Dù khó vẫn cho con đến trường
Bước vào năm học mới 2016-2017, nỗi lo lớn nhất của các bậc phụ huynh vùng ven biển Quảng Bình là khoản tiền trường đầu năm.
Dù khó vẫn cho con đến trường
Bước vào năm học mới 2016-2017, nỗi lo lớn nhất của các bậc phụ huynh vùng ven biển Quảng Bình là khoản tiền trường đầu năm.
Các bà mẹ ở xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình với nỗi lo tiền trường cho con – Ảnh: L.Giang |
Nhưng dù khó khăn đến đâu, họ đều cố lo cho con em được đến trường…
“Đi biển chưa được thì ra giúp trường!”
Tại Trường tiểu học Quảng Đông (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình), thầy hiệu phó Trần Xuân Hải kể một cách vui vẻ: “Từ trước đến nay, chưa khi nào nhà trường huy động được đông đảo phụ huynh đến giúp trường chuẩn bị vào năm học mới như năm nay. 100% phụ huynh có mặt, thậm chí nhiều gia đình còn đi đến 2 – 3 người”.
Lý giải chuyện này, bà Nguyễn Thị An, một phụ huynh ở điểm trường thôn Vinh Sơn, cho biết: “Dân ở đây chuyên đi biển bằng nghề lộng gần bờ. Bây chừ đi biển chưa được thì kéo nhau đi giúp trường!”.
Trường tiểu học Quảng Đông có ba điểm trường, năm học 2016-2017 sẽ đón trên 400 học sinh. Đời sống bà con dựa vào biển nên còn gặp nhiều khó khăn, nhất là từ sau sự cố môi trường biển thì càng khó khăn thêm.
Thầy Hải tâm sự: “Trường cũng cảm thông và chia sẻ khó khăn với phụ huynh nhưng chưa biết phải làm thế nào đây. Chỉ mong tất cả phụ huynh cố gắng để cho con em tới trường đầy đủ…”.
Tại điểm trường ở thôn 19-5, bà Trịnh Thị Hiền cho biết bà có ba con, cháu lớn học lớp 11, hai cháu sau học lớp 4 và mầm non. Từ sau sự cố môi trường biển đến nay chồng bà nghỉ đi biển, vì hải sản đánh bắt về không ai mua. Vậy là cả nhà đang sống nhờ vào khoản gạo cứu trợ của Nhà nước và đắp đổi qua ngày từ vay mượn tiền…
“Chỉ lo ăn cho cả nhà đã khó, nay lo thêm tiền đầu năm học càng khó thêm. Nhưng vẫn phải cố gắng bằng vay mượn để cho các cháu đến trường. Khó mấy cũng gắng!” – bà Hiền nói với ánh mắt lo âu.
Cả thôn 19-5, với 100% hộ dân đi biển gần, đều có hoàn cảnh và tâm trạng như bà Hiền.
Xã lo sốt vó…
Ở xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh), câu chuyện được bà con bàn tán nhiều nhất từ ngày 15-8 (ngày học sinh đã đến lớp học) đến nay vẫn là chuyện lo cho con em đến trường.
Bà Trương Thị Hiếu ở thôn Cửa Thôn ngậm ngùi: “Mấy hôm trước tui mới xin được bộ sách giáo khoa cũ cho thằng cu lên lớp 6 và con Hoa lên lớp 8. Sách cho đứa lớp 2 chưa biết xin ở mô được. Quần áo thì thôi, mặc đồ cũ cũng còn được, chắc nhà trường không nỡ bắt buộc dân mua sắm trong tình cảnh ni…”.
Ông Phan Quốc Khánh, phó chủ tịch UBND xã Hải Ninh, cho biết năm học mới cả xã có hơn 2.000 học sinh các cấp đến trường.
“Xã đang lo sốt vó, sợ với tình hình này thì nhiều gia đình vì quá khó khăn mà không cho con em đến trường. UBND xã chỉ còn cách đề nghị phòng giáo dục và huyện miễn giảm phần nào các khoản đóng góp đầu năm cho học sinh, nhưng chưa biết có được không” – ông Khánh nói.
Tại xã Nhân Trạch (huyện Bố Trạch), ngồi bên bờ biển giữa trưa, bà Phan Thị Liêm và bà Phạm Thị Làn cùng chung nỗi lo âu con cái tới ngày khai trường. Bà Liêm cho biết bà con ở đây đi biển một năm 6 tháng trời lặng, còn 6 tháng trời mưa gió thì ngồi nhà, nên làm được chừng mô là xào chừng đó.
