01/11/2024

Hướng về miền Trung khốn khó: “Tuổi Trẻ phát động là đến ngay…”

Sáng sớm 17-10, vừa họp ở trường xong là các thầy giáo đại diện cán bộ, nhân viên và sinh viên Trường đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM đến ngay báo Tuổi Trẻ.

Hướng về miền Trung khốn khó: “Tuổi Trẻphát động là đến ngay…”

Sáng sớm 17-10, vừa họp ở trường xong là các thầy giáo đại diện cán bộ, nhân viên và sinh viên Trường đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM đến ngay báo Tuổi Trẻ.

 

 

 

Hướng về miền Trung khốn khó: "Tuổi Trẻ phát động là đến ngay..."
Trao quà bạn đọc báo Tuổi Trẻ cho bà Nguyễn Thị Thìn (68 tuổi, xã Hoà Hải, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) chiều 17-10 – Ảnh: DOÃN HOÀ

Mang theo số tiền 20 triệu đồng, thầy Nguyễn Xuân Hoàn, phó hiệu trưởng của trường, gửi gắm: “Nhìn cảnh người dân miền Trung mất người thân, trắng tay sau một cơn lũ đau xót quá. Thông qua báo Tuổi Trẻ, nhà trường mong muốn số tiền này được chuyển trực tiếp, nhanh nhất đến những nơi đang cần hỗ trợ”.

Ngoài số tiền này, từ thứ sáu tuần trước nhà trường đã vận động mỗi cán bộ, nhân viên trích một ngày lương để ủng hộ bà con miền Trung. Cùng đó, tuỳ theo khả năng, sinh viên của trường sẽ cùng đóng góp, san sớt nỗi vất vả của bà con vùng lũ.

Hướng về miền Trung khốn khó: "Tuổi Trẻ phát động là đến ngay..."
Thầy Nguyễn Xuân Hoàn – phó hiệu trưởng Trường đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM – trao 20 triệu đồng ủng hộ cứu trợ đồng bào miền Trung bị lũ lụt – Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH

Những đồng tiền 
nghĩa tình

Từ sớm, nhà báo – nhà văn Nguyễn Đông Thức – một “người nhà” của báo Tuổi Trẻ – đại diện cho hội “Môtô học bổng” đã đến báo Tuổi Trẻ ủng hộ 50 triệu đồng.

Cô Liên – một giảng viên luật đã về hưu – đến đóng góp 2 triệu đồng và bày tỏ: “Mình nhín một chút đâu sao! Có biết bao nhiêu người khổ hơn mình nhiều lắm, như đêm qua tui nằm trên nệm ấm còn bà con đang lạnh run trên mái nhà, nếu sơ sẩy còn bị rớt xuống nước. Nghĩ mà thương quá!”.

Cũng trong ngày đóng góp đầu tiên, có một người đàn ông mặc chiếc áo sơmi cũ, tuềnh toàng, vẻ mặt khắc khổ bước vào Tuổi Trẻ. Ông rút từ trong túi ra 300.000 đồng để “ủng hộ bão lũ”. Ông không nói tên, chỉ nói đã 88 tuổi và tự chạy xe đến đây. Khi được hỏi số tiền này ở đâu ra, ông cười: “Tiền vợ cho đó. Hôm qua bạn rủ đi nhậu là sẽ phải góp thùng bia. Mà tui không đi, để dành tới ủng hộ”.

Ông bảo hai vợ chồng đã già, hằng tháng phụ thuộc vào cả lương hưu của vợ. Mỗi tháng vợ cho vài trăm ngàn trà thuốc, “nay gửi tặng bà con miền Trung thì nhịn bớt thôi”. “Tui quyết định nhờ đến Tuổi Trẻ vì đây là nơi tập trung được nhanh nhất, nhất là lúc này người dân miền Trung đang rất cần được giúp đỡ” – ông nói.

