23/01/2025

Quầy hàng miễn phí, người nghèo lấy thoải mái

“Ai thừa đến ủng hộ, ai thiếu đến lấy ”là câu được viết trên bảng treo ở quầy hàng cũ miễn phí tại địa chỉ 60 Nguyễn Tri Phương, P.An Khánh, Q.Ninh Kiều (TP.Cần Thơ), nơi người nghèo có thể đến chọn cho mình những bộ đồ còn tốt mà không tốn tiền.

 

Quầy hàng miễn phí, người nghèo lấy thoải mái

“Ai thừa đến ủng hộ, ai thiếu đến lấy ”là câu được viết trên bảng treo ở quầy hàng cũ miễn phí tại địa chỉ 60 Nguyễn Tri Phương, P.An Khánh, Q.Ninh Kiều (TP.Cần Thơ), nơi người nghèo có thể đến chọn cho mình những bộ đồ còn tốt mà không tốn tiền.




Anh Phương nhận quần áo và giỏ cũ từ chị Mai  /// Ảnh: Đình Tuyển

Anh Phương nhận quần áo và giỏ cũ từ chị MaiẢNH: ĐÌNH TUYỂN


Cho và nhận đều vui
Chủ quầy hàng ý nghĩa này là anh Nguyễn Thành Phương (35 tuổi). Một tuần nay, lúc nào anh cũng bận túi bụi vì phải điều hành quầy hàng “nhận và cho” ngay tại nhà mình. Mỗi ngày, số người cho cứ tăng lên và số người nhận cũng nhiều hơn.
Đồ ở quầy hầu hết là quần áo cũ các loại, một ít giày dép, tập vở, sách giáo khoa đã qua sử dụng… được các nhà hảo tâm ủng hộ.
Người đến quầy hàng mỗi lúc một đông. Chủ sạp đồ dù “công cốc” nhưng cũng tất bật, mướt mồ hôi khi gấp đồ, phân loại, treo máng đồ. Chị Nguyễn Thu Thuỷ, thuộc diện nghèo ở P.An Khánh (Q.Ninh Kiều) dẫn 2 đứa con lại lựa đồ cho biết: “Vợ chồng tôi buôn bán dừa tươi để lo bữa cơm hằng ngày nên chỉ có dịp tết mới mua đồ cho con, còn hai vợ chồng thì quanh năm mặc đồ “sida”. Bây giờ có chỗ cho đồ vậy đỡ cho tui quá”.
Anh Phương cho biết, ý tưởng mở quầy hàng cũ miễn phí được anh ấp ủ từ lâu, khi xem bài báo viết về hai mẹ con ở Canada gom áo ấm cũ cho người vô gia cư.
“Tôi đã nghĩ đến những người nghèo như bán vé số, hàng rong, ve chai… họ không có điều kiện mua đồ tốt để dùng, trong khi những gia đình khá hơn thì thường xuyên bỏ đi những thứ còn tốt. Cho đến khi thấy bạn bè trên Facebook chia sẻ một mô hình tương tự ở tỉnh Quảng Ngãi với cách thức hoạt động đơn giản, chỉ cần chỗ để đồ là đủ, tôi đã mở quầy hàng tại nhà mình”, anh Phương kể.
Tình thương lan toả
Ngay sau khi đi vào hoạt động và được chia sẻ trên mạng xã hội, quầy hàng của anh Phương đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ không chỉ của người dân Cần Thơ mà còn ở địa phương khác như Cà Mau, TP.HCM.
Chị Mai, ở Q.Ninh Kiều đem đến quầy anh Phương 2 bọc quần áo nói: “Trước đây tôi cũng hay đem quần áo cũ gửi chùa cho người nghèo nhưng thật sự là không biết có phù hợp và người ta có sử dụng được không. Còn ở quầy hàng này, thật tiện lợi, người cần có thể chọn những gì phù hợp và dùng được”. Những bọc đồ được ủng hộ ở quầy hàng của anh Phương tuy đã qua sử dụng nhưng hầu hết đều đã được chọn lọc và còn sử dụng được.
Mỗi người đến quầy chọn đồ là một cảnh ngộ riêng. Bà Nguyễn Thị Quy (70 tuổi, ngụ P.An Khánh) cứ tủm tỉm cười khi chọn được cho mình chiếc áo dài màu tím sen. Bà nói: “Cả đời tôi chưa bao giờ có được cái áo dài nào. Bữa nay thì tôi có rồi”. Chồng bà Quy năm nay đã 80 tuổi, hai vợ chồng không có con, hiện sống bằng nghề bán vé số. “Tuổi già như vợ chồng tôi bán vé số bao nhiêu cũng không đủ lo thuốc men thì tiền đâu mà mua quần áo. Có chỗ cho đồ mà lại còn được chọn lựa thoải mái thế này thì còn gì bằng”, bà Quy xúc động.
“Tiếng lành đồn xa”, mới hoạt động được một tuần nay nhưng quầy hàng của anh Phương đã có khách ở tỉnh khác đến. Vợ chồng ông Trần Bá Tuế (56 tuổi, ngụ H.Trà Ôn, Vĩnh Long) đã chạy xe hơn 30 km qua để xin quần áo sau khi được người quen giới thiệu. “Tôi mần ruộng còn vợ thì bán vé số, cuộc sống khổ lắm. Nghe nói có chỗ cho đồ tôi mừng quá, qua xin vài bộ cho cả nhà xài”, ông Tuế nói.
Theo anh Phương, trước hiệu quả thiết thực từ quầy hàng miễn phí, anh đã nhận được rất nhiều ủng hộ của bạn bè. Đặc biệt là có nhiều người hứa sẽ hỗ trợ mở thêm những quầy hàng miễn phí khác ở những nơi người thiếu thốn và người có điều kiện cho có thể biết đến nhiều hơn.
“Có người hỏi tôi xin copy bản quyền mô hình này, tôi la trời vì làm từ thiện mà copy với bản quyền cái gì. Càng nhiều người làm thì càng tốt cho người nghèo”, anh Phương nói.

 

Đình Tuyển