23/01/2025

‘Tồn’ hàng tỉ nữ trang chất lượng kém

Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vàng nữ trang đang lo lắng khi các cơ quan chức năng đồng loạt kiểm tra chất lượng vàng. Nhiều vụ việc vàng kém chất lượng được phát hiện trong đợt tổng rà soát này.

 

‘Tồn’ hàng tỉ nữ trang chất lượng kém

Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vàng nữ trang đang lo lắng khi các cơ quan chức năng đồng loạt kiểm tra chất lượng vàng. Nhiều vụ việc vàng kém chất lượng được phát hiện trong đợt tổng rà soát này.


 


Vàng nữ trang kém chất lượng còn lưu thông trên thị trường
 /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch

 

Vàng nữ trang kém chất lượng còn lưu thông trên thị trườngẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH


Sau khi phát hiện 432/1.718 cơ sở vàng nữ trang, mỹ nghệ vi phạm trong năm 2015, Bộ KH-CN đã lên kế hoạch trong 3 tháng (từ tháng 7 đến tháng 9) sẽ tiến hành thanh tra các doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh vàng trên toàn quốc việc chấp hành đo lường trong kinh doanh vàng; về tiêu chuẩn và nhãn hàng hóa trong sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ.
70 – 90% doanh nghiệp vi phạm


Theo Sở KH-CN TP.HCM, khi sử dụng vật liệu hàn không phải là hợp kim vàng hoặc thay thế bằng keo dán, DN phải công bố rõ bao gồm cả lượng vật liệu sử dụng để gắn kết nếu làm ảnh hưởng đến khối lượng của sản phẩm lớn hơn sai số lớn nhất cho phép theo quy định. Tuỳ theo từng hành vi vi phạm, cơ quan chức năng xử lý phạt từ 10 – 100 triệu đồng, riêng đối với hành vi vi phạm về chất lượng hàng hoá lưu thông trên thị trường, mức phạt tiền tối đa là 3 lần tổng giá trị sản phẩm, hàng hóa vi phạm.

Trong tháng đầu tiên, Sở KH-CN TP.HCM đã thực hiện thanh tra 31 DN sản xuất kinh doanh vàng nữ trang, mỹ nghệ trên địa bàn. Kết quả, trong 10 mẫu đã có kết quả thử nghiệm thì 4 mẫu có chất lượng không phù hợp tiêu chuẩn công bố. Cụ thể, sản phẩm ghi chất lượng vàng là 18 K (75% hàm lượng vàng) nhưng thực tế tuổi vàng chỉ đạt 68%. Có 24/31 DN vi phạm về nhãn hàng hoá (không ghi tên và địa chỉ đơn vị chịu trách nhiệm về hàng h, không đóng mã ký hiệu lên sản phẩm, ghi khối lượng vàng và đơn vị đo khối lượng không đúng theo quy định). 6 DN vi phạm quy định sử dụng phương tiện đo. 3 DN vi phạm quy định về đo lường (trọng lượng hàng hóa sai lệch vượt quá giới hạn sai số cho phép). 4 DN vi phạm về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường (bán hàng hóa có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố). 2 DN vi phạm về công bố tiêu chuẩn. Thanh tra sở đã ra quyết định xử phạt 8 DN số tiền hơn 106 triệu đồng.

