24/01/2025

Nhiều sai sót khi đăng ký xét tuyển

Ngày thứ 2 nộp hồ sơ xét tuyển, thí sinh vẫn còn bối rối dẫn đến nhiều sai sót khi đăng ký. Trong khi đó, các trường không biết xử lý ra sao vì theo quy định thí sinh không được rút hồ sơ để làm lại.

 

Nhiều sai sót khi đăng ký xét tuyển

Ngày thứ 2 nộp hồ sơ xét tuyển, thí sinh vẫn còn bối rối dẫn đến nhiều sai sót khi đăng ký. Trong khi đó, các trường không biết xử lý ra sao vì theo quy định thí sinh không được rút hồ sơ để làm lại.




Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển sáng 2.8 ///  Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển sáng 2.8ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH


Ngày thứ 2 nộp hồ sơ xét tuyển, thí sinh vẫn còn bối rối dẫn đến nhiều sai sót khi đăng ký. Trong khi đó, các trường không biết xử lý ra sao vì theo quy định thí sinh không được rút hồ sơ để làm lại.

 

Ghi thông tin sai
Theo các cán bộ tuyển sinh ở các trường ĐH, nhiều thí sinh (TS) khi nộp phiếu đăng ký xét tuyển trực tiếp tại trường đã ghi thông tin sai khiến việc nhập dữ liệu lên hệ thống chung của các trường gặp nhiều khó khăn.
Một cán bộ tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải (Hà Nội) chia sẻ: “Khi đăng ký vào nhóm GX (gồm 12 trường ĐH: Bách khoa Hà Nội, Kinh tế quốc dân, Xây dựng, Ngoại thương, Thuỷ lợi, Giao thông vận tải, Mỏ – Địa chất, Công nghiệp Hà Nội, Công nghệ giao thông vận tải, Thăng Long, Học viện Chính sách và phát triển, Học viện Ngân hàng), phiếu đăng ký xét tuyển của TS bao gồm thông tin nguyện vọng vào nhiều trường, một số trường hợp ghi sai mã ngành. Cán bộ nhập dữ liệu không tài nào “luận” ra TS muốn đăng ký ngành nào. Hiện chúng tôi đang tồn một số hồ sơ chưa nhập được dữ liệu lên hệ thống. Trường đang tập hợp rồi báo cáo Bộ, xin phương án giải quyết”.
Trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng gặp một số tình huống tương tự. Có những sai sót rất nhỏ, như có ngành chỉ tuyển tổ hợp khối D trong khi TS lại ghi là khối A. Trong nhóm GX có hơn 200 mã ngành của 12 trường nên để tránh sai sót, với mỗi lượt TS đăng ký, cán bộ tuyển sinh của trường phải tiếp khá lâu.
“Nhiều TS đăng ký trực tuyến rồi nhưng vẫn đến trường đăng ký trực tiếp, vì thế cán bộ tuyển sinh phải hỏi để xác định được việc này. Để sai sót xảy ra ở mức thấp nhất, chúng tôi đã phải soạn sẵn một tờ cẩm nang rút gọn hướng dẫn kiểm tra thông tin trước khi nhập dữ liệu cho TS. Cán bộ nào khi nhận hồ sơ của TS cũng phải thực hiện đúng quy trình hỏi này”, ông Lê Việt Thuỷ, Phó trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết.
Lưu ý khi xét tuyển nhóm
Ông Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cảnh báo hiện tượng TS chọn và ghi mã ngành vào các trường nhóm GX thì căn cứ vào các tài liệu cũ nên ghi sai. Để có thông tin chính xác mã ngành của các trường, TS cần theo đúng công bố tại trang chính thức của nhóm GX tại địa chỉ http://tsgx.vn. Nếu TS dùng mã ngành không đúng do lấy mã ngành từ các nguồn tài liệu cũ thì các trường sẽ không thể nhập dữ liệu nguyện vọng đăng ký vào hệ thống.
Một cán bộ tuyển sinh Trường ĐH Thủy lợi khuyên nếu TS nộp hồ sơ trực tiếp vào một trường trong nhóm GX và một trường ngoài nhóm GX, thì phải nộp ở 2 trường: đến một trường bất kỳ trong nhóm GX để nộp hồ sơ đăng ký vào trường nhóm (theo mẫu nhóm GX ban hành) và đến trường ngoài để nộp hồ sơ (theo mẫu mà Bộ GD-ĐT ban hành). “Trường nhóm GX chỉ nhận được hồ sơ cho các trường trong nhóm chứ không được phép nhận hồ sơ cho trường ngoài nhóm”, vị cán bộ này nói.
Không cần thiết đăng ký nhiều “kênh”