Nhiều người đến báo Tuổi Trẻ, đã thân thuộc tên của nhân viên tiếp nhận, được đùa vui là “mối ruột”, cũng có người lặng lẽ đến gửi đôi ba trăm ngàn, 1 triệu nhưng từ chối ghi tên. Họ bảo đến đây chỉ vì thương miền Trung quá!

Hướng về miền Trung khốn khó: "Tuổi Trẻ phát động là đến ngay..."
Bạn sinh viên Nguyễn Huỳnh Nga Linh đóng góp 1 triệu đồng cứu trợ đồng bào miền Trung bị lũ lụt.Ảnh : Nguyễn Công Thành

Những trái tim trẻ 
lay động

Hai bạn trẻ Trang và Thanh – hai quản trị của 2 trang fanpage – đến Tuổi Trẻ ủng hộ số tiền lần lượt là 7,5 triệu đồng và 1 triệu đồng. “22g đêm trước tụi mình đọc được thông tin tiếp nhận đóng góp của báo Tuổi Trẻ. Mình bàn với các thành viên và đến 1g sáng tụi mình thống nhất ủng hộ số tiền này đến người dân miền Trung” – Trang cho biết.

Theo Trang, đây là số tiền mà nhóm để dành sẵn, dự định sắp tới sẽ tổ chức sinh nhật tròn 1 năm thành lập fanpage. Nhưng tối qua, các bạn đã quyết định chỉ tổ chức sinh nhật tượng trưng và dành số tiền này cho “việc cấp thiết và quan trọng hơn”.

Còn cô sinh viên Huỳnh Ngọc Linh vừa ra trường, đang đợi lấy bằng cử nhân, hồn nhiên chia sẻ: “Mình bán hàng online trên mạng rồi để dành ít tiền, đến đây nhờ báo chuyển về miền Trung”. Linh bảo mình “mít ướt” lắm, mấy hôm nay đọc báo, xem truyền hình, thấy cảnh người dân ở Quảng Bình, Hà Tĩnh phải ngồi trên mái nhà giữa mênh mông nước, thấy mấy con bò, con gà chết mà “khóc hu hu như con nít luôn”.

Cũng là sinh viên, Phạm Hoài Anh (sinh viên Đại học Y dược TP.HCM) sau giờ tan học đến góp 150.000 đồng. Đây là số tiền ăn sáng của Anh nhưng bạn đã trích ra đóng góp. Gửi tiền xong, Anh vội vàng ra về để đi học tiếp.

Cuối ngày, khi TP sắp sửa lên đèn thì bạn Đỗ Văn Minh, sinh viên năm 4 Trường Nghệ thuật quân đội, đến xin góp cho đồng bào miền Trung 1,2 triệu đồng. Đây là số tiền Minh kêu gọi mấy bạn trong lớp cùng đóng góp (lớp có 11 sinh viên). Minh bảo số tiền ấy là “của ít lòng nhiều” và mong góp chai nước, gói mì đến bà con đang cần cứu trợ khẩn cấp. “Tụi mình là sinh viên, dù có khó khăn đi nữa thì cũng sướng hơn người dân đang chịu thiên tai ngoài kia gấp trăm ngàn lần” – Minh tâm sự.

Người miền Trung giúp người miền Trung

Sáng sớm 17-10, bạn đọc Đoàn Đức Phương (54 tuổi, trú P.Hải Châu 2, Q.Hải Châu, Đà Nẵng) đã đến văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ tại miền Trung gửi tiền cứu trợ. Ông Phương trao số tiền 1.000 USD và 1 triệu đồng. Ông cho biết đây là số tiền do ông và một người bạn là Tôn Thất Công (Việt kiều Mỹ) đóng góp.

