24/12/2024

5 nguyên tắc cứu trợ hiệu quả sau bão lũ

Bà Babeth Ngoc Han Lefur – giám đốc tổ chức phi chính phủ quốc tế Oxfam tại Việt Nam – cho biết hỗ trợ nhân đạo sau thảm hoạ như bão lũ là một trong những ưu tiên chính của Oxfam tại Việt Nam.

 

5 nguyên tắc cứu trợ hiệu quả sau bão lũ

Bà Babeth Ngoc Han Lefur – giám đốc tổ chức phi chính phủ quốc tế Oxfam tại Việt Nam – cho biết hỗ trợ nhân đạo sau thảm hoạ như bão lũ là một trong những ưu tiên chính của Oxfam tại Việt Nam.

 

 

 

5 nguyên tắc cứu trợ hiệu quả sau bão lũ
Bạn Nguyễn Thị Xoan – sinh viên ở P.10, Q.Tân Bình, TP.HCM – đóng góp cứu trợ đồng bào các tỉnh miền Trung bị lũ lụt – Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH

Ngay sau khi tình huống khẩn cấp xảy ra, ví dụ như mưa lũ khiến một số khu vực của các tỉnh miền Trung chìm trong nước vừa qua, việc hỗ trợ về thức ăn, nước uống, nơi ở an toàn và các nhu cầu thiết yếu khác thường được các cá nhân, tổ chức thực hiện ngay tại chỗ với tinh thần tương trợ lẫn nhau, theo tôi, là rất cần thiết và đáng trân trọng.

Việc phân bổ nguồn tài trợ cần được tính toán và quyết định sao cho các vùng và người bị ảnh hưởng được nhận cứu trợ tùy theo mức độ thiệt hại và nhu cầu, tránh tình trạng nguồn tài trợ đổ dồn về một vài địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất và được báo chí nhắc đến nhiều nhất, còn các địa phương khác bị ảnh hưởng ở mức độ thấp hơn lại không nhận được sự hỗ trợ nào hoặc rất ít.

Của cho 
không bằng cách cho

Tuy nhiên nếu không được thực hiện tốt, các hoạt động cứu trợ có thể gây ra các hệ lụy không mong muốn cho cộng đồng bị ảnh hưởng, ví dụ mâu thuẫn giữa các đối tượng, hàng cứu trợ không phù hợp với nhu cầu hoặc biến cộng đồng bị ảnh hưởng thành nơi tập kết rác thải.

Người Việt đã có những đúc kết “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, nhưng “của cho không bằng cách cho”.

Sau khi tình trạng khẩn cấp đã qua, công tác cứu trợ cần được tổ chức bài bản nhằm giúp những người bị ảnh hưởng khắc phục thiệt hại và khôi phục đời sống, đồng thời tăng cường năng lực thích ứng của mình trước các thảm họa trong tương lai.

Những người bị ảnh hưởng thiệt hại ở các mức độ khác nhau. Vì vậy việc cứu trợ cần xác định ưu tiên người hưởng lợi, nhằm giúp những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất theo các tiêu chí thống nhất.

Đối với Oxfam, các tiêu chí ưu tiên bao gồm: những người bị ảnh hưởng thuộc hộ nghèo hoặc cận nghèo, có phụ nữ làm chủ hộ, có trẻ em, người già, người khuyết tật, người không còn khả năng lao động. Việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi cần được tổ chức cho người dân bình bầu công khai và minh bạch bằng việc thông báo rõ ràng về định mức và tiêu chí.

Công tác cứu trợ do các tổ chức, cá nhân từ bên ngoài vào cần được điều phối chặt chẽ với chính quyền địa phương và các cơ quan, tổ chức liên quan như UBND, Hội Chữ thập đỏ, Hội Phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc nhằm đảm bảo các trợ giúp được đưa đến đúng đối tượng, công bằng và hiệu quả.

Trong quá trình cứu trợ, các nhóm giám sát cộng đồng cần được thành lập nhằm đảm bảo việc cấp phát công bằng, tránh thất thoát tiền, hàng cứu trợ hoặc sử dụng không đúng mục đích.

