Bình yên Sài Gòn xưa. Ảnh: internet
Ngày xưa tôi đã có một thành phố được mệnh danh là Hòn Ngọc Biển Đông. Tuy nó còn thua xa những thành phố ở những nước phát triển, nhưng nó là điều gần nhất với văn minh mà đất nước tôi có. Ngày xưa tôi đã có một thành phố mà những người ở vùng khác luôn ngưỡng mộ và ao ước để trở thành một người dân ở đó. Thành phố đó tuy nhỏ nhưng luôn mở rộng cửa để đón người tứ xứ về làm ăn buôn bán. Người dân ở thành phố đó chẳng bao giờ quan tâm đến bạn từ nơi đâu tới, cha mẹ bạn là ai, bạn nói tiếng Việt với giọng bắc hay nam.
Họ cũng không bao giờ phân biệt người khác qua cái hộ khẩu. Ngày xưa tôi đã có một thành phố là đầu tàu của cả nước, là sự tổng hợp của những văn hóa và tinh hoa của thế giới. Thành phố đó là nơi mọi người nhìn vào để học hỏi và noi gương. Ngày xưa, tôi đã có một thành phố như thế.
Ngày xưa thành phố của tôi có các bệnh viện chuyên chữa bệnh miễn phí cho người bệnh, nếu có viện phí cho dù có cao đến mức nào, thì cũng không từ chối chữa bệnh.
Hệ thống y tế không phân biệt giàu nghèo. Hệ thống y tế dù phải hoạt động theo quy luật tài chính, nhưng không bao giờ để tiền làm cản trở y đức. Tôi đã có những bác sĩ và y tá chuyên tâm làm việc và ít khi nào, nếu có, vòi tiền bệnh nhân.
Ngày xưa, tôi đã có một hệ thống y tế như thế.
Ngày xưa tôi đã có những người thầy và người cô luôn dạy tôi cách làm người, trước khi dạy tôi học thức. Tôi đã có những người thầy cô luôn tận tâm giảng dạy, luôn học hỏi để trao dồi kiến thức.
Tôi đã có những thầy cô, tuy tư tưởng vẫn mang tính chất văn hóa Nho Giáo, những luôn cho tôi phát biểu, luôn cho tôi chỉ trích, luôn cho tôi không đồng ý. Tôi có thể công khai phản đối bài tập, tôi có thể biểu tình để đòi hỏi quyền lợi mà tôi cho rằng mình nên có. Tôi đã có những thầy cô luôn mang tâm hồn của những nhà học thức. Ngày xưa tôi đã có những người thầy và người cô như thế.
Ngày xưa tôi đã có những nhạc sĩ tài ba, những nhạc sĩ sáng tác những bài hát mà tôi nghe không bao giờ biết chán. Họ ít khi nào, hoặc chẳng bao giờ, đạo nhạc.
Vì mỗi bài họ sáng tác là một tác phẩm nghệ thuật.
Ngày xưa tôi đã có những nhà sách bán đầy sách, mọi thể loại sách. Nơi đó là nơi tôi gọi là những thư viện tri thức. Nơi đó bán những cuốn sách của nhiều tác giả của nhiều quốc gia khác nhau.
Nơi đó thậm chí bán những cuốn sách mà tôi không hề thích và đồng ý chút nào. Nhưng đã là nhà sách thì phải đa dạng và phong phú.
Ngày xưa tôi đã có những nhà sách như thế.
Ngày xưa tôi đã có một Việt Nam khiến tôi muốn trở về. Khi tôi hoàn thành chương trình du học của mình, tôi không màng đi tìm việc làm ở nước sở tại, cũng chẳng quan tâm đến thẻ xanh hay thẻ đỏ, cũng chẳng mộng mơ hay để trở thành một công dân của nước khác, cũng không nghĩ đến việc mình nên ở hay về, vì điều duy nhất trong đầu tôi là trở về. Cho dù đất nước đó vẫn đang trong thời chiến, cho dù nơi ấy tôi phải làm việc nhiều lần hơn, cho dù nơi ấy có nhiều rủi ro hơn. Nhưng tôi chỉ muốn trở về, đơn giản, bởi vì nơi đó, đất nước Việt Nam đó, mảnh đất đó là nơi tôi gọi là nhà. Vì tôi chỉ muốn về nhà. Ngày xưa, tôi đã có một Việt Nam như thế.
Ngày xưa tôi đã có một nước Việt Nam khiến tôi tự hào. Tôi đã có một nước Việt Nam khiến tôi không hổ thẹn khi cầm hộ chiếu ra nước ngoài và không cảm thấy xấu hổ khi nói “I’m a Vietnamese.”
Tôi không mơ mộng hay ảo tưởng. Tôi cũng không tôn vinh bất cứ thể chế hay chế độ nào. Tôi chỉ muốn có một nước Việt Nam như thế.
|