Người Sài Gòn nao lòng sẻ chia với bà con vùng lũ
Mấy ngày nay, phòng tiếp bạn đọc của báo Tuổi Trẻ có nhiều người đến. Đó là những người Sài Gòn tốt bụng đến quyên góp cho đồng bào vùng lũ. Nhiều bạn đọc đến đóng góp mà mắt mũi đỏ hoe…
Người Sài Gòn nao lòng sẻ chia với bà con vùng lũ
Mấy ngày nay, phòng tiếp bạn đọc của báo Tuổi Trẻ có nhiều người đến. Đó là những người Sài Gòn tốt bụng đến quyên góp cho đồng bào vùng lũ. Nhiều bạn đọc đến đóng góp mà mắt mũi đỏ hoe…
Người dân làng Trằm Mé, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình nhận quà cứu trợ của bạn đọc báo Tuổi Trẻ chiều 19-10 – Ảnh: Tấn Vũ |
Ông Nguyễn Hữu Phước, 78 tuổi, tới tòa soạn Tuổi Trẻ góp 500.000 đồng và nói: “Nghe lũ lụt miền Trung cứ thắt ruột lại. Năm nào cũng bão lũ cuốn trôi hết. Đọc báo thấy Tuổi Trẻ nhận đóng góp là bà xã thúc tui đi liền để kịp giúp người ta cái ăn lúc ngặt nghèo”.
Vợ chồng ông Phước chỉ có khoản lương hưu ít ỏi hằng tháng trang trải cuộc sống nhưng ông nói “mình góp ân tình san sẻ với bà con, một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Ông cho biết quê ở Bình Định, có năm lũ vào cuốn trôi đi hết nên hiểu cái khốn khó của người dân ở đây.
Trong sáng 19-10, phòng tiếp nhận đóng góp của báo Tuổi Trẻ rất đông người. Ai cũng “tranh thủ đi để còn kịp giúp người dân qua cơn khó”. Mặc bộ đồ lao động lấm lem đi vào có vẻ ái ngại, anh Mai Văn Nam (37 tuổi, ngụ Củ Chi) đưa ra 300.000 đồng rồi nói “gửi giúp người dân bị lũ”. Gạt mồ hôi còn lấm tấm, anh kể mới chạy xe từ Củ Chi lên gom cơm thừa ở mấy trường học về nuôi heo, tranh thủ tạt ngang gửi chút đỉnh.
“Cuộc sống mình cũng còn khó khăn nhưng sống ở đây vẫn còn may mắn hơn người miền Trung nhiều lắm. Giúp đỡ bà con là việc cần thiết nhất bây giờ. Tiền không nhiều, chỉ là chút tình cảm san sẻ với người dân lúc hoạn nạn” – anh chia sẻ.
Ông Thái Văn Đức (61 tuổi, ngụ Đa Phước, Bình Chánh) chạy xe máy cả tiếng rưỡi chở vợ lên để góp 10 triệu đồng. Ông tự giới thiệu mình là người Sài Gòn rặt, nhỏ lớn chưa biết cảnh nước lũ dâng tới nóc nhà như thế nào, “ngập đường đã khổ nên thấy cả người, cả vật bơi trong nước lụt xót xa lắm”.
Trong ngày 19-10, báo Tuổi Trẻ đã đón nhận rất nhiều tấm lòng của các cá nhân, tập thể gửi đến bà con miền Trung đang gặp khó khăn – Ảnh: DUYÊN PHAN |
Chưa đến 13g, ông Trần Ngọc Ánh (64 tuổi) đã chạy xe máy từ P.Linh Tây, Q.Thủ Đức đến toà soạn góp 2 triệu đồng trích từ tiền phụ cấp thương binh. “Xem tivi, đọc báo thấy hình ảnh nước ngập, bà con không có chỗ ngủ, ăn ở thiếu thốn, phải ngồi trên nóc nhà, rồi hình ảnh con gà, con chó trên mái nhà, thấy thương quá. Bà con ngoài đó khổ quá” – ông xúc động nói.
Bà Trần Thị Thư (73 tuổi) vì sức khoẻ yếu, đi lại khó khăn nên đã nhờ cháu nội chở đến để ủng hộ người dân vùng lũ. Trọn vẹn một tháng lương hưu 6 triệu đồng, bà dành hết để ủng hộ. Bà bảo bà già rồi, không dùng gì nhiều, con cái lớn rồi nên tự lo được.
BS Phạm Thị Ngọc Thảo, phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cùng cán bộ bệnh viện cũng vội vàng ghé báo Tuổi Trẻ rồi về cho kịp cuộc họp. Dịp này, các cán bộ, công chức, viên chức Bệnh viện Chợ Rẫy quyên góp mỗi người một ngày lương, được 100 triệu đồng. Bác sĩ Thảo cho biết bệnh viện sẽ cử các đoàn về chống dịch bệnh sau lũ.
Cũng trong chiều 19-10, đại diện Công ty Tân Nhất Hương đã đến trao 100 triệu đồng. Trong những ngày tới, báo Tuổi Trẻ vẫn mở rộng cửa đón bạn đọc xa gần đóng góp để giúp người dân.
Chủ tịch Quốc hội thăm người dân vùng lũ Sáng 19-10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đi kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả lũ lụt ở một số địa phương Hà Tĩnh. Tại đây, bà Ngân đã thăm hỏi, tặng quà và chia sẻ những khó khăn đối với bà con nhân dân xã Hoà Hải (huyện Hương Khê) và xã Đức Hương (huyện Vũ Quang). Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã thăm hỏi, chia sẻ mất mát của gia đình chị Hoàng Thị Loan (34 tuổi, ở Đại Nài, TP Hà Tĩnh) bị chết do bị lật thuyền khi đi mua bao bì về đựng lúa. Chủ tịch Quốc hội cho rằng nhiệm vụ quan trọng lúc này của Hà Tĩnh là cần tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ, sớm ổn định đời sống nhân dân, triển khai sản xuất. Đảm bảo không để người dân thiếu ăn, bệnh tật; kịp thời hỗ trợ những gia đình khó khăn…
|
Vần thơ khắc khoải của cụ Bạch Nga Cụ Võ Thị Bạch Nga (84 tuổi, ngụ Gò Vấp) đi lại khó khăn nhưng cũng ráng cùng con gái mang đến số tiền 5 triệu đồng. Cụ còn đem theo một bài thơ viết tay gửi gắm lời động viên tới bà con vùng lũ: “Đêm nay mưa nặng hạt/Trên giường ấm nệm êm/Thương người dân vùng lũ/Chẳng có chiếu có mền”. Cụ cho biết mấy tối nay cụ khó ngủ lắm cũng vì chữ thương. “Lương hưu giáo viên có 4 triệu đồng thôi, nhận xong dồn thêm tiền tháng trước kêu con gái chở lên đây gửi Tuổi Trẻ giúp bà con giùm” – cụ nói. |