Người mẹ thứ hai của hai học trò nghèo
Cô giáo ấy đã gửi thư đến Tuổi Trẻ kể chuyện về hai học trò của mình.
Người mẹ thứ hai của hai học trò nghèo
Cô giáo ấy đã gửi thư đến Tuổi Trẻ kể chuyện về hai học trò của mình.
Nguyễn Thị Hoa chăm sóc ông nội già yếu, bị tật nguyền nhiều năm nay – Ảnh: H.ĐỒNG |
“Chính sự quan tâm, hỗ trợ cả vật chất và tinh thần của cô Thủy đã giúp học trò chúng mình có thêm nghị lực, quyết tâm bước vào cổng trường đại học, dù vẫn biết phía trước còn nhiều khó khăn |
NGUYỄN THỊ HOA |
Nhận tin học trò của mình là Nguyễn Thị Hoa (thôn Ngọc Trì, xã Đại Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hoá) chuẩn bị nhập học vào Trường ĐH Văn hoá – thể thao và du lịch Thanh Hóa, cô Hà Thị Lệ Thuỷ (giáo viên dạy môn lịch sử, Trường THPT Hậu Lộc III, huyện Hậu Lộc) đón xe buýt đến nhà của Hoa động viên học trò.
Gia cảnh éo le
Tiếp cô Thủy và chúng tôi trong căn nhà cấp 4 tuềnh toàng, bà Mai Thị Phụng (72 tuổi, bà nội của Hoa) nước mắt lưng tròng, nghẹn lời tâm sự: “Cái Hoa đỗ đại học nhưng nhà nghèo quá không biết lấy tiền đâu mà ăn học bốn năm ròng.
Biết Hoa ham học, quyết tâm đi học đại học trên thành phố để có điều kiện thoát nghèo, nên hai ông bà già tôi dành dụm được vài trăm nghìn tiền trợ cấp xã hội của Nhà nước cho người tàn tật, đưa hết để Hoa nộp những khoản đóng góp đầu năm”.
Bố mẹ để Hoa ở quê cho ông bà nội nuôi từ tấm bé, rồi đi biệt xứ đến nay không biết tung tích ở đâu. Suốt tuổi thơ của Hoa luôn khát khao tình mẫu tử, gặp lúc giáp hạt thì bữa đói bữa no. Nhiều năm nay, ông nội của Hoa (năm nay 75 tuổi) bị mù, điếc và bại liệt. Một mình Hoa là lao động chính nhiều năm, làm hai sào ruộng nước để lấy gạo nuôi cả ba người.
Hết giờ học ở trường, vào mùa gieo cấy lúa, mùa gặt, làm xong việc đồng áng của nhà, Hoa lại đôn đáo chạy lên làng trên xóm dưới đi cấy thuê, gặt thuê kiếm tiền mua sách vở, ăn học. Suốt những năm học phổ thông, Hoa luôn là học sinh tiên tiến, học sinh giỏi.
Hoa tâm sự: “Lên TP Thanh Hóa, mình sẽ xin làm thêm kiếm tiền học. Ngày mai lên trường rồi, thấy thương ông bà nội già yếu, tật nguyền”.
Một học trò khác của cô Thủy là bạn Lê Thị Tâm (làng Thiều Huy, xã Cầu Lộc, huyện Hậu Lộc) cũng đang canh cánh nỗi lo khoản tiền đóng học phí đầu năm khi bước vào cổng Trường ĐH Luật Hà Nội.
Sinh ra trong gia đình nông dân nghèo, bố bị tật nguyền mất sức lao động nhiều năm nay, Tâm (là con gái cả) và mẹ là lao động chính của gia đình. Mùa cấy cho đến mùa gặt lúa, sau khi vãng việc đồng áng của gia đình, năm nào bà con trong xã cũng thấy Tâm và mẹ phơi lưng ngoài đồng đi làm thuê để kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Còn mẹ của Tâm (bà Nguyễn Thị Thực), những ngày nông nhàn thường đi làm phụ hồ quanh vùng lấy tiền trang trải cho con cái ăn học. Cái đói, cái nghèo không khuất phục được ý chí, lòng ham học. Suốt 12 năm học phổ thông, Tâm luôn là học sinh giỏi, đoạt nhiều giải học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh.
Đặc biệt, tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, Tâm là một trong những thí sinh có số điểm cao nhất của huyện Hậu Lộc. Ông Lê Văn Trung – bố của Tâm – tâm sự: “Để lo cho con ăn học bốn năm ở Hà Nội, gia đình chắc phải vay vốn dành cho sinh viên nghèo. Trước mắt, các khoản tiền nộp đầu năm của Tâm, gia đình phải vay mượn anh em, họ hàng”.
Cô giáo hết lòng vì học trò nghèo
Đến nhà học trò, cô giáo Hà Thị Lệ Thuỷ dành nhiều thời gian căn dặn Hoa và Tâm từng li từng tí khi đặt chân ra thành phố theo học đại học. Niềm vui hiện lên khuôn mặt, ánh mắt của Hoa khi cô Thuỷ cho biết đã xin được việc làm thêm cho Hoa tại một quán bán cơm ở gần Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá, cũng khá gần trường đại học của bạn.
Riêng Tâm, cô Thuỷ đã liên hệ được với một số văn phòng luật sư ở Hà Nội để sau này bạn có thể xin làm thêm.
Nói về cô giáo chủ nhiệm của mình, Hoa và Tâm cho biết suốt những năm học ở Trường THPT Hậu Lộc III, cô Thủy như là người mẹ thứ hai của các bạn. Cô quan tâm đến từng hoàn cảnh, số phận của học trò nghèo. Hằng năm, cô luôn xin được nhiều suất học bổng của các nhà hảo tâm trong và ngoài huyện để hỗ trợ học sinh nghèo có thể đến trường.
“Khi biết tụi mình đỗ đại học, cô Thuỷ liền viết về hoàn cảnh của hai đứa, đưa lên mạng xã hội để kêu gọi, xin học bổng” – Tâm kể.
Cô Thuỷ tâm sự: “Hoàn cảnh của hai em Hoa, Tâm thật đáng thương. Nghị lực vượt khó vươn lên trong học tập của hai em thật đáng quý. Hiện nay, tôi đang tiếp tục tìm kiếm học bổng cho học sinh nghèo ở Trường THPT Hậu Lộc III”.
Chương trình “Vì ngày mai phát triển” lần thứ 430 của báo Tuổi Trẻ
– Học bổng “Tiếp sức đến trường” dành cho tân sinh viên Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hoá, Hà Tĩnh. – Tổ chức: báo Tuổi Trẻ, Tỉnh đoàn Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hoá, Hà Tĩnh. – Tài trợ: Giải golf gây quỹ học bổng “Tiếp sức đến trường” (do Công ty CP Phân bón Bình Điền, VTV9, báo Tuổi Trẻ TP.HCM và Công ty golf Long Thành tổ chức). |