Nhiều người trong đoàn công tác của Báo Thanh Niên phối hợp với các doanh nghiệp, nhà hảo tâm khi mang quà cứu trợ đến vùng lũ miền Trung đã không cầm được nước mắt chứng kiến những mất mát người dân nơi đây phải gánh chịu.
Những vòng tay ôm chặt ở vùng lũ
Nhiều người trong đoàn công tác của Báo Thanh Niên phối hợp với các doanh nghiệp, nhà hảo tâm khi mang quà cứu trợ đến vùng lũ miền Trung đã không cầm được nước mắt chứng kiến những mất mát người dân nơi đây phải gánh chịu.
Sáng 25.10, đoàn công tác xã hội của Báo Thanh Niên, ni sư Thích Nữ Tâm Nguyệt (trụ trì chùa Phổ Hiền, Bà Rịa-Vũng Tàu) và quý phật tử với sự hỗ trợ của Huyện đoàn Vĩnh Linh đã đến thăm, tặng quà cho người dân vùng lũ tại H.Vĩnh Linh, nơi bị thiệt hại nặng nhất tỉnh Quảng Trị trong đợt lũ vừa qua.
Đoàn đã dành hơn 400 phần quà (mỗi suất 500.000 đồng tiền mặt, 1 áo mới, bánh kẹo) với tổng trị giá 250 triệu đồng cho người dân xã Vĩnh Thủy và Vĩnh Long.
Sau khi người dân nhận tiền và hàng hóa cứu trợ từ các nhà hảo tâm, một số chính quyền thôn tại tỉnh Quảng Bình đã thu lại để tập hợp rồi chia đều khiến người dân bất bình, phản ứng.
Tại Vĩnh Thuỷ, thấy bà con đến nhận quà quá cơ cực, ni sư Thích Nữ Tâm Nguyệt đã ôm chầm lấy mọi người và bật khóc. Ni sư nói: “Người dân ở địa phương này khi chưa có mưa lũ đã cực rồi, nhìn đôi chân đen đúa, gầy guộc và những thân hình “da bụng đụng da lưng” của bà con là tôi không cầm lòng được. Ước gì tôi có thể kêu gọi và mang theo nhiều hàng, tiền nữa để giúp đỡ người dân vùng này bớt khổ”. Rất nhiều bà con đã đến bên vị sư với những cái ôm siết chặt để động viên ngược trở lại.
Chị Võ Thị Thu, Phó bí thư Huyện đoàn Vĩnh Linh, tỏ ra hết sức kinh ngạc với cách mà đoàn do Báo Thanh Niên dẫn đi “biếu quà” cho dân. Chị Thu nói: “Ngoài tiền, hàng hoá, các sư còn chuẩn bị cả kẹo bánh, phát cho bà con ăn vì sợ họ đói bụng trong lúc chờ đợi. Những người già, có tướng mạo đáng thương hơn, sư còn kéo ra riêng để… cho thêm tiền. Vì vậy, chúng tôi đã thực sự cảm nhận được hơi ấm tình thương mà đoàn cứu trợ của quý báo mang đến trong ngày hôm nay”.
Trước đó, ngày 20.10, ni sư Thích Nữ Tâm Nguyệt đã phối hợp với Báo Thanh Niên trao 500 phần tiền mặt (trị giá 500.000 đồng/phần) cho bà con vùng lũ H.Lệ Thuỷ (Quảng Bình).
Đại diện nhóm Thiện nguyện Sài Gòn trao quà hỗ trợ cho người dânẢNH: HOÀNG SƠN
Người Sài Gòn với đồng bào vùng lũ
Cũng trong ngày 25.10, nhóm Thiện nguyện Sài Gòn phối hợp với Báo Thanh Niên đã mang hàng trăm suất quà tới vùng lũ Quảng Bình, trực tiếp đến từng nhà dân bị thiệt mạng do lũ lụt để chia sẻ nỗi mất mát.
Điểm đầu tiên mà đoàn đến là xã Tân Thuỷ, một địa phương gánh chịu nhiều hậu quả do lũ lụt gây ra. Ông Dương Đức Tài, Phó chủ tịch UBND xã Tân Thuỷ, cho biết lũ đột ngột kéo về vào ngày 15.10 đã cuốn trôi hàng chục tỉ đồng tài sản của người dân, nhiều nhà gần như trắng tay.
Bà Trần Thị Phương (46 tuổi, trú thôn Tân Bằng) khi nhận quà đã không giấu được xúc động: “Nhà tôi bị ngập sâu, gia cầm, ao cá bị lũ quét không còn gì, thiệt hại cả trăm triệu đồng. Phần quà tuy không lớn, nhưng với hoàn cảnh của tụi tui bây giờ thì rất đáng quý”.
Tại các địa phương, đoàn đã trao 200 phần quà cho 200 hộ dân. Đoàn cũng đã đến tận nhà 4 hộ tại H.Lệ Thủy có người thân thiệt mạng trong lũ để thăm viếng và giúp đỡ 5 triệu đồng/hộ.
Anh Hồ Đắc Thành, Trưởng nhóm Thiện nguyện Sài Gòn, chia sẻ: “Quá xót xa cho những đau thương, mất mát của người miền Trung, chúng tôi – những người Sài Gòn đã đứng ra vận động sự ủng hộ từ các nhà hảo tâm. Có đi qua vùng lũ mới thấy bà con đang khổ thế nào. Chỉ mong những phần quà nhỏ sẽ góp phần san sẻ những khó khăn, mong đồng bào sớm ổn định cuộc sống”.
3.600 m2 tôn đến với người dân vùng lũ Hà Tĩnh
Ngày 25.10, Công ty CP Tôn Đông Á và Báo Thanh Niên mang 3.600 m2 tôn, trị giá 250 triệu đồng, đến với người dân xã Hoà Hải và Hương Liên (H.Hương Khê, Hà Tĩnh). Số tôn này được trao cho 50 hộ dân, mỗi hộ 72 m2.
Ông Nguyễn Đình Quang, Chủ tịch UBND xã Hòa Hải, cho biết xã hiện có 67 hộ dân nhà đang ở rất tạm bợ, cần làm mới. “Số tôn này rất có ý nghĩa đối với các gia đình có nhà còn tạm bợ để họ lợp lại nhà”, ông Quang nói. Tương tự, ông Đinh Văn Sánh, Chủ tịch UBND xã Hương Liên, cho biết người dân ở đây hầu hết nhà còn tạm bợ. Sự hỗ trợ này là rất đáng quý để họ có cơ hội cải thiện lại nhà ở, ổn định cuộc sống.