25/12/2024

Thế giới lo ngại năng lực hạt nhân của Triều Tiên

Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung Se ngày 10-9 cho rằng năng lực hạt nhân của CHDCND Triều Tiên đang khuếch trương rất nhanh, và rõ ràng cả thế giới đều lo ngại trước cái gọi là “bước tiến” trong cuộc đua hạt nhân nguy hiểm này.

 

Thế giới lo ngại năng lực hạt nhân của Triều Tiên

Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung Se ngày 10-9 cho rằng năng lực hạt nhân của CHDCND Triều Tiên đang khuếch trương rất nhanh, và rõ ràng cả thế giới đều lo ngại trước cái gọi là “bước tiến” trong cuộc đua hạt nhân nguy hiểm này.

 

 

 

Thế giới lo ngại năng lực hạt nhân của Triều Tiên
Thanh niên và học sinh, sinh viên tham gia khiêu vũ mừng ngày kỷ niệm thành lập nước CHDCND Triều Tiên ngày 9-9 – Ảnh: Reuters

Ngày 9-9, CHDCND Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lớn nhất từ trước tới nay, đồng thời tuyên bố đã làm chủ được công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân đặt vào tên lửa đạn đạo.

Một tuyên bố mà bất chấp việc nghi ngờ hay bác bỏ, các nước đối thủ với Triều Tiên đều bắt đầu phải lo toan cho những kịch bản tồi tệ nhất.

Năm 2020 mới có tên lửa đầu đạn hạt nhân?

Theo Hãng thông tấn KCNA, CHDCND Triều Tiên cho biết “các nhà khoa học và các chuyên gia kỹ thuật của họ đã tiến hành thử nghiệm vụ nổ hạt nhân để đánh giá sức mạnh của một đầu đạn hạt nhân”.

Và vụ thử hạt nhân đã chứng tỏ Triều Tiên có khả năng đặt một đầu đạn hạt nhân vào tên lửa đạn đạo tầm trung.

Triều Tiên đã tiến hành thử nghiệm nhiều loại tên lửa khác nhau với tần suất chưa từng có tiền lệ trong năm nay, và khả năng đưa được đầu đạn hạt nhân vào một tên lửa của họ là vấn đề thật sự đáng lo ngại với hai quốc gia láng giềng là Hàn Quốc và Nhật Bản.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc, ông Gary Ross, cho biết cơ quan này chưa có bằng chứng nào cho thấy Triều Tiên đã có thể thu nhỏ được một vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, ông Gary Ross cũng nói thêm: “Việc nhận định sai có thể gây ra những hậu quả khôn lường, do đó một nhà chiến lược quân sự cần thận trọng để lên kế hoạch ứng phó với những tình huống tồi tệ nhất”.

Báo New York Times dẫn quan điểm của các chuyên gia quân sự cho rằng tới năm 2020, Bình Nhưỡng gần như chắc chắn sẽ sở hữu những kỹ thuật có thể tạo ra được một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đáng tin cậy có trang bị đầu đạn hạt nhân.

Và họ cũng ước tính tới thời điểm đó, Triều Tiên cũng đã tích luỹ đủ lượng vật liệu hạt nhân để chế tạo khoảng 100 đầu đạn.

Giáo sư Siegfried S. Hecker của Đại học Stanford, người từng tới Triều Tiên và từng điều hành Phòng thí nghiệm vũ khí Los Alamos tại New Mexico – nơi sinh ra bom nguyên tử, nhận định những tiến bộ của Triều Tiên trong quá trình phát triển tên lửa và hạt nhân cho thấy họ đang đi từ việc xem các loại vũ khí phi truyền thống như một lợi thế có thể đem ra mặc cả trong thương lượng tới chỗ “quyết định họ cần có một sức mạnh chiến đấu bằng vũ khí hạt nhân”.

