27/01/2025

Nhà giáo, xử khéo để tránh tai nạn nghề nghiệp

Có người nói vui rằng vì nghề giáo “mô phạm” nên đụng chỗ “mô” cũng “phạm”. Hiện nay với nhà giáo, quyền thì rất ít nhưng nghĩa vụ, trách nhiệm rất nặng nề, không nhàn thân mà cũng chẳng nhàn tâm như nhiều người tưởng.

 

Nhà giáo, xử khéo để tránh tai nạn nghề nghiệp

Có người nói vui rằng vì nghề giáo “mô phạm” nên đụng chỗ “mô” cũng “phạm”. Hiện nay với nhà giáo, quyền thì rất ít nhưng nghĩa vụ, trách nhiệm rất nặng nề, không nhàn thân mà cũng chẳng nhàn tâm như nhiều người tưởng.

 

 

 

Nhà giáo, xử khéo để tránh tai nạn nghề nghiệp
Minh hoạ DAD

Nghề giáo cũng có không ít tai nạn nghề nghiệp xảy ra do chủ quan hoặc khách quan. Trong thực tế, có nhiều giáo viên – không chỉ giáo viên trẻ mà ngay cả giáo viên lớn tuổi – vẫn bị vướng vào tai nạn nghề nghiệp như thường. Vậy chi bằng biết trước những thử thách để phòng thân trong nghề giáo.

Làm nhà giáo đôi khi phải chịu thiệt một chút, chịu đựng và hết sức “nhẫn” nữa

1. Học sinh đặt điều 
nói xấu

Học sinh ngày nay phát triển khá tốt về thể chất và trí tuệ, nhiều em rất ngoan, ý thức rất tốt. Nhưng bên cạnh đó vẫn có một bộ phận học sinh chưa ngoan, trong đó không ít em thiếu trung thực với thầy cô, cha mẹ. Vậy nên, chuyện các em đổ lỗi ngược lại cho giáo viên cũng thường xảy ra.

Học yếu, điểm thấp, vi phạm nội quy… nhưng vì sợ bố mẹ không hài lòng, la mắng hoặc vì ghét thầy cô nên các em sẵn sàng nói dối với phụ huynh, thậm chí đặt điều nói xấu, làm mất uy tín thầy cô giáo.

Gặp tình huống học trò đặt điều nói xấu bôi nhọ, các thầy cô cần phải hết sức bình tĩnh, không cuống lên, lo lắng hay vội vàng thanh minh, hoặc đi chỗ này chỗ kia để giải thích với học sinh, giáo viên khác. Làm thế khác gì mình đi “tiếp thị” cho lời ác ý của người khác đối với mình.

“Thiệt vàng chẳng sợ chi lửa”, nếu đường đường chính chính, không việc gì thầy cô phải lo. Bị học sinh, phụ huynh, đồng nghiệp hiểu nhầm là điều bình thường.

2. Học sinh bất cần, 
chọc giận thầy cô

Một số “cậu ấm, cô chiêu” ngày nay được gia đình bao bọc, cưng chiều như những ông vua con. Ra ngoài, các em nhầm tưởng rằng mọi người phải có nghĩa vụ cung phụng mình. Những học sinh này rất khó giáo dục. Khi bị phê bình, các em rất ít khi tiếp thu, thậm chí còn chống đối, tỏ thái độ bất cần, ngang bướng.

Tôi chỉ muốn chia sẻ rằng những học sinh bất cần này có thể cố ý chọc giận thầy cô đấy. Các em chọc giận để thầy cô tức lên, mất bình tĩnh. Để thoát hiểm, mong thầy cô nuốt giận vào trong, làm chủ cảm xúc. Tuyệt đối không để sơ suất trong lời nói, cử chỉ, hành động. Chuyện chi còn có đó, có nhiều cách giải quyết, đừng nổi nóng mà quát mắng học trò nặng lời, đừng “khua tay múa chân”…

3. Phụ huynh 
“cá biệt”

Bên cạnh những phụ huynh hết lòng ủng hộ thầy cô giáo, phối hợp rất tốt với thầy cô để giáo dục học sinh, vẫn có một vài phụ huynh cá biệt.