Đối với cứu trợ khẩn cấp cho lũ lụt cần chú ý tới vấn đề ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước, cung cấp nước sạch, hỗ trợ y tế và phòng tránh dịch bệnh. Các hoạt động hỗ trợ dân sửa chữa nhà cửa cũng cần được tiến hành khẩn trương, giúp họ nhanh chóng ổn định cuộc sống.

5 nguyên tắc cứu trợ hiệu quả sau bão lũ
Bà Babeth Ngoc Han Lefur – Ảnh: NVCC

5 nguyên tắc chung

Với những kinh nghiệm triển khai các dự án cứu trợ khẩn cấp và phục hồi sau thiên tai tại Việt Nam hơn một thập kỷ qua, Oxfam phát triển, áp dụng những nguyên tắc và bài học kinh nghiệm dưới đây trong những chương trình cứu trợ khẩn cấp.

Đầu tiên là phải đảm bảo tính minh bạch. Tất cả thông tin liên quan đến việc cứu trợ cần được chia sẻ công khai giữa các bên gồm nhà tài trợ, người hưởng lợi và các tổ chức, đoàn thể liên quan. Nguyên tắc này được áp dụng cho tất cả các khâu của hoạt động hay dự án cứu trợ.

Tất cả các chi tiêu cần được thực hiện theo quy trình, chính sách tài chính và được kiểm định, phê duyệt của các bên. Các chi tiêu đều được ghi lại dưới hình thức văn bản để giám sát và kiểm toán. Ngoài ra, các hoạt động cứu trợ đều được thông tin rõ ràng và sớm cho các bên liên quan.

Hai là đảm bảo tính công bằng. Vùng cứu trợ phải trên những phân tích số liệu có được từ các phương tiện truyền thông, báo cáo của chính phủ liên quan đến thiệt hại và nhu cầu, cần đánh giá và lên kế hoạch thực hiện cứu trợ. Khu vực được chọn phải dựa trên những tiêu chí về thiệt hại do thiên tai, khả năng ứng phó của cộng đồng và chính quyền địa phương.

Cần đảm bảo mọi người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai đều được tiếp cận công bằng tới các nguồn cứu trợ với ưu tiên là: những hộ nghèo và cận nghèo, phụ nữ có thai và trong thời kỳ cho con bú.

Cần đặc biệt tính đến và ưu tiên các nhu cầu về nước, vệ sinh, an toàn, dinh dưỡng và sức khỏe của phụ nữ và trẻ em.

Ba làđảm bảo sự bền vững. Hoạt động cứu trợ cần giúp đảm bảo rằng sau thiên tai, cộng đồng vẫn tiếp tục được phát triển. Do đó, những hỗ trợ về hoạt động sinh kế cho cộng đồng sau thiên tai cũng nên là một ưu tiên.

Bốn là cần có công cụ giám sát tiến độ, tài chính, phản hồi minh bạch và để báo cáo cho nhà tài trợ với các bên liên quan. Ví dụ, thành lập nhóm giám sát bao gồm đại diện nhà tài trợ, cán bộ địa phương và người hưởng lợi.

Ngoài ra, cần có cơ chế phản hồi để đảm bảo rằng các hoạt động được thực hiện đúng theo nguyên tắc về mặt tài chính, về người hưởng lợi…

Cuối cùng, để các nguồn hỗ trợ được sử dụng hiệu quả, sự hợp tác giữa các bên liên quan là vô cùng quan trọng, ví dụ với các tổ chức, cá nhân, các cơ quan, ban ngành và các tổ chức phi chính phủ có mục tiêu tương tự trong việc ứng phó khẩn cấp để có được thông tin cập nhật cũng như chia sẻ nguồn lực và kỹ năng.

Oxfam có mặt tại Việt Nam từ năm 1955

Tại Việt Nam hiện nay, Oxfam là một trong những tổ chức phi chính phủ quốc tế hoạt động trong các lĩnh vực phát triển nông thôn, giảm thiểu rủi ro, ứng phó với biến đổi khí hậu và thảm hoạ, nâng cao vị thế phụ nữ…

DIỆU AN ghi