23/01/2025

Làm sao cải thiện tình trạng thấp còi ở trẻ em VN?

Các nhà nghiên cứu có đánh giá và cho rằng việc giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi đang rất khó khăn và có dấu hiệu chững lại.

 

Làm sao cải thiện tình trạng thấp còi ở trẻ em VN?

 

Các nhà nghiên cứu có đánh giá và cho rằng việc giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi đang rất khó khăn và có dấu hiệu chững lại. Trong khi đó, đang có nhiều sai lầm trong chăm sóc dinh dưỡng để cải thiện tình trạng thấp còi ở trẻ em VN.

 

 

 

 

Làm sao cải thiện tình trạng thấp còi ở trẻ em VN?
Vận động sẽ giúp tăng chiều cao ở trẻ – Ảnh: NHƯ HÙNG

Nhiều bà mẹ ở TP.HCM trước khi chuẩn bị sinh con đã tìm đủ các loại sách đọc với mong muốn sinh ra một em bé khoẻ mạnh, thông minh và đặc biệt có thể phát triển chiều cao tối ưu.

Cao từ trong 
“trứng nước”

Chị P.T.P., ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM, kể từ lúc chuẩn bị sinh con chị đã đi bộ hằng ngày để nâng cao sức khỏe, uống sữa, uống viên axit folic, ăn đầy đủ chất và giữ tinh thần thoải mái, vui vẻ. Chị P. nói chị biết chiều cao của con bị ảnh hưởng nhiều bởi ba giai đoạn, giai đoạn mang thai, từ lúc sinh ra đến khi trẻ được hai tuổi và giai đoạn tiền dậy thì. Do vậy, chị rất chú trọng để con phát triển chiều cao tốt nhất trong 1.000 ngày đầu đời. Khi ra đời, con gái chị nặng 3,5kg, dài 53cm.

Sau khi sinh con, chị tiếp tục ăn uống đầy đủ chất, cho con bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Hằng ngày chị đều đưa bé tắm nắng, tập cho bé nằm sấp ngay khi được ra viện. Hơn một tuần, con chị có thể xoay đầu được. Tháng nào chị cũng đưa con ra trạm y tế phường gần nhà để đo chiều cao, cân nặng. Chiều cao và cân nặng của bé được đánh giá phát triển rất tốt.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hoa, nguyên trưởng khoa dinh dưỡng Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, cho biết những nguy cơ khiến trẻ bị thấp còi là sinh non, sinh đôi, suy dinh dưỡng bào thai, các bệnh lý nội tiết, di truyền… và do nuôi dưỡng không đúng cách.

Trong khi đó, phải có đầu tư thiết yếu cho bà mẹ mang thai, trẻ em dưới 2 tuổi, nhóm trẻ tiền dậy thì (trẻ học đường) là những giai đoạn trẻ tăng trưởng chiều cao tốt nhất. Ông Lê Danh Tuyên, viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, khuyến cáo tại các khu vực vùng sâu vùng xa, cần cung cấp viên đa vi chất cho bà mẹ có thai và bổ sung dinh dưỡng cho trẻ em.

Bữa sáng hay nguồn gen?

Nhiều người Việt từng nghe câu chuyện chiều cao trung bình của người Nhật tăng trưởng mạnh kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2 là do họ tăng cường cải tạo về nguồn gen, nhiều phụ nữ Nhật đã lấy chồng người nước ngoài và thế hệ thứ 2 của các gia đình đa quốc gia đã cao hơn hẳn so với người Nhật truyền thống. Tuy nhiên theo ông Tuyên, chính dinh dưỡng và môi trường mới là yếu tố quan trọng giúp nâng chiều cao người Nhật.

“Hai yếu tố quan trọng giúp tăng chiều cao là yếu tố nội sinh (nguồn gen) và yếu tố ngoại cảnh gồm dinh dưỡng và môi trường. Trong đó quan trọng nhất là 1.000 ngày đầu đời từ giai đoạn người mẹ chuẩn bị mang thai cho đến giai đoạn trẻ 2 tuổi, đây được coi là 1.000 ngày vàng.

Lúc này người mẹ và trẻ cần được ăn đa dạng, đủ dinh dưỡng, đảm bảo an toàn thực phẩm, bổ sung các vi chất sắt, canxi đã ion hoá. Bữa ăn quan trọng nhất trong ngày của cả phụ nữ có thai và trẻ em là bữa sáng đủ chất với thực phẩm đa dạng, nhưng người Việt mình thì bữa sáng lại là bữa phụ, thường ăn nhiều tinh bột, ăn đơn giản, ít chú ý chất xơ, vitamin…” – ông Tuyên cho hay.

