump và các nghị sĩ Đảng Cộng hòa.

Các quan chức trong chính quyền cũng nói ông Obama sẽ cố gắng giải thích về tình hình này với lãnh đạo của 11 quốc gia thành viên TPP khác trong Diễn đàn APEC khai mạc tuần tới tại Peru.

Các bộ trưởng trong nội các của ông Obama và văn phòng đại diện thương mại Mỹ trong nhiều tháng qua đã vận động các nghị sĩ thông qua TPP tại phiên họp quốc hội diễn ra sau bầu cử tổng thống.

Tuy nhiên, việc ông Trump đắc cử và việc Đảng Cộng hoà giành quyền kiểm soát lưỡng viện quốc hội đã ngăn cản kế hoạch này.

Ông Matt McAlvanah, người phát ngôn của Văn phòng đại diện thương mại Mỹ (USTR), cho biết: “Chúng tôi đã làm việc cẩn trọng với quốc hội để giải quyết các vấn đề đáng chú ý và sẵn sàng để xúc tiến mọi chuyện, nhưng đây là một quá trình lập pháp và phụ thuộc vào việc các lãnh đạo quốc hội có thông qua không và khi nào sẽ thông qua”.

Theo CNN, lãnh đạo phe đa số tại thượng viện, ông Mitch McConnell, tuần này cho biết Thượng viện Mỹ sẽ không giải quyết vấn đề về thỏa thuận thương mại liên quan tới 12 quốc gia châu Á – Thái Bình Dương (trong đó có Việt Nam) trong phiên họp tới đây.

Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan cũng nói Đảng Cộng hoà không có kế hoạch bỏ phiếu cho TPP tại hạ viện.

“Nếu tổng thống nhiệm kỳ tới muốn đàm phán về một thoả thuận thương mại, ông ấy sẽ có cơ hội làm việc này và đệ trình nó lên. Việc đó chắc chắn không diễn ra trong năm nay và sẽ tùy thuộc vào những cuộc thảo luận với tân tổng thống như các bạn đã biết. Tôi nghĩ tổng thống đắc cử cũng đã tỏ thái độ khá rõ ràng là ông không ủng hộ thoả thuận hiện tại” – ông McConnell nói.

EU tạm ngừng mọi đàm phán thương mại với Mỹ

Liên minh châu Âu ngày 11-11 cho biết việc ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ khiến mọi cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và EU sẽ bị ách lại, chưa biết trong bao lâu nữa.

Theo Reuters, trên thực tế việc tạm ngừng các cuộc đàm phán liên quan tới Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) ở thời điểm ông Obama kết thúc nhiệm kỳ cũng đã được lường trước.

Tuy nhiên, chiến thắng của ông Trump khiến tình trạng “ngủ đông” của những cuộc đàm phán này còn khó lường hơn trước nhiều.

Tại cuộc họp báo sau cuộc họp với các bộ trưởng EU phụ trách thương mại, uỷ viên châu Âu phụ trách thương mại Cecilia Malmstrom cho biết: “Trong một khoảng thời gian TTIP có thể sẽ ở trạng thái tạm dừng đàm phán và những gì xảy ra khi tình thế thay đổi, chúng ta sẽ phải chờ xem.

Tôi nghĩ là chúng ta nên thực tế. Tôi không thấy khả năng nào cho thấy có thể tái khởi động bất cứ cuộc đàm phán nào về TTIP trong một thời gian dài nữa”.

Phóng đại quyền lực tổng thống

Trong chương trình Saturday Morning của Đài phát thanh quốc gia New Zealand (RNZ), cựu quan chức về chính sách đối ngoại của Đảng Cộng hoà Richard Allen nói ông không tin ông Trump có thể thực thi được những chính sách bảo hộ phản thương mại như ông ấy tuyên bố trong chiến dịch tranh cử.

Ông Allen, từng là cố vấn an ninh cho tổng thống Ronald Reagan, cho biết hầu hết các đảng viên Đảng Cộng hoà đều vẫn giữ quan điểm ủng hộ các hoạt động tự do thương mại nếu chúng đem lại lợi ích cho tất cả mọi người về lâu dài.

Cũng theo ông Allen, mọi người đang phóng đại quyền lực của tổng thống và ông Trump sẽ không thể thực thi được một số chính sách khác của ông, trong đó có việc trục xuất tất cả những người Mexico lưu trú quá thời hạn cho phép tại Mỹ.

D.KIM THOA ([email protected])