23/01/2025

Cơ hội nào cho thí sinh có điểm ngoại ngữ cao?

Qua thống kê số liệu kết quả thi THPT quốc gia 2016, thí sinh ở các TP lớn có điểm thi môn ngoại ngữ cao hơn mức bình quân chung của cả nước.

 

Cơ hội nào cho thí sinh có điểm ngoại ngữ cao?

 

Qua thống kê số liệu kết quả thi THPT quốc gia 2016, thí sinh ở các TP lớn có điểm thi môn ngoại ngữ cao hơn mức bình quân chung của cả nước. 

 

 

 

 

Cơ hội nào cho thí sinh có điểm ngoại ngữ cao?
Đông đảo thí sinh và phụ huynh đến nộp hồ sơ xét tuyển tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM vào đầu tháng 8-2016 – Ảnh: NHƯ HÙNG

Phải chăng đây là lợi thế khi đăng ký xét tuyển vào các ngành có ngoại ngữ là một môn trong tổ hợp ba môn xét tuyển?

Trong kỳ thi THPT quốc gia hai năm liên tiếp vừa qua, điểm trung bình của môn ngoại ngữ luôn thấp nhất trong tám môn được tổ chức thi. Thế nhưng, điểm trung bình môn ngoại ngữ năm 2016 (3,43) lại còn thấp hơn cả năm 2015 (3,50), và số thí sinh (TS) đạt mức điểm trên trung bình cũng thấp hơn (16% so với 22,7%).

Từ đó đưa đến hệ quả là điểm trung bình của những tổ hợp môn xét tuyển có môn ngoại ngữ cũng thấp nhất (khối A: 17,33; khối B: 16,20; khối C: 15,51; khối A1: 15,22; khối D: 13,77). Chính trong bối cảnh chung đó, các TS có điểm thi môn ngoại ngữ cao tưởng chừng như có lợi thế hơn.

Lợi thế cho thí sinh 
có điểm ngoại ngữ cao?

Trên bình diện cả nước, nếu xem các TS có mức tổng điểm ba môn thi trong tổ hợp môn xét tuyển từ 20 điểm trở lên là có khả năng trúng tuyển cao nhất (khối A: 68.430 TS; khối B: 22.436 TS; khối C: 14.853 TS; khối A1 28.858 TS; khối D: 27.852 TS), thì số lượng TS điểm cao của khối A chiếm phần lớn. Tuy nhiên, số TS điểm trên 20 của khối A1 và khối D vẫn nhiều hơn các khối B và C.

Điều này có nghĩa là mức độ cạnh tranh trúng tuyển ở các ngành khối A1 và D, nhất là các ngành, các trường thu hút TS cũng không kém đi so với các tổ hợp môn xét tuyển khác.

Việc điểm bình quân môn thi ngoại ngữ thấp (3,43), nhưng số lượng TS có điểm thi môn ngoại ngữ cao vẫn nhiều là do môn ngoại ngữ là môn thi bắt buộc để xét tốt nghiệp cho các học sinh đang học lớp 12. Cả nước có khoảng 474.000 học sinh thi môn ngoại ngữ, nhưng số TS đạt từ 7 điểm trở lên chiếm tỉ lệ rất ít (5,2%) so với các môn thi khác.

Hơn thế nữa, số học sinh đạt điểm cao ở môn ngoại ngữ phần nhiều lại chỉ tập trung ở các TP lớn, nói chung là các TP trực thuộc trung ương, thuộc khu vực 3 trong ưu tiên tuyển sinh theo khu vực (tức là không được ưu tiên).

Riêng Hà Nội và TP.HCM chiếm gần 50% số học sinh có điểm thi ngoại ngữ từ 7 điểm trở lên của cả nước. Vì vậy, cạnh tranh trúng tuyển vào các ngành xét tuyển theo khối thi truyền thống A1 và D thật ra là cuộc chơi của các TS ở các TP lớn.

