24/01/2025

Lớp học tình thương trên chợ nổi

Ở chợ nổi Cái Răng (TP.Cần Thơ) có một lớp học miễn phí dành cho con cái các thương hồ, những đứa trẻ thường bỏ học giữa chừng vì hoàn cảnh.

 

Lớp học tình thương trên chợ nổi

Ở chợ nổi Cái Răng (TP.Cần Thơ) có một lớp học miễn phí dành cho con cái các thương hồ, những đứa trẻ thường bỏ học giữa chừng vì hoàn cảnh.




Các thành viên nhóm MYI và học trò ở lớp học trên chợ nổi 	 /// Ảnh: Đình Tuyển

 

Các thành viên nhóm MYI và học trò ở lớp học trên chợ nổiẢNH: ĐÌNH TUYỂN

Tiếng Anh và bảo vệ môi trường
Hơn 2 tháng nay, mỗi chiều chủ nhật, căn nhà bè dập dềnh giữa chợ nổi Cái Răng (Q.Cái Răng) của vợ chồng ông Lý Hùng và bà Nguyễn Thị Kim Chưởng (cùng 52 tuổi) lại rộn rã tiếng con nít học bài, ca hát, vui chơi. Tại đây, ngoài những buổi học ở trường, hàng chục đứa trẻ từ 6 – 16 tuổi trong xóm bè và các ghe thương hồ được cha mẹ đưa đến lớp học tiếng Anh và kỹ năng mềm miễn phí.

Lớp học đặc biệt này hình thành từ dự án Giáo dục đồng đẳng Mê Kông (Mekong Healthy Initiative Through Peer Education), một dự án nhằm xây dựng kiến thức bảo vệ môi trường cho trẻ em ở chợ nổi Cái Răng, do hai cô gái trẻ là Trần Anh Thư (23 tuổi) và Nguyễn Minh Thơ (20 tuổi, cùng ngụ Cần Thơ) khởi xướng và được chọn tài trợ qua cuộc thi “Ý tưởng bảo vệ môi trường”, do Mạng lưới sông ngòi VN tổ chức.
Để thực hiện lớp học, Anh Thư và Minh Thơ đã lập ra nhóm tình nguyện Người trẻ Mê Kông (Mekong Youth Impact, viết tắt là MYI), gồm 11 thành viên đang học tập và làm việc tại Cần Thơ. Mục đích của lớp học là nâng cao nhận thức về môi trường cho những trẻ em đang sống tại chợ nổi Cái Răng, thông qua học tập, trao đổi và cả những hoạt động vì cộng đồng như vớt rác, dọn dẹp môi trường trên sông…
Theo Anh Thư, mỗi tuần chỉ học 1 buổi nhưng đến nay lớp học đã trở thành nơi quy tụ của trẻ em chợ nổi Cái Răng. Ngoài học tiếng Anh, các em còn được hướng dẫn làm đồ thủ công tái chế từ các vật dụng bỏ đi, đọc sách, vẽ tranh, đóng kịch… Đặc biệt là cùng lập tủ sách và hướng đến một cuộc triển lãm về môi trường ngay tại chợ nổi vào cuối tháng 12 năm nay. “Sau 2 tháng hoạt động, hầu hết các em đã hiểu về môi trường, biến đổi khí hậu, biết thuyết trình, làm việc theo nhóm và trân trọng những sản phẩm từ đồ tái chế do chính mình làm ra”, Anh Thư cho hay.
Trẻ trên bờ cũng xin nhập học
Minh Thơ cho biết những ngày đầu mới mở lớp, các thành viên nhóm MYI phải đến từng ghe, bè thuyết phục thương hồ cho con đến lớp. “Công việc rất khó khăn
bởi các thành viên trong nhóm còn quá trẻ, không dễ nhận được sự tin tưởng từ các phụ huynh. Vì vậy, ban đầu lớp chỉ có vài em và phải mất 2 tuần, số lượng mới tăng lên”, Thơ nói.
Thế nhưng mỗi tuần qua đi, các thương hồ cảm thấy phấn chấn hơn trước những chuyển biến tích cực của con mình. Bà Nguyễn Thị Kim Chưởng, chủ bè cho mượn mở lớp, có 2 con tham gia lớp học, vui mừng nói: “Trước đây nhiều lúc mình nói tụi nhỏ lì không nghe. Còn bây giờ, nghe các anh chị dạy, đứa này trông đứa kia nên làm gì cũng biết xin phép, biết thu dọn đồ đạc, thậm chí còn “canh me” không cho ai xả rác xuống sông”. Tiếng lành đồn xa, ngày càng nhiều người biết đến lớp học, thậm chí có người ở trên bờ cũng đưa con xuống bè xin nhập học, như chị Trần Bích Tuyền (ngụ P.Lê Bình, Q.Cái Răng). Chị Tuyền bày tỏ: “Gia đình tôi không có điều kiện cho cháu học thêm tiếng Anh nên khi biết có lớp này tôi dẫn con xuống xin cho cháu học”.
Lớp học tình thương trên chợ nổi - ảnh 2

TIN LIÊN QUAN

Chàng trai mở lớp học miễn phí cho trẻ em nghèo

Tốt nghiệp ĐH Sư phạm Huế, thầy Phan Cả (28 tuổi, trú tại Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) vẫn chưa thể thực hiện ước mơ đứng trên bục giảng nên mở lớp học miễn phí cho trẻ nghèo ngay tại quê mình.
Tuy nhiên, theo Anh Thư và Minh Thơ, khác với lúc đầu mở lớp, bây giờ mỗi khi có phụ huynh đưa con đến xin nhập học, cả nhóm lại phải lo tính toán mọi thứ, bởi dự án chỉ được tài trợ giai đoạn đầu khoảng 6 tháng (tức đến tháng 12.2016) với vỏn vẹn 20 triệu đồng. Bằng số tiền này, 11 thành viên của nhóm MYI phải trang trải rất nhiều việc như sách, vở, viết, dụng cụ học tập, đồ chơi, thuê phương tiện vớt rác, đi lại… trong nửa năm. Trong khi đó, tham vọng của nhóm MYI là tiếp tục dự án đến cuối tháng 8.2019, thậm chí lâu hơn nữa. “Chúng tôi biết rằng, để thay đổi nhận thức và hành động của các em thì cần phải có thời gian dài. Dù thế nào, chúng tôi cũng phải vượt qua khó khăn”, Anh Thư nói.
Anh Thư và Minh Thơ cũng chia sẻ không chỉ dạy kiến thức, kỳ vọng của nhóm MYI là giúp những trẻ ở chợ nổi được củng cố những giá trị tinh thần như lòng biết ơn, sự tự tin, trách nhiệm và tinh thần vươn lên để các em tự biết giữ gìn môi trường, nuôi dưỡng ước mơ, không bỏ học giữa chừng như những anh chị đi trước.

 

Học đến tiểu học, THCS là nghỉ

Chợ nổi Cái Răng là điểm du lịch nổi bật ở Cần Thơ. Ngoài 38 hộ ở trên bè, hiện mỗi ngày chợ còn có 200 – 300 ghe xuồng thương hồ buôn bán, làm nên nét đặc trưng của sông nước miền Tây. Tuy nhiên, ở chợ nổi, chuyện học hành của trẻ em thường bị gián đoạn vì cuộc sống nay đây mai đó và nhiều quy định về hộ khẩu, tạm trú. Đa phần trẻ chỉ học đến tiểu học hoặc THCS là nghỉ.