Cùng ngày, ông Phan Văn Anh Vũ – chủ tịch HĐQT Công ty CP xây dựng Bắc Nam 79 – đóng góp 100 tấn gạo (khoảng 1,2 tỉ đồng) là khoản trích từ quỹ phúc lợi của doanh nghiệp ủng hộ theo lời kêu gọi của báo Tuổi Trẻ. Chị Lý Thúy Vi (Việt kiều Mỹ) vận động bạn bè người thân đóng góp được 450 USD.

Tính đến cuối ngày 17-10, văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ tại miền Trung còn tiếp nhận thêm 17 triệu đồng tiền đóng góp cho đồng bào vùng lũ từ các nhà hảo tâm.

Trong khi đó, ông Trần Đình Nhân, chủ tịch hội đồng quản trị Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVN CPC), cho biết tổng công ty đã trực tiếp hỗ trợ tỉnh Quảng Bình 500 triệu đồng cứu trợ người dân bị ảnh hưởng lũ. Số tiền này do toàn bộ cán bộ công nhân viên của tổng công ty đóng góp.

Công ty CP dịch vụ vận tải Phú Hoàng – Taxi Tiên Sa cũng đến viếng thăm và trao tiền hỗ trợ 18 gia đình có nạn nhân bị chết trong đợt lũ vừa qua tại tỉnh Quảng Bình với mức hỗ trợ 3 triệu đồng/gia đình.

Ai cũng muốn giúp bà con

Ngay trong buổi sáng, vị giám đốc còn rất trẻ của một công ty vận tải với áo đồng phục, chân mang giày bata đến nhờ Tuổi Trẻ chuyển 10 triệu đồng đến bà con vùng lũ. Anh kiên quyết không muốn chụp hình và cho rằng đây là số tiền đóng góp của cả công ty chứ không riêng cá nhân anh.

Anh chia sẻ: “Sáng nay đọc trên báo, thấy Tuổi Trẻ có mục tiếp nhận đóng góp, rất nhanh chóng, kịp thời nên chúng tôi tới đây. Là đơn vị vận tải, chúng tôi mong muốn đóng góp một chuyến xe chở nhu yếu phẩm từ đây ra miền Trung để cứu trợ bà con bị lũ. Anh em ai cũng xung phong giành đi”.

Hướng về miền Trung khốn khó: "Tuổi Trẻ phát động là đến ngay..."
Ban giám hiệu trường Tiểu học Nguyễn Trãi (Q.12) dán những hình ảnh về mưa lũ của miền Trung lên bảng thông tin của trường, khơi gợi tấm lòng yêu thương đùm bọc trong các em học sinh của mình Ảnh: DUYÊN PHAN

TP.HCM kêu gọi ủng hộ đồng bào miền Trung

Sáng 17-10, tại buổi lễ chào cờ đầu tuần tại trụ sở các cơ quan Thành uỷ, công đoàn viên chức TP đã kêu gọi tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc khối các cơ quan Thành uỷ cơ quan khối dân chính Đảng TP, Ban dân tộc TP chia sẻ với đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.

“Ủng hộ và chia sẻ khó khăn, mất mát đối với đồng bào lũ lụt tại miền Trung, đó vừa là trách nhiệm, vừa là mệnh lệnh của mỗi trái tim, vừa là khẩu hiệu của mỗi đoàn viên công đoàn trong cụm thi đua 6 công đoàn viên chức TP hướng về đồng bào miền Trung ruột thịt” – lời kêu gọi nêu. Mọi đóng góp sẽ được tổng hợp và gửi về ban thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP.HCM.

Trước đó ngày 16-10, tại buổi lễ kỷ niệm 86 năm Ngày truyền thống công tác dân vận, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ TP.HCM Nguyễn Hoàng Năng đã chính thức phát động đồng bào TP ủng hộ, chia sẻ với đồng bào miền Trung. TP.HCM đã quyết định dành số tiền 10 tỉ đồng để hỗ trợ 5 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt, gồm: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế. Dự kiến số tiền hỗ trợ sẽ được trao trong tuần này. 

MAI HOA

MINH PHƯƠNG