Cần xác nhận diện tích nhà ở bình quân khi nhập hộ khẩu?
Gia đình chị Lê Thị Minh Phúc sau thời gian tạm trú tại P.Tân Hưng Thuận, Q.12, TP.HCM đã làm thủ tục nhập hộ khẩu vào một địa chỉ thuộc phường này.
Cần xác nhận diện tích nhà ở bình quân khi nhập hộ khẩu?
Gia đình chị Lê Thị Minh Phúc sau thời gian tạm trú tại P.Tân Hưng Thuận, Q.12, TP.HCM đã làm thủ tục nhập hộ khẩu vào một địa chỉ thuộc phường này.
Tại Công an Q.12, cán bộ hướng dẫn chị Phúc về UBND phường xin ký xác nhận diện tích bình quân để hoàn thành thủ tục nhập hộ khẩu.
Theo lời chị Phúc, ngày 23-8 chị đến UBND P.Tân Hưng Thuận để xin xác nhận điều kiện diện tích bình quân nhưng nơi này chưa đồng ý xác nhận.
Chị cho biết diện tích sàn căn nhà mà chị nhập hộ khẩu 103,8m2, thêm gia đình chị là tổng cộng 10 nhân khẩu, phù hợp quy định về diện tích sàn dành cho khu vực Q.12.
Sau đó chị trở lại Công an Q.12 để trình bày thì nơi này giải thích thủ tục đã phù hợp, chỉ cần có xác nhận diện tích bình quân của UBND phường là được nhập hộ khẩu.
“Thời gian qua tôi rất lo lắng vì con trai tôi chuẩn bị phải làm thẻ căn cước, rồi hoàn tất giấy tờ để lên lớp 10…” – chị nói. Sau hơn một tháng chờ đợi, đến ngày 30-9 chị mới được UBND P.Tân Hưng Thuận ký xác nhận về điều kiện diện tích bình quân.
Theo luật sư Lê Trung Phát, trường hợp chị Phúc bắt buộc phải có xác nhận diện tích bình quân khi nhập hộ khẩu vào TP, tuân thủ quy định về diện tích bình quân do Hội đồng nhân dân TP.HCM ban hành.
“Hiện diện tích bình quân đang được đề xuất cho Q.12 là 16m2 sàn/người. Nếu việc đề xuất này chưa được thông qua, sẽ căn cứ nghị định 56/2010 với diện tích áp dụng 5m2 sàn/người” – luật sư Phát nói.
Cũng theo luật sư Phát, hiện tại luật chỉ đặt vấn đề thời gian đối với cơ quan công an trong việc giải quyết hồ sơ đăng ký tạm trú thường trú, chưa có quy định cụ thể về thời hạn UBND phường xác nhận diện tích bình quân.
Để thuận lợi hơn trong việc xác nhận, đối với nhà ở được cấp sổ hồng, người dân nên mang bản sao của sổ khi ra phường làm xác nhận bởi trên sổ có thể hiện diện tích sàn của căn nhà.
Trường hợp là nhà thuê không có giấy phép xây dựng rõ ràng thì cần phải có thời gian xác minh giữa công an và UBND phường.
Hiện nay nhiều người cho rằng việc nhập hộ khẩu rất quan trọng vì ảnh hưởng việc học hành của con cái, khám chữa bệnh và nhiều lợi ích khác, vì thế cần loại bỏ các vấn đề về diện tích bình quân. Nhưng luật sư Phát cho biết việc quy định diện tích bình quân là hoàn toàn hợp lý.
“Nó hướng đến xã hội phát triển bền vững, coi trọng chính sách giãn dân, giúp các chính sách đi cùng phù hợp với sự phát triển.
Bên cạnh đó, nhiều người cũng cho rằng sổ hộ khẩu chỉ giúp quản lý nhân khẩu. Nhưng chính sách nhập hộ khẩu sẽ kéo theo các hệ lụy, vì thế cần siết chặt vấn đề về quản lý dân số” – luật sư Phát nói.
Điều kiện để được nhập hộ khẩu Điều 20 Luật cư trú quy định việc nhập hộ khẩu vào TP.HCM, tuỳ thuộc nhóm đối tượng sẽ có quy định khác nhau, nhưng các yêu cầu cơ bản có thể kể đến: có thời gian tạm trú đủ 2 năm trở lên, có tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp (như hợp đồng thuê mướn), có sự đồng ý bằng văn bản của người cho ở nhờ, có xác nhận diện tích bình quân (ở nhờ, thuê, mượn). Với những người ở nhờ, ở thuê, thủ tục nhập hộ khẩu vào TP.HCM ngoài những yêu cầu cơ bản trên, cần chuẩn bị phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; bản khai nhân khẩu; giấy chuyển hộ khẩu; xác nhận diện tích bình quân. |