Làm quy hoạch như thầy bói đoán mò
Dù được đầu tư lớn và là cơ sở để phát triển kinh tế – xã hội nhưng nhiều quy hoạch được xây dựng lại không có nội dung, thậm chí sai thực tế, mâu thuẫn…
Làm quy hoạch như thầy bói đoán mò
Dù được đầu tư lớn và là cơ sở để phát triển kinh tế – xã hội nhưng nhiều quy hoạch được xây dựng lại không có nội dung, thậm chí sai thực tế, mâu thuẫn…
Lượng hàng qua cảng thực tế đã vượt mức được đề ra trong quy hoạch cảng biển VN tới gần 60 triệu tấn vào năm 2010. -Trong ảnh: cảng container Trung tâm Sài Gòn – SPCT tại Khu công nghiệp Hiệp Phước, TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Dự án thép của Vinashin ở Ninh Thuận từng được đưa vào quy hoạch ngành thép, nhưng doanh nghiệp (DN) không triển khai. Cuối tháng 8-2016, theo đề nghị của Tập đoàn Hoa Sen (HSG), Bộ Công thương lại bổ sung siêu dự án thép 10,6 tỉ USD của HSG vào quy hoạch tại Ninh Thuận. Đây chỉ là một ví dụ điển hình của quy hoạch phải chỉnh sửa, bổ sung nhiều, thậm chí chạy theo nhà đầu tư.
Nhiều quy hoạch… trời ơi làm khó dân
Trong một đánh giá về quy hoạch, Bộ Kế hoạch – đầu tư (KH-ĐT) khẳng định hàng loạt quy hoạch như quy hoạch nuôi, chế biến cá tra, tôm hùm… gây cản trở người dân trong gia nhập thị trường, gây lãng phí nguồn lực, cản trở thu hút đầu tư, gây khó cho DN xuất khẩu…
Thực tế, có quy hoạch ấn định cứng số lượng DN được tham gia kinh doanh. Như Bộ Công thương ấn định VN chỉ có tối đa 150 thương nhân xuất khẩu gạo trong quy hoạch đã khiến không biết bao nhiêu ý kiến tranh luận. Nhiều quy hoạch khác còn khó thực hiện hơn, vì mâu thuẫn, mục tiêu khác nhau.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia được Thủ tướng phê duyệt, đến năm 2030 VN sẽ có 10.700 MW điện hạt nhân. Nhưng trong quy hoạch phát triển điện hạt nhân lại nêu đến năm 2030 VN sẽ có tới 15.000 MW. Dù con số chênh không lớn, nhưng để lấp đầy khoảng vênh đó có thể đòi hỏi đầu tư hàng tỉ USD.
Đáng ra phải đi trước nhưng nhiều quy hoạch, theo các chuyên gia, lại như thầy bói nói chuyện, đưa ra chỉ tiêu… bị thực tế vượt xa. Như tại quy hoạch cảng biển VN, dự kiến đến năm 2010 lượng hàng hoá qua các cảng biển của VN sẽ đạt 200 triệu tấn. Nhưng theo số liệu của Cục Hàng hải, lượng hàng qua cảng biển VN đến năm 2010 đã vượt quy hoạch tới gần 60 triệu tấn!
Quy hoạch nhằm mục tiêu hoạch định sự phát triển cả chục năm của các ngành, lĩnh vực, đòi hỏi phải huy động nhiều chất xám nhưng có quy hoạch vừa “ra lò” đã bị phản ứng. Điển hình là quy hoạch mạng lưới chợ toàn quốc đến năm 2025 được Bộ Công thương ban hành vào năm 2015, trong đó chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội) được ra khỏi quy hoạch.
Dù trong phụ lục quyết định do bộ trưởng Vũ Huy Hoàng ký, chợ Long Biên được đưa vào danh sách các chợ đầu mối phải xoá bỏ và di dời, nhưng sau khi dư luận lên tiếng, Bộ Công thương có thông báo cho rằng quyết định chỉ có ý: chợ Long Biên sẽ không có chức năng chợ đầu mối. “Chợ Long Biên vẫn tồn tại như chợ hạng II như cũ” – Bộ Công thương nêu.
