Tin vào tâm huyết của người trẻ
Năm đầu tiên thực hiện “Tri thức trẻ vì giáo dục” (do Trung ương Đoàn, Tập đoàn Thiên Long và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức), chương trình đã nhận được hơn 250 tác phẩm được gửi về từ 45 tỉnh, thành trên cả nước.
CHUNG KHẢO CHƯƠNG TRÌNH “TRI THỨC TRẺ VÌ GIÁO DỤC”:
Tin vào tâm huyết của người trẻ
Năm đầu tiên thực hiện “Tri thức trẻ vì giáo dục” (do Trung ương Đoàn, Tập đoàn Thiên Long và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức), chương trình đã nhận được hơn 250 tác phẩm được gửi về từ 45 tỉnh, thành trên cả nước.
15+1 chương trình xuất sắc nhất “Tri thức trẻ vì giáo dục” 2016 – Ảnh: V.H. |
Đây là sự động viên lớn cho những người tổ chức chương trình và cũng mang lại sự tin tưởng vào tâm huyết, sáng tạo của người trẻ vì giáo dục.
Những gương mặt vào chung khảo
15 tác phẩm được lựa chọn vào chung khảo chương trình được đánh giá cao vì thiết thực, có khả năng giải quyết được những khó khăn trong thực tiễn giáo dục và có tính khả thi cao.
Công trình “Máy tính bỏ túi” của tác giả Hoàng Hồ Nam (Bình Phước) xuất phát từ trăn trở “Tại sao có nhiều học sinh ghiền game, lười học? Phải làm sao để các em mê học hơn mê game?”. Câu hỏi tưởng như quá hóc búa nhưng Hoàng Hồ Nam đã quyết tâm tìm ra lời giải.
“Máy tính bỏ túi” là một website có thể hiển thị tương thích trên nhiều thiết bị khác nhau. Thay vào việc chơi game thuần túy, với thiết kế của Hoàng Hồ Nam, các em học sinh sẽ có thể “chơi mà học”.
Ví dụ với game Giao đấu, học sinh có thể tham gia luyện cách giải toán nhanh, ma trận, chiếm trận, bấm nhanh… Hay game Thi online giúp thành viên tạo đề thi, câu hỏi mong muốn, với nhiều kiểu thi khác nhau. Các thành viên cũng có thể tham gia tạo diễn đàn theo các chủ đề khác nhau…
Một đề tài có mục đích tương tự là phần mềm “Trợ thủ học tập”, ứng dụng trên di động (của tác giả Phạm Nguyễn Anh Ngữ).
Trao đổi về đề tài này, Phạm Nguyễn Anh Ngữ cho biết các ứng dụng học tiếng Anh trên những thiết bị di động phổ thông vốn khan hiếm, phần lớn các ứng dụng chỉ chạy trên thiết bị di động cao cấp, một số ứng dụng phải trả phí với phương thức thanh toán tiền không thuận tiện.
“Trợ thủ học tập của tôi có thể ứng dụng trên tất cả các thiết bị di động từ phổ thông đến cao cấp. Trong đó kho dữ liệu rất phong phú, phù hợp với học sinh” – tác giả của “Trợ thủ học tập” chia sẻ.
Một số đề tài khác vào chung khảo cũng cho thấy có khả năng ứng dụng ngay vào thực tiễn dạy học, như công trình thiết kế, chế tạo một số thiết bị mới cảm ứng điện từ, để sử dụng trong dạy học vật lý ở trường phổ thông (tác giả Nguyễn Quốc Huy); Nghiên cứu xây dựng hệ thống bài học thực hành hóa học ở trường phổ thông, theo mô hình định hướng sản phẩm (tác giả Đặng Thị Minh Thu).
Tác giả Lê Thị Bé Nhung (giáo viên Trường THPT Phan Ngọc Tòng, huyện Ba Tri, Bến Tre) với chương trình Đưa giáo dục giới tính vào trường học, đã xây dựng các môđun giáo dục giới tính phù hợp với từng lứa tuổi của từng cấp học. Mỗi môđun sẽ có tình huống, nội dung bài học, câu hỏi và trả lời. Đây là nội dung dạy học nhẹ nhàng nhưng thiết thực, cụ thể, sát với sự phát triển tâm sinh lý của học sinh.
