23/12/2024

Khoảnh khắc khó quên cứu hộ vụ cháy kinh hoàng ở ITC

Khói lửa ngút trời, hàng trăm người hoảng loạn, nhiều người chết, nhiều người bị thương, nhiều người nhảy từ lầu cao xuống tự cứu mình để rồi chết trong bế tắc…

 CẢNH SÁT CỨU NẠN, CỨU HỘ – KỲ 2:

Khoảnh khắc khó quên cứu hộ vụ cháy kinh hoàng ở ITC

Khói lửa ngút trời, hàng trăm người hoảng loạn, nhiều người chết, nhiều người bị thương, nhiều người nhảy từ lầu cao xuống tự cứu mình để rồi chết trong bế tắc… 

 

 

 

Khoảnh khắc khó quên cứu hộ vụ cháy kinh hoàng ở ITC
Cảnh sát cứu người bị kẹt trong tòa nhà ITC – Ảnh: Tự Trung

“Vụ cháy đó người dân mình đau đớn, chết chóc nhiều quá. Anh em ai cũng buồn, cũng đau đớn, xót xa. Ngay tại trung tâm TP.HCM, một vụ cháy xảy ra mà chết mấy chục người, nhìn thấy từng cái chết trôi qua mắt, qua tay mà bất lực. Nó ám ảnh, làm tôi day dứt

Thiếu tá Huỳnh Văn Phón

Đó là những hình ảnh khó phai về vụ cháy kinh hoàng tại Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) ngày 29-10-2002.

Những giọt nước mắt bất lực

“Điều làm ray rứt cả cuộc đời tôi là vụ cháy ITC” – đại tá Lê Tấn Bửu, giám đốc Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) TP.HCM, nói. 14 năm đã trôi qua, gương mặt người chỉ huy PCCC, cứu nạn cứu hộ này vẫn hằn sâu những nỗi niềm.

Và lẽ đương nhiên, những chiến sĩ từng tham gia cứu nạn, cứu hộ trong vụ cháy ITC cũng không thể nào quên những cảm giác bất lực dù của mình khi đó.

Đồng đội hay nhắc lại hình ảnh của anh Thắng, một đồng nghiệp tham gia cứu nạn trong vụ cháy ITC. Tận mắt chứng kiến và tận tai nghe tiếng rơi đánh bụp xuống lòng đường của một nạn nhân vụ cháy nhảy từ lầu cao xuống, anh Thắng đã ràn rụa nước mắt vì thấy chết mà không thể cứu.

Đại úy Huỳnh Văn Tuấn, phó trưởng phòng cứu nạn cứu hộ, kể: lúc đó thấy họ nhảy nhưng không biết làm sao. Sáu vụ nhảy xuống thì cả sáu đều tử nạn.

Một chiến sĩ cứu nạn cứu hộ ray rứt nói: Lúc đó chưa được trang bị nệm hơi, sự việc diễn ra quá nhanh nên cũng không ai kịp nghĩ và đi huy động nệm ở những nhà xung quanh. Đó là một kinh nghiệm đau xót.

Vụ cháy xảy ra giữa trưa, đại uý Tuấn kể. Lúc đó hơn 13g, anh em lên xe chuẩn bị làm nhiệm vụ ở dinh Thống Nhất.

Vừa ra khỏi trụ sở một chút đã thấy khói lửa ngút trời phía toà nhà ITC, biết là cháy lớn nên các anh lao tới đó luôn và báo động về đơn vị. Tới nơi, các anh phối hợp ngay với nhiều lực lượng khác cùng tham gia chữa cháy.

Trong dòng người hoảng loạn, Tuấn cùng đồng đội hướng dẫn những người còn sống thoát nạn, cứu người bị thương, bị ngạt trong đám cháy.

Đám cháy xuất phát từ tầng 3, sau đó cháy lan xuống tầng 2 và nhanh chóng bùng phát dữ dội lên các tầng phía trên.

Hơn 200 người ở tầng 3 và các tầng dưới đã cố chạy ra ngoài và được các lực lượng phối hợp đưa ra khỏi đám cháy. Nhưng những người ở các tầng trên do cầu thang chật hẹp và lửa khói bốc lên mịt mù gây ngạt thở nên đã chạy ngược trở lên tầng 5, tầng 6, thoát ra hành lang.

Trong lúc hoảng loạn, nhiều người đã nhảy xuống các tòa nhà bên cạnh. Khi lửa khói theo gió cuộn về hướng đường Nguyễn Trung Trực, một số người không chịu nổi nóng và ngạt đã liều mình lao xuống đường.

Một nạn nhân vừa vẫy tay cầu cứu đã gục xuống vắt mình qua lan can bancông. Sự việc diễn ra quá nhanh, quá thảm khốc.

Khi một chiến sĩ cảnh sát PCCC đưa xe thang lên cao để chữa cháy thì phát hiện ở hành lang tầng 5 rất nhiều người nằm chết đè lên nhau, anh đã hét lên: Trời ơi người chết nhiều quá!

Biết vậy, nhưng ngay lúc đó lực lượng cứu nạn chưa thể tiếp cận ngay hiện trường có người chết trong tình trạng khói lửa cuồn cuộn, mịt mù.

