23/01/2025

Mang đến vùng lũ miền Trung những phần quà thiết thực

Được các đoàn cứu trợ từ khắp mọi miền cả nước giúp đỡ, người dân “khúc ruột” miền Trung đã nhận những phần quà thiết thực để ổn định cuộc sống.

 

Mang đến vùng lũ miền Trung những phần quà thiết thực

Được các đoàn cứu trợ từ khắp mọi miền cả nước giúp đỡ, người dân “khúc ruột” miền Trung đã nhận những phần quà thiết thực để ổn định cuộc sống.




Trao bò cho người dân H.Vũ Quang ngày 28.10	 /// Ảnh: K.Hoan

Trao bò cho người dân H.Vũ Quang ngày 28.10ẢNH: K.HOAN

“Chưa khi nào đoàn cứu trợ nhiều như vậy”
Ngày 28.10, tỉnh Quảng Bình tiếp tục đón một ngày nắng ráo, thuận lợi cho công tác khắc phục sau khi nước lũ rút đi. Dọc các đường thôn, ngõ xóm tuy còn bùn lầy, rêu rác vương vãi trên ngọn cây nhưng bên trong nhà dân, cảnh tươm tất đã được lập lại, bếp lửa đã đỏ sau nhiều ngày ngâm trong nước lũ. Gượng dậy trong đau thương mất mát, người dân miền Trung đã nhận được sự sẻ chia của rất nhiều nhà hảo tâm, doanh nghiệp trên khắp cả nước. Có đoàn cứu trợ lặn lội mang hàng từ Hà Nội, TP.HCM để kịp về cứu trợ “khúc ruột” khi nước lũ còn chưa rút đi. Đúng là “của một đồng nhưng công một nén”, nhận được tấm lòng của đồng bào cả nước, nhiều người miệng trệu trạo mì tôm mà nước mắt rơi vì quá xúc động.
 
 
Mang đến vùng lũ miền Trung những phần quà thiết thực - ảnh 1

Nói cần thì cái gì cũng cần, nhưng nói cần nhất có lẽ hiện người dân đang cần tiền mặt. Sau lũ lụt, nhiều đoàn đã mang mì tôm, gạo, các loại thực phẩm khác để giải quyết cấp bách. Nhưng giờ đã có phần ổn hơn, người dân cần tiền mặt để mua lại cái xoong, cái nồi, cuộn dây điện hay tấm áo ấm chẳng hạn. Bây giờ nên hỗ trợ hơn là cứu trợ

Mang đến vùng lũ miền Trung những phần quà thiết thực - ảnh 2
 

Ông Cao Thanh Bình - Bí thư Đảng uỷ xã Tân Hoá (H.Minh Hoá, Quảng Bình)

 

Ngay những ngày đầu tiên khi nước lũ đang hoành hành và chia cắt nhiều nơi, Báo Thanh Niên đã phối hợp cùng các nhà hảo tâm mang hàng vào cứu trợ tại các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An. Có tỉnh, đoàn đã đến tất cả các huyện để thăm hỏi, động viên và trao quà hỗ trợ. Như tại tỉnh Quảng Bình, Báo Thanh Niêncùng các doanh nghiệp không quản ngại đường sá xa xôi, đã đến điểm ngập lũ sâu nhất của tỉnh là H.Minh Hóa (có nơi ngập đến 5,5 m); đã vào những xã “trầm mình” trong nước cả tuần lễ như Tân Hoá, Minh H… để giúp đỡ bà con.

