Gói ghém chút tình gửi miền Trung
Lời chia sẻ ấm lòng ấy là của bà Lê Thị Mai, nhà ở Q.4, TP.HCM. Bà đến báo Tuổi Trẻ góp 500.000 đồng và cũng góp giùm cho chị mình số tiền tương tự để gửi đến người dân bị lũ lụt ở miền Trung.
Gói ghém chút tình gửi miền Trung
Lời chia sẻ ấm lòng ấy là của bà Lê Thị Mai, nhà ở Q.4, TP.HCM. Bà đến báo Tuổi Trẻ góp 500.000 đồng và cũng góp giùm cho chị mình số tiền tương tự để gửi đến người dân bị lũ lụt ở miền Trung.
Vốn là người bán thuốc trước khi nghỉ hưu, bà Mai nói hoàn cảnh của mình cũng không dư dả gì nhưng mình gói ghém lại, ăn ít đi một chút để san sẻ cùng người dân vùng lũ lụt.
Những lời chân tình như vậy đã được chia sẻ nhiều tại phòng tiếp bạn đọc của báo Tuổi Trẻ hôm nay, 21-10.
Hai ông bà Bùi Quang Tiên, Hồ Thị Tuyết đều đã 80 tuổi, tai nghe đã kém, bước chân đi đã có phần run rẩy.
Ông Tiên kể con trai ông đang ở Paris gọi về nói bán đấu giá trên mạng hai chiếc đĩa gốm xưa Biên Hoà để lấy tiền ủng hộ người dân miền Trung bị lũ lụt. Hai chiếc đĩa được mua với giá 9,7 triệu đồng.
Điều ông thấy thú vị nhất là người mua biết được mục đích từ thiện của việc đấu giá nên đã tự động chuyển tiền trước để ông Tiên đóng góp cho kịp, còn hàng thì mấy ngày nay vẫn chưa thấy đến nhà ông lấy. Rồi ông bà còn bỏ ra thêm cho đủ 11 triệu đồng để đóng góp.
Một bạn đọc lớn tuổi nhất định không chịu nói tên, chỉ xin ghi danh khoản đóng góp bằng tên ông ngoại.
“Ngoại tui mất 48 năm nay rồi. Vừa rồi dưới Đồng Nai họ giải toả, di dời hài cốt để làm trường học, hỗ trợ gia đình 10 triệu đồng. Tui lấy tiền ấy đi từ thiện ở bệnh viện rồi. Nay miền Trung đang bị lũ, tui góp thêm chút nữa” – bà vừa kể vừa vuốt tờ giấy bạc 500.000 đồng, rồi nói thêm: “Làm vậy cho ông ngoại có phước”.
Có một chuyện tình cờ dễ thương trong những ngày này, đó là chúng tôi đã gặp lại rất nhiều gương mặt mới xuất hiện một vài ngày trước thôi.
Bà Hoàng Mỹ Nga (68 tuổi, nguyên là giảng viên Cao đẳng Sư phạm TP.HCM) đến đóng giùm cho em trai dưới Mỹ Tho 1 triệu đồng.
Bà vẫn hay đùa, vì nhà toàn giáo viên thôi, từ cha cho tới chồng, tới em trai ai cũng chỉ đi dạy, nên nghèo lắm. Ấy vậy mà hầu như chương trình nào của Tuổi Trẻ cũng thấy bà tới góp. Đợt lũ lụt này, bà cũng đã ủng hộ ngay từ những ngày đầu.
“Tôi chỉ tiếc là không có điều kiện đóng góp nhiều hơn. Đọc báo thấy bao nhiêu hoàn cảnh khó khăn, thấy bà con miền Trung bị mất nhà mất cửa, mất người thân mà tôi chỉ biết khóc vì thương quá” – bà Nga chia sẻ.
Còn anh Lê Thanh Liêm, nhà ở Gò Vấp, đóng 1 triệu đồng xong chừng mươi phút sau quay lại đóng thêm 1 triệu nữa: “Tui đóng cho thằng em trai tui. Vừa chạy khỏi báo một đoạn thì nó gọi điện có công chuyện, biết mình đi đóng góp nó năn nỉ quay lại đóng giùm”.
Tôi chợt nhớ lời của một bạn đọc lớn tuổi khác, đến đóng góp ngay từ ngày đầu khi lũ về miền Trung vì quá sốt ruột. Bà kể rằng bà là dân buôn bán, mấy chục năm nay dù bận cỡ nào cũng dành thời gian tiền bạc đi làm từ thiện, có tháng cả mấy chục triệu đồng.
Con cháu đôi lúc nói bà “đại gia quá”, bà thì bảo: “Tiền bạc tui cứ cho đi rồi lại kiếm được hoài, hổng biết tại sao”. Bà đoán là được trời thương. Còn người hiểu chuyện lại thường bảo, đó là trái ngọt cho tấm lòng vàng của bà.
Học sinh lớp 9A2 Trường THCS Lương Thế Vinh, Q.Ninh Kiều (TP Cần Thơ) đã cùng nhau đập heo đất để quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung bị thiệt hại do lũ lụt. Tổng số tiền sau khi “mổ” heo là 1.166.500 đồng (trong đó phần của cô giáo chủ nhiệm lớp là 500.000 đồng) sẽ được các em thông qua báoTuổi Trẻ để chuyển tới đồng bào miền Trung. |