“Mấy ngày ni đang ngồi run vì lo nhà trường kêu tới họp phụ huynh đầu năm học. Mà kêu tới họp là chắc chắn có thông báo nộp tiền…” – bà Liêm kể, rồi nhìn xa xăm ra biển.
Rổ nhum biển mà bà Liêm và bà Làn ngồi tỉ mẩn bóc ra cả buổi trưa, bán cho người ta cũng chỉ được vài chục ngàn đồng…
Mong miễn giảm học phí
Tại xã vùng biển bãi ngang Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thuỷ, ông Trần Văn Duệ không giấu được sự lo lắng: “Ngư dân không phải không biết chuyện học hành của con em là vì tương lai, nhưng quả thật là quá khó khăn kể từ khi gặp vụ cá biển chết đến nay. Chỉ mong cấp trên giúp cho đôi phần về miễn giảm học phí, tiền xây dựng trường… Nếu không thì cho ngư dân nợ tiền trường một thời gian để con em được tới trường!”.
Ông Ngô Văn Thủy, chủ tịch UBND xã Ngư Thuỷ Bắc, cho biết 95% trong số gần 5.000 dân của xã sống bằng nghề đi biển gần.
“Từ sau vụ cá chết đến nay, hàng trăm người bỏ làng đi làm ăn ở các tỉnh miền Nam. Nhiều con em ở độ tuổi đi học cũng theo cha mẹ đi làm ăn chưa về. Xã phải nhờ hội khuyến học và các nhà trường tìm số điện thoại người nhà để gọi các em về tựu trường. Xã đang lo ngày khai giảng mà các em không về…” – ông Thủy lo lắng.
Ông Thủy cho biết thêm trước đây khi chưa xảy ra vụ cá chết, năm học nào ở xã cũng có học sinh bỏ học giữa chừng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Nay người dân không đi biển được thì nguy cơ học sinh bỏ học càng lớn hơn.
Anh Trần Quang Liệu có ba con sàn sàn nhau, năm nay vào lớp 10, lớp 9 và lớp 8. Gần ngày khai giảng anh càng nóng ruột, vì một lúc lo tiền trường cho ba đứa con quả là khó.
Anh Liệu băn khoăn: “Tui nghèo nhưng được cái cả ba đứa đều học khá giỏi, nên dù khó mấy vẫn cố cho hắn học đến nơi đến chốn. Tính sơ sơ tiền mua sắm và nộp tiền đầu năm học cho ba đứa không dưới 10 triệu đồng… Tui đang tính chuyện khất nợ với nhà trường mà không biết có được không”.
Tạo điều kiện cho học sinh đến trường Ông Võ Vĩnh Hào, trưởng Phòng GD-ĐT huyện Lệ Thủy, cho hay phòng đã có công văn gửi hiệu trưởng các trường từ mầm non đến THCS các xã Ngư Thuỷ Bắc, Ngư Thuỷ Trung và Ngư Thuỷ Nam, yêu cầu nắm hằng ngày mọi diễn biến của học sinh và phụ huynh tại địa phương, để kịp thời vận động bà con cho con em đến trường. Ông Hào nói: “Trước mắt, chúng tôi yêu cầu các trường chưa thu các khoản tiền của năm học mới từ học sinh vùng biển, mà phải chờ cấp trên có chỉ đạo cụ thể. Đồng thời, đề nghị tạo điều kiện tốt nhất về mọi mặt cho học sinh được đến trường”. Ông Đinh Quý Nhân, giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Bình, cho biết khó khăn của các gia đình ngư dân hiện nay là có thật, nên ảnh hưởng đến việc tới trường của học sinh vùng biển là tất yếu. Sở đã đề nghị UBND tỉnh miễn hoặc giảm học phí cho các em, các khoản thu khác thì kêu gọi các trường và các đơn vị ủng hộ; các trường thì phân kỳ các khoản nộp ra làm hai, ba lần trong năm học. Với sách giáo khoa thì kêu gọi các em giúp đỡ nhau, riêng về sách tham khảo thì sở chủ trương giảm mua đến mức thấp nhất và không bắt buộc học sinh phải mua… |