Nỗi niềm trưởng thôn mùa cứu trợ
Câu chuyện cán bộ thôn thu lại quà cứu trợ của các nhóm từ thiện về phát cho dân đang được mổ xẻ, bàn luận. Hai tác giả tham gia các đợt cứu trợ lũ lụt ở miền Trung mới đây chia sẻ góc nhìn về câu chuyện này.
Nỗi niềm trưởng thôn mùa cứu trợ
Câu chuyện cán bộ thôn thu lại quà cứu trợ của các nhóm từ thiện về phát cho dân đang được mổ xẻ, bàn luận. Hai tác giả tham gia các đợt cứu trợ lũ lụt ở miền Trung mới đây chia sẻ góc nhìn về câu chuyện này.
Ông Nguyễn Văn Thông – trưởng thôn Tràm Mé, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình – cầm danh sách gọi từng người dân trong thôn lên nhận quà cứu trợ – Ảnh: TẤN VŨ |
Phát xong xe hàng cứu trợ, ông Nguyễn Văn Thông, trưởng thôn Tràm Mé (xã Sơn Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình), quẹt mồ hôi trán ngồi tâm sự rằng bốn mùa trong năm khổ nhất của trưởng thôn là mùa bão lũ và cứu trợ.
Ông Thông cũng như bao trưởng thôn khác ở đây được dân bầu, và trợ cấp hằng tháng ông nhận là 870.000 đồng nhưng công việc của ông thì không ai đong đếm được.
Khi nước lũ bắt đầu dâng, ông cùng đám thanh niên là những người đầu tiên chạy đôn đáo tới các gia đình chỗ trũng vận động di dời, giúp khiêng đồ đạc, bồng bế người già, trẻ con. Nước lên cao chút nữa, chính ông là người dẫn các đoàn cứu hộ quân đội, công an đến từng nhà.
Và rồi cái điện thoại của ông thì reo từ sáng sớm đến lúc gà gáy sang canh trong những ngày lũ. Sáng sớm, điện thoại ông reo đi gọi dân có đoàn cứu trợ về. Ông chạy đi tìm người thông báo.
Giữa buổi, điện thoại ông reo có người hỏi lại: “Nhận quà ở đâu?”. Trưa có người gọi bảo: “Quà của tôi sao không thấy? Nhà tôi vẫn ngập mà sao không thấy quà?”.
Chiều có người doạ: “Không cho tôi vào danh sách tôi kiện ông lên huyện, tỉnh”. Tối có người kéo đến nhà bảo: “Nhà tôi ngập nhiều sao không được, nhà hàng xóm ngập ít lại có quà?”.
Đó là chưa kể những lời phàn nàn, thậm chí là chửi ở ngã ba thôn đến đầu làng ngách xóm rằng “tôi không có quà vì ông trưởng thôn không đưa vào danh sách”.
Nhưng trưởng thôn có biết khi nào có đoàn cứu trợ đến và mỗi phần quà trị giá bao nhiêu? Có đoàn đến trước, những hộ khó khăn, nhà thiệt hại nặng nhất ông đưa vào danh sách nhận quà đợt đầu.
Đoàn sau đến là những hộ tiếp theo, thiệt hại ít hơn, lên nhận. Nhỡ phần quà sau nhiều hơn phần quà trước thì ông là người đầu tiên lãnh đủ sự thị phi, so bì.
Rồi đằng sau những chuyến cứu trợ, nếu không có sự công bằng thì tình làng nghĩa xóm rạn nứt, sứt mẻ. Trưởng thôn lại là người phải hàn gắn các mối quan hệ này để xóm làng êm thấm.
Quay về xã Tân Hoá (Minh Hoá, Quảng Bình) trong những ngày lũ lớn, lại nhớ ông trưởng thôn chèo đò đưa chúng tôi vào vùng rốn lũ. Ông thuộc vanh vách từng nóc nhà, từng gia cảnh, từng chỗ nông sâu, nhớ mặt từng đứa bé, con bò của dân.
Phát hàng xong, gửi ông chút tiền nước, ông từ chối phăng vì: “Chúng tôi phải cảm ơn các anh!”. Ông bảo mấy ngày nay thôn có người chết do lũ cuốn, nhà cửa ông bỏ hết để chạy đi tìm xác, rồi thức trắng nhiều đêm lo ma chay.
Có thể đâu đó có những người lợi dụng kiếm chác từ việc cứu trợ, nhưng trong hàng ngàn trưởng thôn ở nhiều tỉnh trong vùng lũ lụt còn có rất nhiều trưởng thôn đủ đầy trách nhiệm và tốt bụng như tôi gặp.
Chỉ tiếc rằng sau mỗi một mùa bão lụt, cứu trợ, rất nhiều trưởng thôn phải từ chức vì không chịu nổi áp lực và nhiều địa phương phải “đỏ mắt” để tìm người làm trưởng thôn.
Tôi tin họ là người tử tế Khi đoàn của chương trình Cơm có thịt chúng tôi đến những hộ dân nghèo thiệt hại nặng nhất vì lũ lụt để hỗ trợ, chủ tịch UBND xã Phương Mỹ, Hương Khê, Hà Tĩnh trực tiếp chèo thuyền chở đi. Ở Phương Mỹ, trụ sở UBND 2 tầng là nơi dân các xóm lân cận đến ở tránh lũ. Cán bộ và dân những ngày này là một. Đến các xã khác như Hương Đô, Hương Trạch (Hương Khê, Hà Tĩnh), Ngư Hóa, Trọng Hoá, Tân Hoá (Minh Hoá, Quảng Bình), Lâm Hóa (Tuyên Hoá, Quảng Bình), các cán bộ chủ chốt của xã đều tận tình cùng đoàn công tác. Ở Ngư Hóa, đoàn phải ăn mì suông, chủ tịch UBND xã cùng một thành viên đi đến hơn tiếng đồng hồ mới mua nổi một con gà nhép nấu mì cho hơn chục người ăn. Ở Trọng Hoá, vị phó công an xã nhiệt tình đi cả ngày trời vào bản, từ chối tiền bồi dưỡng và xăng xe cho đoàn mượn. Họ đều sâu sát dân, biết rõ từng hoàn cảnh của dân. Ở Lâm Hóa, bí thư xã dẫn đến từng nhà mất trâu bò, thậm chí anh còn nhớ cả màu lông con bò đã mất. Qua sự chào hỏi nhau của cán bộ và dân, thấy họ có sự gần gũi thân tình, tôi nghiệm ra rằng ở những vùng nghèo cán bộ đều tốt với dân. Mọi đề xuất của họ với đoàn đều vì những gì thiết yếu của dân, nhất là với học sinh. Những người như thế, tôi tin họ là những người tử tế. Tin nhưng nguyên tắc vẫn phải kiểm tra lại những hộ đã nhận tiền hỗ trợ, kiểm tra để không phụ lòng những người đóng góp để không sơ sẩy dù chỉ một đồng. |