Những người làm công tác cứu trợ tại Quảng Bình cho biết, chưa khi nào đoàn cứu trợ nhiều như vậy. Đoàn đi thông qua các đoàn thể của tỉnh cũng có, đoàn kết nối với thôn, xã cũng không ít. “Càng nhiều đoàn đến với người dân vùng lũ càng quý nhưng cũng chính vì nhiều đoàn đến đã gây ra sự chồng chéo. Những hộ thiệt hại nặng nhất thường được chọn đầu tiên để nhận quà nhưng đôi khi lại có giá trị thấp. Những hộ ít thiệt hại nhận sau lại được phần quà có khi giá trị gấp 2 – 3 lần so với người trước. Từ đó tình làng nghĩa xóm sứt mẻ vì so bì”, một cán bộ H.Lệ Thuỷ (Quảng Bình) kể.
Nên hỗ trợ và trao “cần câu cơm”
Những ngày cùng nhiều đoàn cứu trợ vào các xã tại Quảng Bình, PV Báo Thanh Niên đã tiếp xúc với nhiều lãnh đạo xã tâm huyết, sốt sắng lo cho dân. Mọi công việc “bàn giấy” hằng ngày được tạm gác sang một bên, các cán bộ đều có một mục tiêu duy nhất là hỗ trợ nhanh nhất cho các đoàn phát quà. 10 ngày qua, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hoá (H.Minh Hoá, Quảng Bình) Cao Thanh Bình phải ở lại buổi trưa tại trụ sở với gói mì tôm dằn bụng. Ông đã tiếp gần 20 đoàn cứu trợ vào địa phương nên hơn ai hết, ông hiểu được người dân đang cần gì.
“Nói cần thì cái gì cũng cần, nhưng nói cần nhất có lẽ hiện người dân đang cần tiền mặt. Sau lũ lụt, nhiều đoàn đã mang mì tôm, gạo, các loại thực phẩm khác để giải quyết cấp bách. Nhưng giờ đã có phần ổn hơn, người dân cần tiền mặt để mua lại cái xoong, cái nồi, cuộn dây điện hay tấm áo ấm chẳng hạn. Bây giờ nên hỗ trợ hơn là cứu trợ”, ông Bình trải lòng.
Cũng như ông Bình, ông Cao Đình An, Chủ tịch UBND xã Minh Hoá  khi đón Tập đoàn Hoà Phát trao quà là 1 triệu đồng cho mỗi hộ dân đã xúc động nói: “Trước đó đã có một số đơn vị đến thăm và tặng bà con các loại nhu yếu phẩm nên hiện người dân đang rất cần tiền mặt để sửa sang nhà cửa. Đây thật sự là phần quà ý nghĩa đối với nhân dân xã nhà”. Tương tự, khi mang hơn 1.200 tấm tôn lên với đồng bào Vân Kiều xã Trường Xuân (H.Quảng Ninh), không riêng gì người dân mà lãnh đạo xã cũng rất mừng. “Sau lũ lụt, lần đầu tiên có đoàn công tác xã hội mang tấm lợp về cho đồng bào. Đây là loại vật liệu mà người dân đang cần để nâng cấp nhà cửa, ổn định cuộc sống”, ông Phạm Văn Quang, chủ tịch xã này, nói.
Về phần người dân, khi nhận được những phần quà là tiền mặt, ai cũng bảo đó là những phần quà ý nghĩa mà họ có thể dùng để mua lại cá giống, vịt, gà con để tiếp tục chăn nuôi. Còn những nơi bị lũ quét dữ dội tại H.Minh H, nhiều người dân mất hết gia súc lại đang chắt chiu để mua lại con trâu hay dành dụm để làm, sửa sang nhà bè nhằm tiếp tục “sống chung với lũ”. Như lời ông Cao Thanh Bình thì những ngày tới, địa phương rất mong nhận được sự hỗ trợ, trao “cần câu cơm” cho người dân để họ tiếp tục làm ăn, ổn định cuộc sống.
Tặng bò cho người dân vùng lũ
Ngày 28.10, 15 con bò và 120 triệu đồng được đoàn công tác xã hội của Công ty CP Gemadept, Báo Thanh Niên và Tỉnh đoàn Hà Tĩnh trao tặng cho người dân nghèo vùng lũ H.Vũ Quang, Hà Tĩnh để tiếp sức dài hơi cho họ.
15 con bò cái trị giá 12 triệu đồng/con được trao cho 15 gia đình nghèo khó của 6 xã ở H.Vũ Quang. Số bò này đã 7 – 10 tháng tuổi và dự kiến, sau khoảng 20 tháng nuôi dưỡng, số bò này sẽ sinh sản.
Sau khi được nhận bò, chị Nguyễn Thị Hồng (ngụ xã Đức Lĩnh) vui mừng khôn xiết. Chồng chị bị câm điếc bẩm sinh và đang mang trong mình căn bệnh hư thận nhưng cũng chạy ra bãi cỏ, nơi trao bò, mừng rỡ ôm và xoa đầu con bò vừa được trao cho gia đình anh. Chồng mất, chị Hoàng Thị Lý cùng 2 đứa con nhỏ sống nghèo khổ trong căn nhà tranh tạm bợ ở xã Ân Phú. Được nhận bò, chị Lý bật khóc vì mừng. “Con bò là niềm mơ ước của tui từ lâu. Rất cảm ơn đoàn công tác đã giúp mẹ con tui”, chị Lý xúc động nói.
Ông Nguyễn Xuân Tịnh, Phó chủ tịch UBND xã Đức Lĩnh (H.Vũ Quang), phấn khởi nói đây là món quà rất có ý nghĩa và giá trị đối với các gia đình này vì họ quá nghèo và đều có hoàn cảnh rất bi đát. Với những gia đình này, những đồng tiền mặt như con cá, có thể họ sẽ tiêu hết nhưng con bò là cái cần câu để họ có kế mưu sinh lâu dài. “Chúng tôi rất cảm ơn Công ty CP Gemadept, Báo Thanh Niên vì món quà rất ý nghĩa này. Địa phương sẽ theo dõi để hỗ trợ cho các hộ dân được tặng bò, hướng dẫn họ cách chăm sóc để số bò này sớm sinh sản”, ông Tịnh cam kết.
Cùng ngày, đoàn công tác xã hội đã đến 30 hộ dân có hoàn cảnh rất đặc biệt ở 6 xã của H.Vũ Quang, trao 120 triệu đồng (mỗi gia đình 3 – 5 triệu đồng) để chia sẻ khó khăn với các gia đình này.
Khánh Hoan