Trước đó, vào đầu tháng 5 đến giữa tháng 6, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Sở KH-CN Đồng Nai đã kiểm tra 50 DN kinh doanh vàng và phát hiện 47 DN vi phạm chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ. Nhiều cơ sở bán vàng 23 K, hàm lượng vàng công bố là 98% nhưng kết quả kiểm định chỉ đạt 93,5%. Sản phẩm công bố vàng 18 K (hàm lượng vàng 75%) nhưng qua kiểm tra chỉ đạt 65 – 73%. Sở KH-CN Đồng Nai đã ra quyết định xử phạt các DN gần 1,2 tỉ đồng.
Hiệp hội Kinh doanh vàng VN nhận xét, tình trạng gian lận tuổi vàng, thiết bị cân đo không đạt chuẩn vẫn còn khá phổ biến. Đó là lý do vàng trang sức, mỹ nghệ rất khó lưu thông từ tỉnh, thành này sang tỉnh, thành khác. Thậm chí từ cửa hàng này sang cửa hàng khác cũng khó thanh khoản vì việc đánh giá chất lượng vàng vẫn chưa thực sự đồng nhất. Chẳng hạn, một sản phẩm vàng trang sức tại TP.Cần Thơ được kiểm định có hàm lượng vàng là 65%, nhưng về tỉnh Bình Dương kiểm định còn 63% và thậm chí đến TP.HCM chỉ còn 61%.
Với kết quả vàng kém chất lượng như trên, có từ 70 – 90% DN vi phạm về đo lường chất lượng vàng và người tiêu dùng bị “móc túi” số tiền không nhỏ từ vàng “non tuổi”.
Chẳng hạn như ngày 4.8, giá bán vàng nữ trang hàm lượng 75% là 27,9 triệu đồng/lượng, giá vàng 68% là 24,6 triệu đồng/lượng, chênh lệch của 2 loại vàng này là 3,3 triệu đồng/lượng. Trường hợp hàm lượng sản phẩm nữ trang vàng chỉ 68% nhưng lại bán giá 75%, người tiêu dùng chịu thiệt 3,3 triệu đồng/lượng.
Vàng cũ kém chất lượng
Theo Sở KH-CN TP.HCM, các trường hợp vi phạm chủ yếu tập trung ở những DN mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ. Các DN này thường mua lại và tiếp tục bán các sản phẩm đã được sản xuất từ trước khi các quy định về quản lý hoạt động vàng có hiệu lực giữa năm 2014. Số liệu của Hội Kim hoàn TP.HCM cho thấy, chỉ tính riêng trong năm 2012 cả nước tiêu thụ 77 tấn vàng trang sức và vàng miếng.
Thực tế, trước thời điểm tháng 6.2014, có hàng trăm triệu đến hàng tỉ sản phẩm nữ trang được sản xuất ra trên thị trường, trong khi các quy định lập lại thị trường nữ trang chỉ mới áp dụng 2 năm gần đây nên không tránh khỏi một lượng lớn sản phẩm kém chất lượng vẫn đang lưu thông. Một giám đốc DN chuyên bán sỉ vàng nữ trang tại TP.HCM cho biết từ nhiều tháng nay, các cơ quan ban ngành kiểm tra ráo riết khiến các đối tác đã mua trước đó ùn ùn đến đổi lại sản phẩm nữ trang làm đúng chất lượng. Theo giải thích của chủ DN này, với phương thức kinh doanh trước đây, các DN cạnh tranh nhau bằng cách giảm giá gia công, cộng thêm phần hao hụt vàng trong quá trình sản xuất, tất cả chi phí này được đẩy vào việc giảm chất lượng vàng để bù đắp. Chính vì vậy giờ họ phải “ngậm đắng” thu gom lại số vàng đã sản xuất trước đó.
Để giải quyết lượng vàng trang sức cũ đang lưu thông trên thị trường, Sở KH-CN TP.HCM cho hay các DN mua, bán vàng trang sức vẫn còn tình trạng sản phẩm được ghi nhãn hàm lượng vàng trên sản phẩm ở mức 610, 650, 680, 980, 990 nhưng khắc trên sản phẩm lại là 18 K (750) hay 24 K (999), dễ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Thường đây là các sản phẩm cũ, DN mua lại từ khách hàng hoặc còn tồn từ trước thời điểm giữa năm 2014. Đối với trường hợp này, các DN phải gửi lại cho nhà sản xuất để tái chế; yêu cầu DN sản xuất cung cấp bản sao tiêu chuẩn công bố áp dụng để DN lưu giữ và xuất trình khi cần thiết; không tự ý in lại nhãn hàng hóa… Đối với các DN sản xuất, cần lưu ý hàm lượng vàng trong sản phẩm không được thấp hơn giá trị hàm lượng vàng đã công bố, ví dụ vàng trang sức 21,5 K thì xếp vào loại vàng 21 K. Trong trường hợp DN dùng vật liệu hàn bằng hợp kim vàng, vật liệu này phải có độ tinh khiết tối thiểu tương đương với hạng được công bố của sản phẩm vàng.

 

Thanh Xuân