23/01/2025

Chăm chút từ “của cho” đến “cách cho”

Có nhìn bà Trần Quế Nga cặm cụi chiên mấy trăm cái đùi gà, nấu hàng trăm ly chè rồi cẩn thận gói ghém chở đến tặng bệnh nhân nghèo, hay đi dò hỏi mua giá gốc bánh phở để người nghèo có thêm thức ăn đổi bữa mới cảm nhận được tấm lòng của bà…

 

Chăm chút từ “của cho” đến “cách cho”

 

Có nhìn bà Trần Quế Nga cặm cụi chiên mấy trăm cái đùi gà, nấu hàng trăm ly chè rồi cẩn thận gói ghém chở đến tặng bệnh nhân nghèo, hay đi dò hỏi mua giá gốc bánh phở để người nghèo có thêm thức ăn đổi bữa mới cảm nhận được tấm lòng của bà…

 

 

 

 

Chăm chút từ “của cho” đến “cách cho”
Bà Quế Nga và các học sinh Trường mầm non Nguyễn Thị Tú – Ảnh: TỰ TRUNG

70 tuổi đời, sức khoẻ đã hao mòn, đời làm cách mạng từng trải qua hầu hết các lao tù: từ Nha đô thành đến Chí Hoà, Thủ Đức, Hố Nai, Tam Hiệp rồi ra Côn Đảo, bà Quế Nga nói trong chặng cuối của cuộc đời mình, bà vẫn muốn bước trọn con đường mà ông bà, cha mẹ, anh chị mình đã chọn, đã đi, đã hi sinh và mất mát…

Không thể sống khác

Bà Quế Nga là con gái của liệt sĩ Nguyễn Thị Tú, nguyên hội trưởng Hội Phụ nữ giải phóng Sài Gòn – Gia Định; là cháu ngoại mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Mẹo; em gái của bà Trần Tố Nga (nguyên hiệu trưởng Trường Marie Curie, người phụ nữ nổi tiếng trong vụ kiện da cam – một mình đứng đơn kiện 35 công ty hóa chất ở Mỹ thông qua một toà án Pháp).

“Ở ven một ngôi làng xa của rừng cao su Bình Dương, có một khóm tre tàu. Dưới khóm tre tàu ấy có một người phụ nữ bị chôn sống, không vải liệm, không áo quan. Người phụ nữ ấy đã bị chôn ngồi, chân và tay bị trói bằng những sợi dây dù, đầu chỉ cách mặt đất vài mươi phân. Khi phát hiện ra hài cốt, tóc người phụ nữ còn dài và đen.

Người phát hiện hài cốt đã trồng tre thay mộ. Tre tàu có tiếng là nhiều rễ, rễ tre đã làm nổ tung sọ của người phụ nữ, từng mảnh xương sọ bám vào rễ tre. Ẩn trong bộ hài cốt đã rã nát kia là hình ảnh của người chiến sĩ cách mạng trung kiên, nhân hậu và thủy chung đến cùng với tất cả những giá trị thiêng liêng bà luôn mang trong tim…”.

Đó là những dòng thông tin về liệt sĩ Nguyễn Thị Tú tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ. Và dù thời gian được sống gần mẹ không nhiều nhưng những ký ức ít ỏi về mẹ luôn làm bà Quế Nga rưng rưng mỗi khi nhắc đến mẹ.

Bà nhớ: “Mẹ tôi yểu điệu, nhỏ nhẹ, dịu dàng. Mẹ hay mặc áo dài, đi đâu mẹ cũng xinh đẹp, sắc sảo. Ba mất khi tôi mới 6 tháng tuổi. Một mình mẹ chèo chống, lèo lái nuôi bốn đứa con và tham gia cách mạng. Sau này khi trực tiếp nếm trải một phần những gian truân trên con đường mẹ đã đi, tôi càng xót xa khi nghĩ đến thân mẹ dặm trường, băng rừng lội suối, tù đày…”.

18 tuổi, Quế Nga vào chiến khu. Cô hăng hái bước theo con đường mẹ đã đi và chọn cho con gái mình. “Lúc đó tôi vào chiến khu cũng là ý của mẹ. Dù thấy mẹ với ngoại cực khổ quá nhưng tôi vẫn hăng hái bước vào cuộc đời cách mạng với tất cả lòng nhiệt thành và say mê” – bà Quế Nga kể.