Doanh nghiệp và Báo Thanh Niên tiếp tục hỗ trợ miền Trung
Tiếp tục san sẻ những khó khăn với người dân miền Trung sau lũ lụt, trong những ngày sắp tới, Báo Thanh Niên cùng các doanh nghiệp sẽ mang nhiều phần quà về hỗ trợ người dân. Theo đó, Công ty CP văn hóa TIE sẽ hỗ trợ 30.000 cuốn vở (trị giá 200 triệu đồng) cho 3.000 học sinh tại các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh.
Tại Quảng Trị, hôm nay (29.10), đơn vị Nestle sẽ trao 208 suất quà (mỗi suất gồm 20 kg gạo và 200.000 đồng) cho người dân H.Hướng Hóa. Ngày 30.10, Tập đoàn Lộc Trời sẽ trao 400 suất quà (mỗi suất gồm 50 kg gạo và 250.000 đồng) cho người dân H.Vĩnh Linh.
Tại Quảng Bình, Báo Thanh Niên cùng Honda VN sẽ trao hơn 500 triệu đồng hỗ trợ các gia đình có người chết trong lũ và trao thêm nhiều phần quà cho các địa phương bị thiệt hại; Tập đoàn Hoà Phát tiếp tục trao quà hỗ trợ đợt 2 với tổng kinh phí hơn 800 triệu đồng; Công ty TNHH eSilicon Việt Nam trong thời gian tới sẽ trao hỗ trợ 50 triệu đồng tại H.Lệ Thủy. Sáng nay (29.10), Công ty Gemadept (TP.HCM) cùng với Thanh Niên sẽ trao 300 triệu đồng tiền mặt tương ứng 300 suất quà cho người dân H.Quảng Ninh.
Sáng 28.10, bà Hồ Thị Huệ – Chủ tịch công đoàn Công ty cổ phần dược phẩm OPC đã đến tòa soạn Báo Thanh Niên trao số tiền 70 triệu đồng giúp đồng bào vùng lũ miền Trung. Nhân kỷ niệm 39 năm thành lập, Công ty cổ phần dược phẩm OPC đã vận động cán bộ công nhân viên đóng góp được 100 triệu đồng giúp người dân vùng lũ, trong đó đóng góp 30 triệu đồng thông qua Công đoàn y tế VN, 70 triệu đồng thông qua Báo Thanh Niên.


 

Thanh Niên