Họ có quan điểm giáo dục sai lầm như bênh con, nghe lời con, phán xét thầy cô từ cái nhìn một chiều rất chủ quan, ỷ thân ỷ thế làm càn… Con họ vi phạm nội quy nhà trường, nhưng có khi họ không chịu hợp tác cùng thầy cô giáo chủ nhiệm và nhà trường để giáo dục học sinh.

Thậm chí họ có thể la lối, tìm cớ viết đơn bịa đặt vu khống thầy cô và nhà trường này nọ…

Trường hợp này đã vượt quá khả năng của thầy cô, cần phải báo cáo lên lãnh đạo nhờ can thiệp. Thầy cô hãy thông cảm cho sự nông nổi của phụ huynh cá biệt, đừng cố giải thích, tranh luận lời qua tiếng lại gì với họ, kẻo bị “vạ miệng”.

4. Phát ngôn, đi đứng cẩn trọng

Khi đùa vui hay giận hờn trước học sinh, thầy cô luôn phải nhớ kiểm soát lời nói của mình sao cho thật chuẩn mực, ôn hòa và thật kiệm lời. Khi vui quá hay giận quá, có thể lời nói thầy cô không thật chuẩn. Một khi lời đã nói ra thì không kéo lại được; nếu không thận trọng thầy cô sẽ bị tai nạn nghề nghiệp.

Đi đứng, trang phục, tư thế trên bục giảng của thầy cô cũng cần đúng chuẩn. Hãy cẩn thận với những chiếc điện thoại quay, chụp lén của học sinh.

5. Không được đụng vào học sinh, dù là sợi tóc

Đây là nguyên tắc số 1. Luật giáo dục quy định nhà giáo không được xâm phạm thân thể, xúc phạm danh dự học sinh. Nên nhớ, các thầy cô không được đụng vào học sinh dù là sợi tóc. Thời gian qua xảy ra nhiều vụ thầy cô giáo đánh học sinh, bị xã hội lên án gay gắt vì thầy cô đã phạm luật nói trên.

Nguyên nhân đúng sai, trò lỗi thế nào, tình huống ra sao… người ta không cần biết, chỉ biết hễ đụng vào học sinh là thầy cô sai dù bất luận lý do gì. Đụng vào học trò, thầy cô chỉ có sai và thất bại.

6. Chia sẻ trên 
Facebook

Facebook tuy là trang cá nhân nhưng sự chia sẻ không giới hạn, khó có thể kiểm soát thông tin. Theo tôi, thầy cô không nên kết bạn hay chia sẻ vô tư trên Facebook với học trò.

Nickname trên Facebook dễ dàng thay đổi, một ngày nào đó có thể có một vài hình ảnh hoặc lời lẽ không hay của ai đó chia sẻ trên trang cá nhân của bạn. Và bạn có thể bị vạ lây, bị đánh giá vì chuyện từ trên trời rơi xuống. Vì vậy, thầy cô nên cân nhắc rất kỹ với từng đề tài bàn luận, từng bình luận, từng cú “like”… trên Facebook.

7. Đã mang lấy nghiệp vào thân…

Theo nghề giáo, tất nhiên phải chấp hành Luật giáo dục, điều lệ nhà trường, pháp lệnh công chức, viên chức và nhiều quy định khác của ngành. Các thầy cô đừng bao giờ lúc nào cũng lấy luật ra để giải quyết vấn đề… Không có gì không có ngoại lệ. Làm nhà giáo đôi khi phải chịu thiệt một chút, chịu đựng và hết sức “nhẫn” nữa.

Thầy cô giáo là những người làm dâu trăm họ, là tấm gương sáng trước học sinh nên rất khổ, bị gò bó và mất tự do, ai có ở trong nghề mới biết. Nhưng các thầy cô nên nhớ rằng: “Đã mang lấy nghiệp vào thân/Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa”.

LÊ XUÂN CHIẾN