Từ năm 2015, phần lớn các ngành ở các trường ĐH đều xét tuyển theo nhiều tổ hợp môn, tối đa là bốn tổ hợp. Ở năm 2015, điểm chuẩn trúng tuyển của cùng một ngành được công bố khác nhau cho các tổ hợp môn, thậm chí có khi chênh lệch đến 2-3 điểm.

Trong kỳ tuyển sinh 2016 này, nhiều trường đã quy định ngay từ đầu sẽ xét tuyển vào các ngành một cách bình đẳng giữa các tổ hợp, điểm chuẩn trúng tuyển bằng nhau cho tất cả các tổ hợp môn xét tuyển (tức là điểm chênh lệch giữa các tổ hợp khi xét tuyển bằng 0).

Một số ít trường cho phép có chênh lệch giữa các tổ hợp môn xét tuyển, nhưng không quá 1 hoặc tối đa 2 điểm và một số trường sẽ xác định điểm chuẩn trúng tuyển của các tổ hợp môn khác nhau của một ngành, theo chỉ tiêu phân cho từng tổ hợp môn.

Với những cách xét tuyển và xác định điểm chuẩn trúng tuyển như vậy, TS có điểm thi ngoại ngữ cao khi xét tuyển theo khối thi truyền thống A1 và D không có lợi thế gì nhiều so với các khối thi khác.

Do vậy, khi đăng ký xét tuyển vào một ngành xét tuyển theo nhiều tổ hợp môn, lời khuyên “dùng tổ hợp môn nào mà TS có điểm cao nhất để đăng ký xét tuyển” là hợp lý. Chỉ trong trường hợp ở một số ngành xét tuyển có nhân hệ số môn ngoại ngữ thì khi đó TS có điểm thi môn ngoại ngữ cao mới thực sự có ưu thế hơn các TS khác.

Cơ hội nào cho thí sinh có điểm ngoại ngữ cao?
TS Nguyễn Đức Nghĩa – Ảnh: NHƯ HÙNG

Dù có môn ngoại ngữ, mức độ cạnh tranh 
trúng tuyển vẫn cao

Bên cạnh các môn bắt buộc khác là toán và văn, ngoại ngữ (tiếng Anh) cũng là môn rất phổ biến trong các tổ hợp môn dùng để xét tuyển TS vào các ngành tuyển sinh. Ở nhiều trường có đến 90%, thậm chí một số trường có 100% ngành tuyển sinh có môn tiếng Anh là một trong ba môn xét tuyển của các ngành.

Ngay cả các trường ĐH ở “vùng trũng ngoại ngữ” (khu vực TS có điểm thi môn ngoại ngữ thấp), tỉ lệ số ngành tuyển sinh có xét tuyển môn ngoại ngữ cũng bắt đầu được nâng lên nhiều hơn (Trường ĐH Tây Nguyên 18/34 ngành, Trường ĐH Tây Bắc 12/21 ngành…).

Kết quả của kỳ thi THPT quốc gia 2016 cho thấy số lượt TS có đủ môn thi khối D trên mức điểm sàn xét tuyển cao hơn số lượt TS khối A và nếu tính chung cả khối A1, số lượt TS có môn thi ngoại ngữ đủ điều kiện đăng ký xét tuyển ĐH năm 2016 đã gấp đôi số lượt TS khối A (số lượt TS đạt mức điểm ngưỡng xét tuyển từ 15 điểm khối A – 195.647; khối A1 – 180.373; khối D – 210.246).

Rõ ràng là số ngành xét tuyển dùng môn ngoại ngữ trong tổ hợp xét tuyển mỗi năm mỗi tăng, nhưng số lượng TS cũng tăng nhanh và nhiều nên cạnh tranh trong xét tuyển theo khối A1 và D vẫn ở mức độ cao.

TS NGUYỄN ĐỨC NGHĨA (ĐH Quốc gia TP.HCM)