Anh Văn Anh cùng con mình ở Hội An (Quảng Nam) đến Ban Đào tạo ĐH Đà Nẵng nhờ tư vấn. “Đây là cơ hội lớn của con nên mình phải kỹ. Sau khi nghe các thầy tư vấn việc điền thông tin vào trong hồ sơ, tôi mới thấy yên tâm. Tuy nhiên, ngoài việc nộp hồ sơ đăng ký qua đường bưu điện, tôi sẽ đăng ký thêm trực tuyến cho chắc chắn”, anh Anh nói. Rất nhiều TS, phụ huynh ở Quảng Nam, Quảng Ngãi… cũng cho biết sẽ làm theo cách này để cho chắc chắn, hồ sơ không thất lạc.
Tiến sĩ Trần Đình Khôi Quốc, Trưởng ban Đào tạo ĐH Đà Nẵng, cho biết: “Mỗi khi TS đăng ký dù là trực tuyến hay bưu điện, cũng chỉ có một mã đăng ký xét tuyển và chỉ một cách thức đăng ký được chấp nhận. Chưa tính đến việc nếu nguyện vọng chọn ngành của 2 hồ sơ không trùng khớp thì sẽ rất phức tạp và khó để xử lý”.
Về vấn đề này, ông Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, khuyên: “Hệ thống đăng ký xét tuyển của Bộ chỉ chấp nhận phiếu được nhập vào đầu tiên. Do đó, TS có thể mất nguyện vọng mà mình thực sự mong muốn trong trường hợp trường A nhập dữ liệu trước nên trường B không thể nhập được dữ liệu đăng ký của TS. Các em chỉ nên chọn một cách duy nhất để nộp một phiếu đăng ký xét tuyển”.
Diệu Hiền – Quý Hiên

Khóc vì đăng ký trực tuyến nhầm

Hôm qua, một số TS khóc oà vì lỡ tay đăng ký nhầm vào phần mềm xét tuyển trực tuyến của Bộ GD-ĐT.
Tại Trường ĐH Hoa Sen, một TS được 16,5 điểm, đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành kinh doanh quốc tế. Tuy nhiên, thay vì nhập mã ngành bậc ĐH, TS này lại nhập bậc CĐ. TS khóc tức tưởi ngay giữa khu vực nhận hồ sơ của trường vì đây là ngành mà TS yêu thích.
Nhiều TS khác dù ở xa cũng phải đến tận các trường ĐH để nộp hồ sơ trực tiếp vì mất mã đăng nhập để xét tuyển trực tuyến. Ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Bộ GD-ĐT, cho biết một số TS phản ánh đang đăng nhập hệ thống bị “văng” ra. Những TS này không biết đã nhập thông tin chính xác chưa. Trả lời về các trường hợp bị nhầm khi đăng ký trực tuyến, ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT, khẳng định nếu nhập sai trên hệ thống, TS sẽ không thể chỉnh sửa bằng bất kỳ hình thức nào.
Tính hết chiều qua, số hồ sơ đăng ký xét tuyển TS nộp về các trường ĐH đã lên tới cả ngàn bộ. Tuy nhiên, một vấn đề khó khăn là trường không có được dữ liệu về những TS đăng ký xét tuyển trực tuyến vào trường trên cổng thông tin của Bộ. Theo đại diện một trường ĐH tại TP.HCM, trong ngày đầu tiên trường có thể truy cập hệ thống để biết chi tiết tình hình TS đăng ký xét tuyển vào trường. Tuy nhiên đến 9 giờ sáng 2.8, hệ thống đã khoá lại và trường chỉ biết được tổng số TS đăng ký vào trường bằng hệ thống này.
Đăng Nguyên – Hà Ánh

Quý Hiên