“Không còn là 
một quốc gia lạc hậu”

Bình Nhưỡng tiếp nhận làn sóng công nghệ tên lửa đầu tiên của Nga vào những năm 1980, nhờ đó họ có khả năng tạo ra các tên lửa tầm ngắn Scud.

Sau đó, khi Liên bang Xô viết sụp đổ, Triều Tiên tiếp nhận làn sóng công nghệ tên lửa thứ hai với những bước tiến mạnh mẽ hơn và tới thời điểm này, Bình Nhưỡng cũng đã phát triển được một thế hệ tên lửa mới được tăng cường uy lực bằng một loại động cơ tân tiến hơn nhiều.

Chuyên gia Jeffrey Lewis của Viện nghiên cứu quốc tế Middlebury ở California cho rằng những ước tính cao nhất của cường độ địa chấn cho thấy vụ thử hạt nhân ngày 9-9 là vụ thử mạnh nhất của Triều Tiên từ trước tới nay.

Ông cho rằng cường độ địa chấn và cấp độ bề mặt cho thấy một vụ nổ có mức năng lượng giải phóng ra vào khoảng 20-30 kiloton.

Mức năng lượng đó khiến vụ thử này còn lớn hơn cả quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai, khi quả bom đó phát nổ và giải phóng khoảng 15 kiloton năng lượng.

Mặc dù phía quân đội Hàn Quốc cho rằng mức giải phóng năng lượng trong vụ thử hạt nhân của Triều Tiên chỉ là 10 kiloton, nhưng ngay cả vậy thì đó vẫn là vụ nổ hạt nhân mạnh nhất cho tới nay của họ.

Chuyên gia Lewis nói: “Điều quan trọng là, với năm vụ thử đó, bây giờ họ đã có rất nhiều kinh nghiệm thử hạt nhân. Họ không còn là một quốc gia lạc hậu nữa”.

Phản ứng của thế giới

Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung Se cho rằng vụ thử hạt nhân lần thứ 5 chứng tỏ nhà lãnh đạo Kim Jong Un không hề sẵn sàng thay đổi quan điểm, do đó cần phải áp dụng thêm các lệnh trừng phạt hà khắc và gây áp lực mạnh mẽ hơn để khiến “Triều Tiên phải gánh một nỗi đau không thể chịu nổi và buộc họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải thay đổi”.

Mỹ nói sẽ làm việc với các đối tác để áp đặt thêm các lệnh trừng phạt mới, đồng thời kêu gọi Trung Quốc gây áp lực để buộc Bình Nhưỡng chấm dứt chương trình hạt nhân.

Tuy nhiên, phía Nga tỏ ra ngờ vực về hiệu quả của việc sử dụng biện pháp tăng các lệnh trừng phạt để giải quyết cuộc khủng hoảng này. Trong khi đó, Trung Quốc im lặng trước kế hoạch về một nghị quyết trừng phạt mới của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc với đồng minh của họ.

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc lên án quyết định thử hạt nhân của Triều Tiên và nói sẽ bắt tay ngay vào việc soạn dự thảo nghị quyết trừng phạt. Mỹ, Anh và Pháp cùng hối thúc cơ quan này áp đặt thêm các lệnh trừng phạt với Triều Tiên.

Ngày 10-9, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nêu rõ: “Lập trường nhất quán của Việt Nam là ủng hộ phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, ủng hộ việc cấm thử hạt nhân toàn diện, không phổ biến hạt nhân và tiến tới giải trừ loại vũ khí này.

Việt Nam quan ngại sâu sắc trước việc CHDCND Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân sáng 9-9, vi phạm nghiêm trọng các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, làm gia tăng căng thẳng, đe doạ hoà bình, ổn định ở khu vực.

Việt Nam kêu gọi các bên liên quan cần tuân thủ nghiêm túc các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, có các hành động thiết thực thúc đẩy hoà bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên”.

(Q.T.)

D.KIM THOA ([email protected])