23/01/2025

Những người đem chữ đến đảo xa

Đó là những người thầy mà gần 15 năm lấy đảo làm nhà, là cô giáo dạy học gần 30 năm thì có đến ba lần luân chuyển công tác ra đảo xa…

 

Những người đem chữ đến đảo xa

Đó là những người thầy mà gần 15 năm lấy đảo làm nhà, là cô giáo dạy học gần 30 năm thì có đến ba lần luân chuyển công tác ra đảo xa…

 

 

 

Những người đem chữ đến đảo xa
Thầy Lưu Thế Sơn đang hướng dẫn học sinh trong giờ giảng văn – Ảnh: ĐỨC HIẾU 

Vượt qua sự khó khăn vật chất, thiếu thốn tinh thần, họ vẫn kiên trì nhóm lên ngọn lửa của tri thức, của sự ham học cho bao thế hệ học trò nghèo ở đảo.

Đảo là nhà

Giữa trưa nắng, chiếc xe tuk tuk oằn mình chạy thẳng hướng quả đồi cao, qua đoạn đường bêtông lồi lõm.

Đi hết quả đồi này, đi thêm vài trăm mét nữa là đến Trường cấp II xã Bản Sen (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh). Đó là nơi cô Nguyễn Thị Hợi công tác đã năm năm nay.

Từ ngày bắt đầu nghiệp dạy học, đã ba lần cô Hợi được phân công nhiệm vụ dạy tại các đảo thuộc huyện Vân Đồn, trong đó có hai lần công tác ở xã đảo Bản Sen.

Cách đây 27 năm, khi cô Hợi lần đầu đặt chân lên đảo, điện lưới không có, nước sạch khan hiếm.

Nhưng điều ám ảnh nhất với cô giáo trẻ là những đợt gió mùa đông bắc từ biển thốc vào, tê tái cả xương cốt; còn đến mùa hè, lên lớp mà cả người rấm rứt khó chịu vì bị côn trùng đốt.

Có những lúc cô Hợi đã bật khóc với ý định quay về đất liền. “Suy nghĩ là vậy, nhưng chính sự hồn nhiên, vô tư của các em, tình cảm thầy trò thân thiết đã giữ tôi lại nơi đây” – cô Hợi cười, chia sẻ.

Nơi cô Hợi sống hiện nay là dãy nhà tập thể của nhà trường.

Xa gia đình, thường trực trong cô là nỗi nhớ chồng con. Nhưng dần dần, tình cảm của đồng nghiệp, sự nhiệt tình của những người dân bản nghèo đã cho cô cảm giác như có một mái ấm thứ hai.

Mỗi tối, sau khi soạn xong giáo án, những nữ giáo viên xúm xít lại, tâm sự và cả giúp nhau làm đẹp. Ngoài giờ lên lớp, các cô cùng nhau trồng rau, tăng gia sản xuất ở mảnh vườn nhỏ sau nhà.

Với thầy Lưu Thế Sơn, giáo viên môn văn – địa Trường PTCS Ngọc Vừng, dạy học ngoài đảo như một duyên số.

Năm 2002, thầy Sơn ra đảo Ngọc Vừng công tác theo hợp đồng dài hạn. Bình thường, thời gian ra đảo của giáo viên trung bình chỉ từ 3-5 năm, nhưng với thầy Sơn, từ đó đến nay đã 14 năm sống ở đảo.

Thầy Đỗ Đức Đạt, hiệu trưởng Trường PTCS Ngọc Vừng, đầy cảm xúc khi nói về người anh, người đồng nghiệp của mình: “Thầy Sơn là một trong những người công tác lâu nhất ở trường hiện nay. Việc gì thầy cũng biết làm từ đánh lưới, câu cá, sửa xe cho bà con… lại sống hoà đồng nên mọi người ở đây đều quý mến thầy”.

Đầu tiên là đứng lớp, rồi cùng ăn, cùng làm với người dân, học sinh nơi đây… tình yêu hòn đảo nhỏ của thầy Sơn cứ lớn lên dần.

Năm 2004, thầy giáo trẻ đón cả vợ con từ đất liền ra đảo sinh sống. Đầu tháng 9 này, người thầy giáo có nụ cười hiền từ ấy mới cất được căn nhà của riêng mình sau hơn chục năm dành dụm, chắt chiu. Trước đó, cả gia đình thầy đã bảy lần chuyển chỗ trọ.

Đánh thức 
những ước mơ

Trước đây, những câu chuyện học sinh bỏ học luôn là nỗi niềm đau đáu của các thầy cô bám đảo. Chẳng vậy mà những con đường mòn ở Bản Sen, Ngọc Vừng đều ghi dấu bước chân những giáo viên như cô Hợi, thầy Sơn.

Điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều học sinh phải theo gia đình đi biển dài ngày, thầy cô lại đến tận nhà vận động các em đến trường, đến lớp.

Trong những tháng ngày làm công tác bổ túc, phổ cập giáo dục xã đảo, thầy Sơn đặc biệt nhớ nhất đến hoàn cảnh cậu học trò Lê Văn Tùng.

Nhà nghèo, Tùng bỏ lớp bổ túc đi biển. Trước khi tàu ra khơi, thầy Sơn tất tả chạy ra bờ biển, quyết đưa học trò trở về lớp. Học xong, thầy lại đưa học trò đi làm việc phụ giúp gia đình.

Đôi mắt ánh niềm vui, thầy Sơn bộc bạch: “Qua quá trình vận động mới thấy hết được khát khao từ sâu thẳm trái tim của các em, có những ước mơ thật giản dị nhưng vì hoàn cảnh gia đình, các em đành gác lại. Chúng tôi luôn mong rằng công việc của mình không chỉ dạy cho các em biết con chữ, mà muốn từ những điều mình gợi lên, các em sẽ thấy được con đường rộng mở ở phía trước”.

Ngày hôm nay, trong đội ngũ giáo viên Trường PTCS Ngọc Vừng có cô Nguyễn Thị Thu Hà, là cô học trò khi xưa lớp thầy Sơn chủ nhiệm.

Bước cùng con đường với người thầy, cô Hà xúc động: “Để có ngày hôm nay, một phần là từ đam mê bản thân, một phần từ những gợi mở, chia sẻ của thầy Sơn lúc đó, đã làm động lực cho tôi theo đuổi nghề giáo viên”.

Thầy Sơn, cô Hợi là hai trong số những gương mặt giáo viên tiêu biểu được tỉnh Quảng Ninh chọn tham gia chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô năm 2016”, năm thứ hai.

Chương trình do Bộ GD-ĐT, Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Thiên Long tổ chức, nhằm tuyên dương các thầy cô có hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn hết lòng đóng góp cho sự nghiệp giáo dục. Năm nay, chương trình nhận 42 hồ sơ của các thầy cô để tuyên dương.

Mỗi thầy cô nhận sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng và quà tặng.

ĐỨC HIẾU