23/12/2024

Bắc Kinh nói gì về vụ bãi cạn ​Scarborough?

Sau những thông tin liên tục từ phía Philippines về việc ngư dân nước này được phép vào đánh bắt ở bãi cạn Scarborough, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng khẳng định “tình hình sẽ không thay đổi”.

 

Bắc Kinh nói gì về vụ bãi cạn ​Scarborough?

Sau những thông tin liên tục từ phía Philippines về việc ngư dân nước này được phép vào đánh bắt ở bãi cạn Scarborough, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng khẳng định “tình hình sẽ không thay đổi”.

 

 

 

Bắc Kinh nói gì về vụ bãi cạn ​Scarborough?
Ngư dân Philippines ở làng chài Cato trông những tàu cá trở về từ bãi cạn Scarborough ngày 31-10 – Ảnh: Reuters

“Tình hình ở bãi cạn Scarborough không thay đổi và sẽ không thay đổi” và “Trung Quốc vẫn đang quản lý khu vực này như bình thường”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh đã đập tan mọi bàn tán trong buổi họp báo tại Bắc Kinh ngày 31-10.

Tuy nhiên, theo Reuters, bà xác nhận Bắc Kinh đã cho ngư dân Philippines tiếp cận bãi cạn Scarborough ở biển Đông – nơi Manila tuyên bố chủ quyền nhưng Bắc Kinh đưa tàu các loại đến bao vây kiểm soát từ năm 2012.

Bà Hoa Xuân Oánh cho biết Bắc Kinh đã sắp xếp ổn thỏa vấn đề bãi cạn Scarborough sau khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte bày tỏ mối quan tâm trong chuyến thăm bốn ngày từ hôm 18-10. Bà Hoa cũng tuyên bố Bắc Kinh vẫn kiểm soát các vùng lãnh thổ của mình ở biển Đông, không loại trừ Scarborough.

“Chuyến thăm đánh dấu một sự cải tiến toàn diện quan hệ Trung Quốc – Philippines. Do Tổng thống Duterte tỏ ra quan tâm về bãi cạn Scarborough nên Trung Quốc đã thu xếp ổn thỏa dựa trên tình hữu nghị giữa hai nước”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo hằng ngày khi được đặt câu hỏi về chuyện có thực ngư dân Philippines đã được vào đánh bắt trong bãi cạn Scarborough.

Hôm 30-10, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Duterte, ông Hermogenes Esperon, có nêu về chuyện ngư dân Philippines đã vào đánh bắt trong bãi cạn Scarborough nhưng ông cũng chưa rõ về cách hành xử chính xác của Trung Quốc vì không có văn bản ràng buộc giữa hai bên về vụ này trong chuyến thăm của Tổng thống Duterte.

Ông Esperon thừa nhận “các tranh chấp chưa được giải quyết” và Philippines sẽ tái khẳng định chủ quyền bãi cạn khi các cuộc đàm phán song phương tiếp tục nhưng ông xác nhận “bầu không khí quan hệ (giữa hai nước) đã có thay đổi”. 

“Tổng thống Duterte đã có nói rằng chúng tôi đã chiến thắng tại Toà trọng tài, còn lãnh đạo bên kia cũng nhấn mạnh lại rằng đó là vùng lãnh thổ lịch sử của họ. Như thế chưa giải quyết được gì”, ông Esperon tường thuật về nội dung cuộc nói chuyện giữa Tổng thống Philippines với các lãnh đạo Trung Quốc cách đây hơn 10 ngày.

“Họ (Trung Quốc) vẫn có tàu tuần duyên ở đó, nhưng không còn thấy tàu chiến nữa và ngư dân của chúng tôi không bị cập mạn và xua đuổi. Nói tóm lại họ tỏ ra thân thiện hơn”, ông Esperon mô tả về tình hình mới.

Bắc Kinh nói gì về vụ bãi cạn ​Scarborough?
Tàu cá Philippines trở về từ bãi cạn Scarborough ngày 31-10. Họ cho biết không còn bị tàu Trung Quốc ngăn cản – Ảnh: Reuters

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cũng thông tin rằng một máy bay của hải quân nước này đã thực hiện một chuyến bay giám sát bãi cạn hôm 29-10. Chiếc máy bay phát hiện ít nhất 4 tàu tuần duyên Trung Quốc đang hoạt động xung quanh Scarborough nhưng không thấy tàu hải quân.

Bộ trưởng Lorenzana ngày 31-10 cho rằng việc Bắc Kinh cho phép ngư dân nước ông quay trở lại bãi cạn Scarborough được xem là một “tiến bộ đáng hoan nghênh” vì giải quyết được kế sinh nhai của nhiều người.

Trung Quốc đã xua tàu chiếm bãi cạn Scarborough - cách phía Bắc Philippines khoảng 228 km và cách Trung Quốc đến 800 km - sau vụ chạm trán với Philippines hồi tháng 6-2012. Tàu tuần duyên Trung Quốc thỉnh thoảng bắn vòi rồng để xua đuổi ngư dân Philippines trong khi bảo vệ tàu thuyền của ngư dân mình.

Trước tháng 4-2012, cả Trung Quốc lẫn Philippines đều không duy trì sự hiện diện thường trực ở bãi cạn Scarborough. Ngư dân Philippines, Việt Nam và Trung Quốc từng tới đây đánh bắt hải sản. Vào những thời điểm trong quá khứ, đặc biệt là cuối thập niên 1990 và đầu những năm 2000, hải quân Philippines từng bắt giữ những ngư dân Trung Quốc đi vào khu vực bãi cạn này.

NGUYỄN QUÂN