Hiện tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em có sự khác biệt giữa các vùng, cao nhất là khu vực Tây nguyên (suy dinh dưỡng nhẹ cân là gần 22%, suy dinh dưỡng thấp còi là trên 34%), trung du và miền núi phía Bắc (suy dinh dưỡng nhẹ cân là 19,5%, suy dinh dưỡng thấp còi là trên 30%).

Tỉ lệ suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi thể nhẹ cân và thấp còi cao nhất vẫn tập trung ở những nơi có điều kiện kinh tế khó khăn, miền núi, vùng sâu vùng xa. “Câu hỏi đặt ra là bao giờ trẻ em miền núi, vùng khó khăn có cân nặng và chiều cao tiến kịp so với trẻ em vùng đồng bằng, chứ chưa nói đến các thành phố lớn?” – một chuyên gia về dinh dưỡng nhận xét.

Ngoài ra, theo ông Tuyên, các hoạt động thể lực, thể thao vừa sức, giấc ngủ ngon và đủ giấc chiếm 20% điều kiện để tăng trưởng chiều cao trẻ em.

Suy dinh dưỡng sớm và kéo dài sẽ gây thấp còi

Cho trẻ bú sữa mẹ nhưng không cho trẻ bú hết sữa cuối, trẻ ở tuổi ăn giặm chỉ ăn đủ năng lượng chứ thiếu các vi chất cũng làm cho trẻ bị thấp còi. Trong khi nhiều bà mẹ cứ tưởng trẻ cứ uống nhiều sữa là sẽ tăng chiều cao, nhưng không phải như vậy vì uống sữa quá mức mà không ăn giặm cũng dẫn đến thiếu chất, gây thấp còi. Nếu trẻ chỉ ăn đủ năng lượng mà không đủ vi chất dinh dưỡng sẽ làm trẻ chỉ mập, lùn và cũng sẽ bị thấp còi. Ví dụ trẻ ăn nhiều bánh kẹo, nước ngọt… sẽ đủ năng lượng nhưng lại thiếu các vi chất.

Nhiều gia đình có kinh tế nhưng trẻ vẫn bị thấp còi do cho trẻ ăn giặm không đúng cách. Nhiều bà mẹ cho rằng cho trẻ ăn đủ bốn nhóm chất là được. Tuy nhiên, theo bác sĩ Hoa, ngay cả khi cho trẻ ăn đủ bốn nhóm chất nhưng cách chế biến không đúng cũng làm trẻ bị thấp còi. Ví dụ cho trẻ ăn quá nhiều đạm, nấu một nồi đủ bốn nhóm chất nhưng cho trẻ ăn trong cả ngày hay cho rau củ, trái cây, thức ăn vào ngăn đá để cả tuần mới cho trẻ ăn nên không còn chất nữa…

Bác sĩ Hoa khuyên các bà mẹ cần đưa trẻ đi đo cân nặng, chiều cao hằng tháng. Nếu trẻ không đủ cân nặng, chiều cao nên đưa trẻ đến chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn. Đừng để lâu vì khi trẻ đã qua 2 tuổi mới đến thì bác sĩ dinh dưỡng cũng khó can thiệp. Chiều cao cần tích luỹ từng chút một, chứ không như cân nặng nên phải can thiệp sớm.

Đề án nâng cao tầm vóc người Việt mãi trên giấy

Đề án phát triển tổng thể thể lực, tầm vóc người Việt giai đoạn 2011 – 2030 được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành năm 2011, trong đó bao gồm 4 chương trình thành phần được giao cho Bộ Y tế chủ trì 2 chương trình và 2 chương trình do Bộ Văn hoá – thể thao và du lịch chủ trì.

Là một đề án quy mô, cho đến nay đã có 54/63 tỉnh thành có ban chỉ đạo thực hiện đề án tại địa phương và mục tiêu chính của đề án nâng thể lực, tầm vóc người Việt. Tuy nhiên do thiếu kinh phí, hầu như các hoạt động nằm trong nội dung của đề án vẫn chưa được triển khai, kinh phí được cấp để triển khai đề án mới đủ duy trì các hoạt động văn phòng, điều phối.

Tại cuộc họp gần nhất vào tháng 7-2016 của ban điều phối đề án, lãnh đạo các bộ chủ trì thực hiện đề án đã yêu cầu “sớm hoàn thiện nhân sự ban điều phối tại T.Ư và địa phương” trong khi đề án đã đi được gần 5 năm.

LAN ANH – THUỲ DƯƠNG