24/01/2025

‘Bom’ thực phẩm nhiễm chì: Nguy cơ sản phẩm nhiễm độc quay lại thị trường

Đó là lo ngại của rất nhiều người khi quy trình giám sát thu hồi và tiêu hủy thực phẩm bẩn nói chung và những chai nước ngọt nhiễm chì nói riêng còn nhiều lỗ hổng.

 

‘Bom’ thực phẩm nhiễm chì: Nguy cơ sản phẩm nhiễm độc quay lại thị trường

 

Đó là lo ngại của rất nhiều người khi quy trình giám sát thu hồi và tiêu hủy thực phẩm bẩn nói chung và những chai nước ngọt nhiễm chì nói riêng còn nhiều lỗ hổng.




Người tiêu dùng vẫn lo ngại sản phẩm nhiễm độc quay lại thị trườngẢNH: Đ.N.T


Tù mù thông tin
Một quy trình cơ bản trong xử lý thực phẩm, nước giải khát bị phát hiện vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm thường qua các bước: kiểm tra, phát hiện, niêm phong, lấy mẫu xét nghiệm, xác định lỗi, công bố kết quả, thu hồi, xử lý… Chẳng hạn, sau khi công bố kết quả thanh kiểm tra, ngày 31.5, với sự chứng kiến của Thanh tra Bộ Y tế và Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an), 2 lô hàng nước C2 và Rồng Đỏ bị nhiễm chì với số lượng trên 10 tấn được giao cơ sở xử lý chất thải của Công ty cổ phần đầu tư phát triển công nghiệp và môi trường VN (KCN Tân Quang, Văn Lâm, Hưng Yên) tiêu huỷ. Thông tin công bố cũng cho thấy theo quy trình tiêu hủy, sản phẩm được tách vỏ và nước riêng biệt. Vỏ chai sau khi tách riêng sẽ được làm sạch đạt tiêu chuẩn rồi tái chế. Phần nước được xử lý tại trạm xử lý nước thải lỏng theo quy định về môi trường.
 
 
'Bom' thực phẩm nhiễm chì: Nguy cơ sản phẩm nhiễm độc quay lại thị trường - ảnh 1
Cần có cơ quan độc lập để giám sát việc xử lý, tiêu huỷ, cơ quan đó không liên quan đến quyền lợi của nhà sản xuất, nhà quản lý nhằm đảm bảo rằng sản phẩm đó không quay ngược trở lại người tiêu dùng

'Bom' thực phẩm nhiễm chì: Nguy cơ sản phẩm nhiễm độc quay lại thị trường - ảnh 2
 
TS-BS Trần Văn Ký, Hội Khoa học an toàn thực phẩm
 

Tuy nhiên, chuyên gia hóa thực phẩm Phạm Minh Duy đặt vấn đề: “Tôi không tin mọi lô hàng bị phát hiện sai phạm đều bị tiêu huỷ 100%. Là người tiêu dùng, tôi hoàn toàn có quyền nghi ngờ rằng, nó có thể còn tồn tại bằng một con đường nào đó. Bởi nếu tiêu hủy, chắc chắn công ty vi phạm sẽ đưa tin vấn đề này rất rùm beng, thậm chí là cách để quảng bá lấy lại lòng tin cho người tiêu dùng. Nhưng ở đây thì thông tin về quá trình tiêu hủy rất hiếm hoi”. Đồng quan điểm này, chuyên gia kinh tế – TS Ngô Trí Long cũng thừa nhận rằng bản thân ông thật sự chưa biết việc tiêu huỷ các loại nước uống bằng cách nào. Ví dụ, đối với các thực phẩm rắn sau khi thu hồi, thường sẽ được chôn lấp và phủ chất hóa học để tiêu huỷ hoặc một số loại sản phẩm khác sẽ bị đốt… Còn đối với những chai nước ngọt bị nhiễm độc chì, thì việc xử lý chất nước nếu không tốt sẽ càng gây nguy lại hơn cho môi trường. Riêng vỏ chai nếu được xử lý rồi tái chế cần phải được giám sát, kiểm tra chặt bởi có thể vẫn còn là nguồn lây nhiễm nguy hại cho người dùng. TS Ngô Trí Long phân tích thêm: Thông thường, sau khi có quyết định thanh kiểm tra phát hiện thực phẩm nhiễm chì, thì vấn đề xử lý gồm thu hồi và tiêu huỷ rất quan trọng. Đối với mỗi sản phẩm khác nhau thì cách thức xử lý cũng khác. Vì vậy cần phải lập hội đồng giám sát thực hiện, gồm những ai, ở các đơn vị nào và phải được công bố công khai. “Nhưng dường như việc quy định giám sát, xử lý thực phẩm mất an toàn chưa được quy định rõ. Ví dụ việc tiêu hủy chôn lấp hay xử lý nước nhiễm chất độc không đúng chuẩn, gây ô nhiễm môi trường thì ai sẽ chịu trách nhiệm? Làm không quyết liệt thì các sản phẩm này có thể lại theo một con đường nào đó quay lại thị trường mà bản thân người tiêu dùng hoàn toàn không biết. Vì vậy, việc công bố rõ ràng thông tin từng khâu thực hiện cho người tiêu dùng biết và yên tâm là cần thiết”, TS Ngô Trí Long nói.