Dự án “Áo kiến thức” của tác giả Ma Quốc Đảo (giáo viên Trường THPT Nhân Việt, TP.HCM) giới thiệu cách in kiến thức lên áo, vải, đồng phục học sinh, để các em mặc đi học, rồi tranh thủ quan sát lĩnh hội kiến thức ngay trên… áo! Theo đó, Ma Quốc Đảo cho rằng có thể in lên vải kiến thức các môn toán, lý, hoá và ngoại ngữ. “Với môn ngoại ngữ, ý tưởng áo kiến thức sẽ tạo ra một cách tự học mới, chống bệnh lười học” – tác giả “Áo kiến thức” chia sẻ.
Cầu nối cho những giấc mơ thành hiện thực
“Tôi đã mất sáu năm nghiên cứu và phát triển dự án Áo kiến thức. Việc thực nghiệm, giới thiệu để nhân rộng công trình gặp rất nhiều khó khăn. Vì thế, khi biết thông tin cuộc thi “Tri thức trẻ vì giáo dục”, tôi vui mừng tới phát khóc. Tôi biết cuộc thi này là tia hi vọng cuối cùng, để giới thiệu dự án của mình tới các vị lãnh đạo trong ngành giáo dục” – thầy giáo trẻ Ma Quốc Đảo chia sẻ một cách chân thành việc mình tham gia chương trình.
Cũng có tâm trạng như thầy Ma Quốc Đảo, bạn Lê Thị Bé Nhung nói: “Bản thân tôi khi tham gia cuộc thi với tinh thần đam mê nghiên cứu, sáng tạo, giao lưu và học hỏi kinh nghiệm của nhiều tác giả khác nhau trên cả nước. Tôi cũng mong đây là cầu nối cho các trí thức trẻ tâm huyết với xã hội, để có thể góp sức nhỏ bé của mình cho việc đổi mới giáo dục Việt Nam”.
Nhận xét về kết quả của chương trình năm đầu tiên này, TS Võ Văn Thành Nghĩa, đại diện Tập đoàn Thiên Long, khẳng định: “Rõ ràng, “Tri thức trẻ vì giáo dục” đã trao cho người trẻ một cơ hội. Và ngay trong năm đầu tiên, họ đã nắm lấy cơ hội này và thể hiện bản thân mình. Tôi hi vọng rằng con số hơn 250 tác phẩm không chỉ thể hiện số lượng bài dự thi, mà còn nói lên chất lượng của các công trình, tác phẩm sẽ được gia tăng nhiều hơn trong tương lai”.
Mời nhiều chuyên gia thẩm định tác phẩm Có thể nói, với tên gọi của chương trình, chúng tôi đã không gặp nhiều khó khăn lắm trong năm đầu tiên thực hiện “Tri thức trẻ vì giáo dục”. Thay vào đó, thách thức đầu tiên chúng tôi gặp phải là chương trình này đề cập đến những vấn đề gai góc của giáo dục. Vì thế, ban tổ chức phải mời nhiều chuyên gia uy tín ở nhiều lĩnh vực giáo dục khác nhau, cũng như những đơn vị, tổ chức chuyên môn cao tham gia, khi thẩm định những tác phẩm thuộc ngành lịch sử, hóa học, vật lý… Việc này mất khá nhiều thời gian và công sức hơn dự kiến ban đầu. Các tác giả đã dành rất nhiều công sức để đưa ra tác phẩm thì việc thẩm định của chúng tôi phải thật cẩn trọng. Tôi cho rằng kết quả của năm đầu tiên tổ chức chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” rất đáng khích lệ. Điều này tạo cơ sở cho chúng ta tin rằng trong những năm kế tiếp của chương trình, sẽ còn có nhiều sự đóng góp hơn nữa của tri thức trẻ Việt Nam đối với sự nghiệp giáo dục nước nhà. |