Thời điểm đó chưa được trang bị áo chống cháy, chỉ khoác trên mình những chiếc áo jean, áo vải bố dày, không có mặt nạ chống độc, các anh đã cố gắng làm mọi thứ có thể được ở một đám cháy có sức nóng lên đến cả ngàn độ C.

Khoảnh khắc khó quên cứu hộ vụ cháy kinh hoàng ở ITC
Nỗi lo lắng của thân nhân người bị kẹt trong tòa nhà ITC – Ảnh: Tự Trung

Cứu bằng được người còn sống

Thiếu tá Huỳnh Văn Phón, người cứu được một nạn nhân từ nóc tòa nhà ITC, hồi tưởng: “Khi chúng tôi tới, các đơn vị đều đã cùng lúc ập tới vì vụ cháy quá lớn.

Lực lượng chữa cháy, cứu nạn khi đó chia ra tác chiến cả ba hướng đường quanh toà nhà là Pasteur, Nguyễn Trung Trực, Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Lửa khói cuồn cuộn bốc lên, nhìn cảnh người nhảy ào ào từ bên trên  nhà xuống đất tử vong mà lòng tôi nghẹn lại.

Bên đường Pasteur triển khai xe thang 52m. Tôi điều khiển thang, một chiến sĩ điều khiển lăng bơm nước trên cao giội xuống đám cháy.

Chiến đấu một lúc thì tôi nghe người dân hét từ dưới “Trên nóc nhà có người!”. Tôi điều khiển thang kê sát vị trí nạn nhân đang ngồi trên nóc nhà theo hướng mà người dân chỉ ở độ cao 23m.

Tôi trèo thang lên, thấy một thanh niên còn khá trẻ ngồi trên đó, phần mông và hai chân bị bỏng nặng, da gần như tuột ra, vừa bò vừa kêu cứu.

Tôi tới ngọn thang, thanh niên đó mừng quá muốn lao ngay vào tôi để thoát thân. Nếu làm vậy thì cả hai sẽ chết. Tôi vội trấn an, hỏi: “Anh còn bình tĩnh không?”. “Em đau quá!” – thanh niên này trả lời.

Tôi không có quần áo bảo hộ, không có dây an toàn, chỉ hai bàn tay trần trèo thang nhưng cũng bình tĩnh, động viên và nói sẽ đưa anh xuống, anh cứ bình tĩnh. Tôi vừa kè vừa cõng anh ấy xuống, cảm giác da thịt, máu anh ấy nhễu vào mình.

Chuyển nạn nhân cho lực lượng cấp cứu tại chỗ xong, tôi quay lại chiến đấu nên không biết nạn nhân đó ra sao. Tuy nhiên, tôi tin với vết bỏng chỉ ở phần mông và một phần chân thì nạn nhân đó sống sót”.

20g, đám cháy đã được khống chế nhưng vẫn còn âm ỉ. Khi lực lượng chữa cháy bên ngoài bớt căng thẳng cũng là lúc các chiến sĩ cứu nạn cứu hộ chia nhau thâm nhập hết các tầng bên trong tòa nhà để tìm, mang người chết ra.

Hầu hết các nạn nhân tập trung ở tầng 4 và 5 lên đến hàng chục người, có thi thể cháy đen. Cuộc tìm kiếm các thi thể diễn ra thâu đêm, đến tận 9g sáng hôm sau các chiến sĩ cứu nạn vẫn còn rà từng ngóc ngách trong t nhà để chắc chắn rằng không còn ai bị bỏ sót”.

Thiếu tá Phón cho biết: “Sau vụ ITC, tới năm 2006 tôi chuyển qua lực lượng cứu nạn cứu hộ. Anh em chúng tôi mỗi lần làm nhiệm vụ, tìm được xác người thì cảm xúc khó tả hơn trước nhiều lắm.

Khi đến hiện trường, những nỗi đau của người dân hiển hiện trên nét mặt, họ đang chờ đợi người thân kẹt đâu đó, sống hay chết…

Cho tới giờ khi nhớ về ITC, tôi vẫn chỉ ước mình cứu được nhiều người hơn. Từ lãnh đạo cho tới chiến sĩ chỉ nghĩ trong đầu điều duy nhất, mọi hành động chỉ có một mục tiêu là cứu được càng nhiều người càng tốt, vậy mà mất mát nhiều quá!”.

60 người chết

Đám cháy xảy ra lúc hơn 13g ngày 29-10- 2002 tại tòa nhà ITC, số 95 – 101 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1, TP.HCM. Vụ cháy khởi phát từ vũ trường Blue tại tầng 3 đang trong quá trình sửa chữa, sau đó bùng lên dữ dội bao trùm tòa nhà.

Nhiều lực lượng, kể cả quân đội, cùng hơn 500 xe chữa cháy được huy động. Vụ cháy đã làm 60 người chết, 70 người bị thương (phỏng, ngạt, chấn thương do nhảy từ trên cao xuống). Tổng thiệt hại vụ cháy trên 40 tỉ đồng.

Vụ cháy ITC đã làm thay đổi cả suy nghĩ của người dân và lãnh đạo TP về công tác PCCC. Lực lượng PCCC sau đó đã được quan tâm đầu tư nhiều hơn và tổ chức bộ máy phù hợp hơn với quy mô phát triển TP.

Kỳ tới: Lằn ranh sinh tử

THU AN – GIA MINH