Vào chiến khu cũng là lúc Trường giáo dục Tháng Tám chiêu sinh khóa 2. Quế Nga tham gia lớp học này. Chỉ trong một tháng, cô học thuộc làu cả trăm bài hát, học những bài học chính trị đầu tiên và kỹ năng sư phạm, vừa học, vừa công tác, vừa đi tải gạo, chặt cây làm nhà.

Chiến dịch Mậu Thân nổ ra, Quế Nga được tổ chức phân công vào nội thành Sài Gòn công tác. Tại đây, cô bị thương và rơi vào tay giặc. Chuồng cọp – Côn Đảo là điểm dừng chân cuối cùng sau khi bị dẫn giải qua rất nhiều nhà tù.

Ba năm sống trong “địa ngục trần gian”, cô nếm trải mọi đớn đau, khó khăn: ăn những bữa cơm với chén mắm mà giòi đóng một lớp trên mặt, biết thế nào là “khô ký ninh” (khô cá mốc đắng như thuốc ký ninh), hiểu thế nào là ngủ giữa một “rừng rệp” khi rệp đeo kín vách nhà lao và chuyển động rùng rùng như những bức tường di động.

Thời gian đó, mỗi lần nghĩ đến mẹ cũng đã từng ở nơi này, từng chịu đựng đớn đau, khổ nhọc gấp trăm lần, Quế Nga có thêm sức mạnh. Vượt lên mọi trở ngại, quên mọi khó khăn, cô và những đồng chí của mình cố gắng giữ vững khí tiết, sống lạc quan, tổ chức cả văn nghệ, diễn kịch, làm thơ trong tù.

Năm 1974, Quế Nga được trao trả. Bước ra từ “địa ngục trần gian”, cũng như mẹ, như chị, Quế Nga đã làm được điều mà bà ngoại từng nhắn nhủ: “Làm sao cho còn nhìn mặt được anh em, không hổ thẹn với cha mẹ”.

Chăm chút từ “của cho” đến “cách cho”
Cô Quế Nga, hiệu trưởng trường Mầm non Nguyễn Thị Tú – Ảnh: TỰ TRUNG

Không muốn vui sướng một mình

“Con chào cô, con chào chú ạ!” – tiếng chào đồng thanh phát ra từ khuôn miệng xinh xắn của các bé lứa tuổi mầm non dậy vang cả một góc sân Trường mầm non Nguyễn Thị Tú, Q.Tân Phú (TP.HCM). Thấy có khách đến, không cần các cô nhắc nhở, các bé tự động khoanh tay chào. Đứng quan sát ở một góc khác, cô hiệu trưởng Trần Quế Nga đang nở nụ cười.

Hơn 10 năm trước, Trường mầm non Nguyễn Thị Tú vừa mới thành lập không lâu đã được phụ huynh học sinh truyền tai nhau rằng đó là một trường tư thục nhưng rất khó vào vì lượng hồ sơ nộp rất nhiều, không kém gì các trường mầm non điểm. Ai cũng muốn gửi con vô học vì chất lượng nuôi dạy trẻ đảm bảo mà mức thu lại mềm, thấp hơn cả trường bán công.

Đem thắc mắc này hỏi cô hiệu trưởng, cô chỉ cười đáp: “Chúng tôi mở trường tư thì cũng phải có lãi để sống. Nhưng mà thu cao quá trẻ con nhà nghèo làm sao học được? Cho nên phải ráng tận dụng, tiết kiệm được khoản nào hay khoản ấy.

Chúng tôi không có đội ngũ biên chế cồng kềnh. Mỗi thành viên, kể cả hiệu trưởng, đều xắn tay vào. Trường nhà nước mua gì cũng mắc vì phải mua đúng nơi, đúng chỗ, đúng… quy trình; còn chúng tôi lặn lội mua tận gốc nên rẻ hơn. Bớt được chi phí thì học phí cũng được giảm cho phụ huynh đỡ cực”.

Thời còn làm hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú, bà Quế Nga cũng chủ trương không lấy phòng rộng làm phòng hiệu trưởng mà để dành đó để học trò có thêm chỗ học, chỗ chơi. Bà dọn ra một căn phòng nhỏ cạnh nhà xe – căn phòng mà ai cũng bảo chật chội và nóng bức, chỉ đủ bày biện chiếc bàn làm việc và ít cái ghế.

