23/12/2024

Thách nhau đàn ông hơn bằng bia rượu là vớ vẩn

Tôi đã sống tại Việt Nam được bốn năm. Ngoài tình hình giao thông phức tạp, khả năng uống bia của người Việt Nam cũng là điều khiến tôi há hốc mồm.

 TRONG MẮT NGƯỜI NƯỚC NGOÀI

Thách nhau đàn ông hơn bằng bia rượu là vớ vẩn

 Tôi đã sống tại Việt Nam được bốn năm. Ngoài tình hình giao thông phức tạp, khả năng uống bia của người Việt Nam cũng là điều khiến tôi há hốc mồm.

 

 

 

Thách nhau đàn ông hơn bằng bia rượu là vớ vẩn
Vui – nhậu, buồn – nhậu, không vui, không buồn cũng nhậu. Trong ảnh là anh em công nhân đang “dzô” tại một buổi tiệc khánh thành phân xưởng ở TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH

“Nếu bạn cứ về nhà trong bộ dạng xộc xệch, say xỉn đến không đứng vững thì sau này làm sao bạn giáo dục được con cái mình?

MARTIN BERNARD

Lúc mới tham gia các cuộc nhậu của những người bạn Việt Nam, tôi khá bất ngờ khi thấy họ thách đố, chê bai tửu lượng của nhau hoặc phạt nhau bằng bia.

Tại sao cứ phải nhậu?

Tôi có một anh bạn thân người Việt Nam. Lúc chúng tôi mới gặp nhau vào khoảng thời gian đầu, anh ấy thường rủ tôi đi nhậu vào cuối tuần hoặc cuối ngày. Có lần tôi hỏi: “Sao anh thích nhậu thế?”, anh ấy trả lời: “Thì có cái gì khác để làm đâu?”.

Tôi khá bất ngờ vì ở độ tuổi thanh niên, lẽ ra người ta phải có rất nhiều việc để làm, hoặc chí ít là cũng đủ sức khoẻ để kiếm việc mà làm. Bạn có thể đi dạo, đọc sách, nghe nhạc, xem phim, hoặc đi cà phê cùng bạn bè. Tại sao cứ phải là đi nhậu?

Tôi cho rằng việc đàn ông thách đố bản lĩnh nhau trên bàn nhậu xem ai là người cuối cùng còn trụ được đến phút cuối là chuyện rất vớ vẩn. Một người trưởng thành và có nhận thức đầy đủ sẽ tự hiểu rằng không có lý do gì mà giá trị hay bản lĩnh của mình được định đoạt chỉ bằng một vài ly bia. Vậy cớ gì phải ăn thua đủ và chứng minh ta không thua người khác?

Hơn nữa, nếu bạn đi về trong tình trạng say khướt và gặp tai nạn thì từ cuộc vui lại hoá thành tai hoạ, ảnh hưởng đến những người xung quanh, đặc biệt là gia đình.

Tác dụng tích cực của bia rượu là có thể khiến chúng ta cảm thấy hưng phấn, thoải mái và thư giãn hơn. Tuy nhiên, mỗi người cần phải biết tự giới hạn bản thân vì các loại thức uống có cồn căn bản đều không tốt cho sức khoẻ nếu uống quá nhiều.

Tôi cảm thấy trong nhiều cuộc nhậu ở Việt Nam, người ta ít quan tâm đến nội dung cuộc trò chuyện hay những giây phút chia sẻ cùng nhau, mà chủ yếu hơn thua khả năng uống bia và kết thúc cuộc gặp trong tình trạng chẳng ai nhớ gì vào hôm sau.

Thách nhau đàn ông hơn bằng bia rượu là vớ vẩn
Anh Erin Bourke, người Ireland – Ảnh: NVCC

Nhà nước cần siết chặt quản lý

Theo tôi, một trong những lý do khiến tình trạng nhậu nhẹt ngày càng phổ biến tại Việt Nam là do số lượng các quán nhậu mọc lên quá nhiều. Đây là lĩnh vực kinh doanh “béo bở” khiến bất kỳ ai cũng muốn nhảy vào.

Tại nhiều đường phố Việt Nam, bạn có thể bắt gặp nhiều quán nhậu nằm cách nhau chỉ một vài căn nhà, thậm chí nằm cạnh nhau trên cùng một tuyến đường.

