23/01/2025

Đám tang đâu phải là nơi reo hò, chụp hình, xin chữ ký

Những hình ảnh không đẹp như: hò reo phấn khích khi gặp người nổi tiếng, thậm chí còn xin chụp hình chung, xin chữ ký, gây náo loạn… đã liên tục xuất hiện trong các đám tang của ‘sao’ Việt khiến nhiều người ngán ngẩm.

 

Đám tang đâu phải là nơi reo hò, chụp hình, xin chữ ký

Nhiều người vây kín trong đám tang ca sĩ Minh Thuận khiến nhiều nghệ sĩ nổi tiếng phải lánh mặt /// Ảnh: Ái Duyên

Nhiều người vây kín trong đám tang ca sĩ Minh Thuận khiến nhiều nghệ sĩ nổi tiếng phải lánh mặt. ẢNH: ÁI DUYÊN

Những hình ảnh không đẹp như: hò reo phấn khích khi gặp người nổi tiếng, thậm chí còn xin chụp hình chung, xin chữ ký, gây náo loạn… đã liên tục xuất hiện trong các đám tang của ‘sao’ Việt khiến nhiều người ngán ngẩm.

“Chuyện quái gì thế?”

Một nam danh hài viếng đám tang của ca sĩ Minh Thuận vừa qua kể lại: “Khi vừa đến đầu ngõ, nhiều người đã hét tên tôi. Hàng chục ánh mắt đổ dồn về tôi rồi tha hồ bình luận: ngoài đời khác ti vi quá, sao trong ti vi cao lắm mà… Sau đó có người đã gọi tên rồi xin chụp hình chung. Lúc chờ tới lượt mình thắp nhang, cũng có những người lân la lại xin chụp hình, chữ ký… Lúc đó tôi tự hỏi chuyện quái gì đang diễn ra thế nhỉ. Vì không nghĩ có những người lại có thể làm những hành động ấy trong không khí tang thương bao trùm”.

Một ca sĩ đã từng tham gia làm huấn luyện viên trong chương trình Giọng hát Việt, cũng than thở: “Choáng toàn tập. Họ (người dân) thi nhau kêu tên, rồi sau đó tôi nhận được khá nhiều lời đề nghị chụp ảnh cùng. Tất nhiên là tôi từ chối”…

 

Xưa thấy xe tang đi qua người ta ngả mũ chào…

Tôi vẫn nhớ ông bà kể rằng, ngày xưa đi trên đường, thấy xe tang đi ngang người ta lịch sự đứng lại cởi mũ khỏi đầu. Tuy nhiên ngày nay, không hiểu gia đình và nhà trường có giáo dục hay không, thế nhưng một bộ phận người dân vẫn “vô tư” vui mừng reo hò bên cạnh nỗi đau của gia chủ. Đối với họ, đám tang là của người khác, còn hâm mộ xin chữ ký rồi vui mừng chụp ảnh là chuyện của mình. Chưa được giáo dục kỹ lưỡng về văn hoá ứng xử là nguyên nhân mấu chốt

Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu

Đây chỉ là hai trong số rất nhiều nghệ sĩ đã rơi vào tình cảnh tương tự. Mặc dù đang đau buồn với sự ra đi của đồng nghiệp, họ đến viếng nhang mong được chia sẻ nỗi buồn với người thân đồng nghiệp của mình, thế nhưng lại gặp những “cảnh tượng hãi hùng” (như lời nhận định của nam danh hài), những tiếng hò reo, la hét, những nụ cười phản cảm…

Đáng chú ý, mỗi khi showbiz Việt có những tin buồn vì sự ra đi vĩnh viễn của nghệ sĩ nào đó thì cũng là lúc những “đám đông ồn ào” lại xuất hiện. Chỉ cần thấy nghệ sĩ, là những cảnh tượng hỗn loạn, bát nháo đầy vô tâm vô cảm xuất hiện cả khu vực nhà người đã mất lẫn khu vực an táng, nghĩa trang…

Mới đây, trong lễ an táng NSND Thanh Tòng, vì chứng kiến những hình ảnh đầy phản cảm như vậy làm ảnh hưởng đến các nghi thức an táng, NSƯT Thành Lộc đã phải lên tiếng: “Người ta đang có chuyện buồn mà mọi người có thể cười nói như vậy sao?”. Đám đông ngưng lại vài… phút rồi tiếp tục nhốn nháo, mặc cho các nghệ sĩ lẫn gia đình NSND Thanh Tòng van xin đừng gây ồn ào thêm.

Thật đáng chê trách

Khi nhắc đến hiện tượng náo loạn ở các đám tang người nổi tiếng ngày càng nhiều, nhiều người cứ chực chờ để nhìn thấy “sao”, để xin chụp ảnh, chữ ký, rồi vui mừng bên cạnh nỗi đau của gia chủ, tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu nói: “Nhiều người xem đây là biểu hiện của trình độ dân trí thấp. Tôi vẫn nhớ ông bà kể rằng, ngày xưa đi trên đường, thấy xe tang đi ngang người ta lịch sự đứng lại cởi mũ khỏi đầu. Tuy nhiên ngày nay, không hiểu gia đình và nhà trường có giáo dục hay không, thế nhưng một bộ phận người dân vẫn “vô tư” vui mừng reo hò bên cạnh nỗi đau của gia chủ. Đối với họ, đám tang là của người khác, còn hâm mộ xin chữ ký rồi vui mừng chụp ảnh là chuyện của mình. Chưa được giáo dục kỹ lưỡng về văn hoá ứng xử là nguyên nhân mấu chốt”.

Còn theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Duy (Trung tâm đào tạo và chăm sóc tinh thần Ý tưởng Việt, TP.HCM), có nhiều lý do khiến một bộ phận người dân, có cả người trẻ tụ họp đông đúc những nơi đám tang của nghệ sĩ như vậy. “Là vì cơ hội để tiếp xúc với những nghệ sĩ, đặc biệt là những “sao lớn” với nhiều người dân là không hề dễ dàng. Thế nên những dịp các “sao” đến dự đám, tiệc của thân hữu là cơ hội để họ được tiếp cận, mà không phải sợ những hàng rào an ninh như ở các sự kiện, sàn diễn. Ngoài ra, khi đã có tiền lệ thì dễ dẫn đến những lần tiếp theo, hiệu ứng tâm lý đám đông cũng khiến người khác hùa theo, dẫn đến tình trạng này ngày càng nhiều”, ông Duy phân tích.

Theo chuyên gia tâm lý Huỳnh Anh Bình, Giám đốc Trung tâm hướng nghiệp và bồi dưỡng kỹ năng sống, giá trị sống TP.HCM, những người đã từng một lần hay nhiều lần là người trong cuộc, chen lấn, xô đẩy nhau để được nhìn mặt người nổi tiếng, để nắm tay, xin chụp hình chung, hay xin chữ ký người nổi tiếng…. là những người sống ích kỷ, vụ lợi, sống vô tâm trên nỗi đau người khác, đặc biệt là với người vừa mới mất và gia đình của họ.

“Hành động này thật đáng chê trách”, ông Bình nói.