Tại ĐBSCL, nông dân phải nuôi tôm theo đúng quy hoạch – Ảnh: Chí Quốc |
Thứ gì cũng làm quy hoạch
Cũng theo Bộ KH-ĐT, tính đến hết năm 2014 VN đã có tới 12.860 bản quy hoạch. Trong đó, có tới 6.900 quy hoạch xây dựng. Cấp huyện có tới 708 quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, 932 quy hoạch xây dựng. Đặc biệt, cấp tỉnh đã ban hành tới 3.081 quy hoạch các sản phẩm, ngành cụ thể (như chè, cá, tôm)… Cá biệt, cấp xã cũng làm quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và đã thống kê được 20 quy hoạch kiểu này.
Riêng năm 2015, các bộ ngành, địa phương tính toán sẽ lập, điều chỉnh tới 907 quy hoạch. Đặc biệt, có quy hoạch được các bộ đưa ra, địa phương không muốn cũng phải làm, đơn cử như các địa phương đều phải làm quy hoạch vật liệu xây dựng. Do đó, dù có tỉnh ĐBSCL chủ yếu nhập vật liệu xây dựng từ các địa phương khác nhưng cũng phải làm quy hoạch ngành này.
Trong khi đó, kinh phí dành cho quy hoạch rất lớn. Để thực hiện quy hoạch giai đoạn 2011-2020, đến nay Nhà nước đã phải chi khoảng 8.000 tỉ đồng! Theo một lãnh đạo Bộ Công thương, kinh phí làm quy hoạch ngày càng có xu hướng tăng khi nhiều tỉnh đã thuê cả tư vấn nước ngoài. Không chỉ tốn 1-5 tỉ/bản quy hoạch như trước, kinh phí có thể sẽ lên đến nhiều triệu USD/bản, thậm chí gấp 15-20 lần đơn giá tư vấn trong nước.
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông khẳng định tư duy của một số ngành về quy hoạch còn chịu ảnh hưởng từ thời bao cấp. Theo ông Đông, thực tế còn nhiều quy hoạch chất lượng thấp, không gắn với nhu cầu sử dụng. Trong văn bản tổng kết việc quy hoạch, Bộ KH-ĐT chỉ rõ nhiều quy hoạch dựa vào các số liệu, dự báo không chính xác nên đã “vẽ” ra quy hoạch thường xuyên phải bổ sung. Như quy hoạch ximăng đến nay đã phải bổ sung tới 5 lần.
Chưa hết, nhiều quy hoạch trùng lặp, như khu thác Bản Giốc (Cao Bằng), trong khi Bộ Văn hoá – thể thao và du lịch làm quy hoạch tổng thể phát triển du lịch, Bộ Xây dựng lại lập quy hoạch chung xây dựng. Đặc biệt, có nhiều quy hoạch… mâu thuẫn nhau, khó biết phải theo quy hoạch nào.
Như quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển VN xác định công suất hệ thống cảng khu vực TP.HCM đến năm 2020 đạt 105,7 triệu tấn/năm. Trong khi đó, quy hoạch chung xây dựng TP.HCM lại xác định công suất cảng khu vực TP.HCM giai đoạn 2020-2025 phải đạt 200 triệu tấn/năm…
Trong năm 2015, khi Bộ KH-ĐT đưa dự thảo Luật quy hoạch ra xin ý kiến và trình lên Chính phủ, nhiều bộ ngành đã phản đối. Bộ KH-ĐT đã phải rút dự luật về để chỉnh sửa, bổ sung và đang tiếp tục trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tuy nhiên, theo một thành viên ban soạn thảo dự luật quy hoạch, dù dự luật được thông qua sẽ giúp tiết kiệm, tránh được lợi ích nhóm, tư duy xin cho… nhưng có thể sẽ vẫn gặp không ít khó khăn.
Nhiều quy hoạch không rõ… nội dung Bộ KH-ĐT chỉ đích danh các quy hoạch được lập nhưng không hề rõ nội dung, không phục vụ công tác quản lý, như quy hoạch phát triển hành lang Lạng Sơn – Hà Nội – TP.HCM – Mộc Bài đến năm 2020; hay các quy hoạch xây dựng vùng liên tỉnh, như quy hoạch xây dựng vùng nam Hà Tĩnh – bắc Quảng Bình đến năm 2030… |