Điều này góp phần khiến cho người ta dễ dàng “thoả hiệp” hơn với chuyện ăn nhậu. Tại Pháp, chúng tôi có các quán bar, vũ trường, nhưng mật độ cũng ít dày đặc như các quán nhậu ở Việt Nam. Trong khi đó, các nhà hàng, quán ăn đa số đều rất yên tĩnh hoặc không gian đúng nghĩa là để mọi người thư giãn và có thể trò chuyện được chứ không hề xô bồ.

Ngoài ra, tại Việt Nam, quảng cáo bia rượu gần như tràn ngập khắp nơi, từ rạp chiếu phim, truyền hình, biển hiệu, báo chí, thậm chí là có các PG (promotion girl – nhân viên tiếp thị nữ) giới thiệu sản phẩm tận tay khách hàng ngay tại các quán nhậu kèm nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn như uống nhiều sẽ được… tặng thêm.

Làm sao người ta có thể từ chối khi bia rượu được “dâng” đến tận miệng và nhan nhản trước mắt như thế? Tôi nghĩ Nhà nước nên có cách quản lý chặt hơn đối với các sản phẩm bia rượu, giới hạn bớt quảng cáo, tăng thuế… để loại thức uống này không còn thuộc dạng “hàng phổ biến” trong xã hội như hiện nay.

Ngay từ khi còn nhỏ, ngoài các giờ học ở trường, tôi được cha mẹ khuyến khích chơi các môn thể thao và giáo dục ý thức giữ gìn sức khoẻ. Họ tập cho tôi thói quen đi bộ từ rất sớm thay vì đưa tôi đi bằng xe hơi. Lớn lên một chút, họ gợi ý cho tôi tập các môn khác như đi xe đạp hay bơi lội.

Việc cha mẹ dành thời gian tập thể dục cùng con cái rất quan trọng vì những lúc đó tôi gần như không cảm thấy mệt mỏi và rất phấn khích. Dần dà, tập thể dục trở thành một thói quen cho đến khi tôi lớn lên và tự tập mà không cần có cha mẹ ở cạnh. Hình thành lối sống lành mạnh ngay từ sớm rất có ích, và vai trò của cha mẹ trong việc này cũng rất quan trọng.

Hơn nữa, tôi nghĩ các chiến dịch chống rượu bia tại Việt Nam chưa thật sự mạnh và không đủ khả năng răn đe. Theo tôi, chiến dịch chống rượu bia ở Việt Nam rất sơ sài và chưa thể khiến người xem nhận ra được tác hại của các thức uống có cồn.

Hãy để cho những “bợm nhậu” thấy rằng họ có trách nhiệm khi nâng chai bia trên bàn nhậu, chứ không phải chỉ là say, là ói, là ngủ một đêm hết say rồi hôm sau lại… uống tiếp!

Anh ERIN BOURKE (người Ireland):

Sợ nhất là người say xỉn chạy xe ngoài đường

Tôi thấy nhiều người Việt có thói quen xấu là lái xe sau khi uống rượu. Sống ở Việt Nam, tôi sợ nhất là người say xỉn chạy xe ngoài đường và tôi ghét cay ghét đắng hành vi này. Tại Ireland, hình phạt đối với người lái xe sau khi uống rượu là tước bằng lái xe trong một thời gian nhất định, tuỳ thuộc vào mức độ vi phạm.

Tuy nhiên, tôi nghĩ điều này sẽ rất khó thực hiện ở Việt Nam vì không thể có đủ cảnh sát để theo dõi tất cả mọi người trên đường phố. Ngoài ra, tôi biết nhiều người ở Việt Nam lái xe máy mà không có bằng lái nên chuyện phạt bằng cách tước bằng lái cũng ít có tác dụng.

Vì vậy, theo tôi, nên nâng cao nhận thức của công chúng về những hậu quả tai hại từ việc lái xe sau khi uống rượu bia, như tăng cường các chiến dịch tuyên truyền an toàn bằng apphich, quảng cáo trên truyền hình, hay bảng quảng cáo…

Ngoài ra, có thể nêu một số trường hợp minh họa về hậu quả của việc lái xe sau khi uống rượu bia bằng cách kể lại câu chuyện của những nạn nhân ngoài đường, hoặc những người đã mất đi người thân do lái xe sau khi uống rượu bia.

NGỌC ĐÔNG ghi

MARTIN BERNARD (27 tuổi, người Pháp, nhiếp ảnh gia tự do tại TP.HCM)

BÌNH MINH ghi