Quy trình chưa rõ
Giải thích về quy trình giám sát, tiêu hủy thực phẩm mất an toàn, lãnh đạo Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an TP.HCM cũng cho biết tuỳ từng trường hợp sai phạm mà có sự tham gia của cảnh sát môi trường hay không. Chẳng hạn, nếu vụ việc do cơ quan cảnh sát môi trường phát hiện, chính đơn vị này sẽ tham gia niêm phong, lấy mẫu xét nghiệm, công bố và giám sát tiêu huỷ. Còn những vụ việc do doanh nghiệp báo cáo và tiêu huỷ hoặc do đơn vị quản lý khác phát hiện thì cảnh sát môi trường không tham gia giám sát. Chính doanh nghiệp tiêu hủy và đưa lại báo cáo cho các đơn vị quản lý.
Theo một chuyên gia trong ngành hóa thực phẩm, thực tế quy trình tiêu huỷ còn có quá nhiều lỗ hổng. Đã có trường hợp ông chứng kiến, hàng hết hạn sử dụng, lẽ ra phải tiêu huỷ 100% song doanh nghiệp đã “đi đêm” với đơn vị tiêu huỷ và thay vì tiêu hủy cả 10 lô hàng thì chỉ thực hiện tiêu huỷ 1 lô. Việc tiêu huỷ cũng có đầy đủ băng hình ghi lại nhưng 9 lô hàng khác thì được đưa trở lại kho và dán hạn sử dụng mới rồi đưa ra tiêu thụ.
TS-BS Trần Văn Ký, Hội Khoa học an toàn thực phẩm, cũng nhận định: Quy trình tiêu hủy và giám sát loại nước uống nhiễm chì hiện chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể. Đặc biệt hướng dẫn về xử lý môi trường trong tiêu huỷ, giám sát thế nào, ai giám sát… chưa có quy định rõ ràng mà mỗi nơi làm mỗi cách. Thực tế người tiêu dùng chưa biết việc tiêu huỷ này thực hiện thế nào. Hiện tại, hàng phi thực phẩm nếu sai phạm, việc tiêu huỷ sẽ do cơ quan quản lý môi trường giám sát thực thi. Hàng thực phẩm thường đơn vị quản lý an toàn thực phẩm và quản lý thị trường giám sát là chính song cũng không có quy định nào bắt buộc ai phải tham gia giám sát trong quá trình tiêu huỷ đó.
Giao cho các đơn vị dịch vụ xử lý rác thải thực hiện thường khó kiểm soát hoặc “đầu voi đuôi chuột”. Vì vậy, việc giám sát phải làm chặt chẽ hơn nhằm tránh 2 trường hợp: Sản phẩm đúng ra bị tiêu huỷ, nhưng đơn vị thực hiện tiết kiệm chi phí, chỉ cần đổ thẳng ra môi trường. Trường hợp thứ hai có nguy cơ cao nhất là đưa sản phẩm quay lại người tiêu dùng sau khi thay đổi nhãn mác. Hơn nữa, nước ngọt nhiễm chì thường xử lý tốn kém rất nhiều, nhiều hơn cả tiền mua sản phẩm, nên nguy cơ đổ thẳng ra môi trường để giảm chi phí là rất cao. “Cần có cơ quan độc lập để giám sát việc xử lý, tiêu huỷ, cơ quan đó không liên quan đến quyền lợi của nhà sản xuất, nhà quản lý nhằm đảm bảo rằng sản phẩm đó không quay ngược trở lại người tiêu dùng. Thứ hai, giữa quản lý thực phẩm và môi trường phải thống nhất một quy trình xử lý. Đặc biệt cần nêu rõ quy trình xử lý vào các văn bản luật có liên quan”, TS-BS Trần Văn Ký nhấn mạnh.
Thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn
Theo quy định hiện hành, việc xử lý thực phẩm không đảm bảo an toàn bao gồm 4 hình thức. Đó là khắc phục lỗi của sản phẩm, lỗi ghi nhãn; Thứ hai là chuyển mục đích sử dụng; Thứ ba là tái xuất; Thứ tư là tiêu huỷ. Như vậy việc tiêu huỷ cũng chỉ được quy định chung chung.

 

Mai Phương – Nguyên Nga