“Tôi thấy vậy được rồi, công việc vẫn chạy ngon lành. Chỉ có những lần phải tiếp lãnh đạo TP, lãnh đạo Sở GD-ĐT trong căn phòng đó thì thấy hơi ngại cho khách mà thôi” – bà cười nói.

Bước vào tuổi thất thập cổ lai hi, bà vẫn xăng xái lội tuốt xuống miệt rừng U Minh, cùng một số bạn bè vận động tiền, tập sách, học bổng cho học trò nghèo. Thấy nhiều người còn đói khổ, bà vận động cho mấy tấn gạo. Thấy muỗi mòng nhiều quá, bà quyên góp đi mua mấy trăm cái mùng phân phát.

Kết nối được với Chi hội bảo trợ bệnh nhân nghèo Bình Phú Đông, hễ gom góp được chút nào bà lại mua hàng hóa, nhu yếu phẩm cho người nghèo. Hay tin Công ty Vifon đang bán bánh phở vụn với số lượng lớn, bà mua luôn mấy tấn đem tặng cho nhà tình thương, các trại phong. Bệnh nhân mừng lắm. Có người khóc, khoe đã rất lâu rồi họ mới được nếm vị phở.

Hôm rồi, cái lưng bị đau, bà đi khám thì bác sĩ nói bị bệnh cột sống, phải hạn chế đi lại. Bà cầm toa thuốc của bác sĩ tần ngần bước ra khỏi phòng khám rồi quày quả quay ngược trở lại nói: “Bác sĩ ơi, nhưng tôi cần phải đi”. Chịu thua bà, bác sĩ kê toa cho mua cái đai đeo vào lưng.

Vậy là với cái đai lưng đó, bà lại ngược xuôi vùng sâu, vùng xa tận Cà Mau, Kiên Giang, Lâm Đồng… để đến với những mảnh đời bất hạnh.

Ai khuyên can kêu già rồi, ở nhà mà nghỉ ngơi hưởng phước, bà chỉ cười rồi nói: “Vui sướng một mình đâu phải là niềm vui. Mẹ Tú tôi đẹp vậy, giỏi vậy, cha tôi cũng con nhà giàu có, quyền thế. Cha mẹ có quá nhiều cơ hội và điều kiện để chọn một con đường bằng phẳng, một cuộc sống an nhàn. Tôi cũng từng thắc mắc và mẹ tôi luôn nói với chúng tôi rằng bà chiến đấu là để giành hạnh phúc cho các con. Tôi tin cuộc đấu tranh vì hạnh phúc của con người, vì những điều tốt đẹp cho cuộc đời này vẫn cần mỗi người góp sức”.

Chăm chút từ “của cho” đến “cách cho”

Từng ở tù, hiểu được thế nào là đói khát, bà Quế Nga làm từ thiện theo cách thiết thực nhất chứ không thích màu mè. Bà chăm chút từ “của cho” đến “cách cho”.

Với bà con thiếu ăn, bà tặng gạo để họ ăn cho chắc bụng. Với người bệnh hay lạt miệng, bà chịu khó mua mì, phở, không ngại công nấu chè, chiên gà cho họ đổi món. Tặng bột giặt, bà chọn loại nào tẩy sạch, ít hao chứ không chọn loại thơm lâu hào nhoáng. Bà còn tâm lý tới mức chỉ chọn mua bột ngọt, muối, đường chứ không tặng hạt nêm.

Bà bảo: “Hạt nêm xài hao lắm, nấu ào ào vài bữa là hết. Tôi cũng hay tặng dầu ăn vì người nghèo đến bữa đôi khi chỉ cần chút dầu để xào mớ rau hay nêm vài giọt vô tô canh cho mỡ màng dễ nuốt. Cũng bằng ấy tiền, mình tính cách nào cho họ lợi hơn. Người nghèo cần ăn chắc mặc bền”.

“Tôi tin cuộc đấu tranh vì hạnh phúc của con người, vì những điều tốt đẹp cho cuộc đời này vẫn cần mỗi người góp sức”

Bà TRẦN QUẾ NGA

 
MAI HƯƠNG, [email protected]