27/01/2025

Tranh thủ đi sớm nộp hồ sơ xét tuyển ngày đầu tiên

Hôm qua (1-8) là ngày đầu tiên của đợt 1 đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ, nhưng nhiều trường đã nhận hàng trăm hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh.

 

Tranh thủ đi sớm nộp hồ sơ xét tuyển ngày đầu tiên

 

Hôm qua (1-8) là ngày đầu tiên của đợt 1 đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ, nhưng nhiều trường đã nhận hàng trăm hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh. Một số trường xét tuyển bằng học bạ cũng có rất đông thí sinh đến nộp hồ sơ.

 

 

 

 

Tranh thủ đi sớm nộp hồ sơ xét tuyển ngày đầu tiên
Sinh viên tình nguyện Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) hướng dẫn thí sinh và phụ huynh đăng ký xét tuyển trực tuyến tại trường sáng 1-8 – Ảnh: NHƯ HÙNG

Đáng chú ý, tại các trường ĐH ở TP.HCM, mặc dù theo quy định thí sinh được nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển qua bưu điện, nộp trực tuyến (online) nhưng vẫn có nhiều thí sinh, phụ huynh ở khắp các tỉnh, thành phía Nam đến tận trường để nộp hồ sơ.

TP.HCM: đăng ký cả online, qua bưu điện nhưng vẫn lo

Tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, từ sáng sớm 1-8 đã có rất đông thí sinh và phụ huynh tới nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển. Do nhà trường có sự chuẩn bị khá chu đáo cho khâu tiếp nhận trực tiếp hồ sơ, đăng ký xét tuyển online nên thí sinh làm các thủ tục khá thuận lợi.

Tuy nhiên, khoảng 8g30, do hệ thống máy tính gặp sự cố nên trường đã cho ngừng đăng ký online. Phụ huynh, thí sinh được hướng dẫn lên lầu một để điền phiếu đăng ký trực tiếp. Sau đó, nhà trường đã khắc phục lỗi và thí sinh tiếp tục đăng ký trực tuyến bình thường.

Chỉ trong buổi sáng nhà trường đã nhận được hơn 700 hồ sơ (300 hồ sơ đăng ký online, 400 hồ sơ đăng ký trực tiếp). Đáng chú ý, nhiều thí sinh nộp hồ sơ tại đây không tìm hiểu điểm, thấy trên điểm sàn xét của trường thì cứ nghĩ mình đậu nên nộp hồ sơ ngay.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, hiệu trưởng nhà trường, cho biết thêm: “Rất nhiều phụ huynh và thí sinh đăng ký xét tuyển cả online và nộp qua bưu điện. Mặc dù đã nhận email phản hồi nhưng vẫn lo trường chưa nhận được hồ sơ. Tôi đã xin ý kiến Bộ GD-ĐT cho phép nhà trường công bố danh sách đã nhận hồ sơ lên web hằng ngày (nhưng không kèm điểm và ngành đăng ký), để thí sinh và gia đình yên tâm.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ GD-ĐT trả lời rằng khi thí sinh đăng ký thành công, hay khi trường nhập dữ liệu thí sinh vào hệ thống, thì thí sinh có thể kiểm tra thông tin qua tài khoản đã được cung cấp khi đăng ký dự thi. Nhà trường chỉ được phép email, nhắn tin, điện thoại cho từng thí sinh để xác nhận đã nhận được hồ sơ, không công bố 
danh sách toàn bộ”.

Tại Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, khá đông thí sinh, phụ huynh đến nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển. Đến chiều qua, nhà trường đã nhận được khoảng 450 hồ sơ đăng ký xét tuyển nộp trực tiếp tại trường.

Trường ĐH Tài chính – marketing bố trí hai điểm tiếp nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh tại cơ sở 2C Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình và cơ sở 2/4 Trần Xuân Soạn, P.Tân Thuận Tây, Q.7, TP.HCM. Nhà trường bố trí gần 10 máy tính kết nối mạng Internet, cung cấp WiFi miễn phí để thí sinh đăng ký trực tuyến bằng điện thoại thông minh. Ở mỗi khu vực đăng ký đều có máy in miễn phí phiếu báo đăng ký thành công. Trong ngày đầu tiên nhà trường đã nhận được khoảng 500 hồ sơ.

Tại Trường ĐH Y dược TP.HCM, hôm qua đã tiếp nhận khoảng 100 hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh, phụ huynh đến nộp trực tiếp. Trong số này có nhiều thí sinh điểm khá cao nên tự tin nộp sớm vào ngành y.

Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) đã nhận được 400 hồ sơ đăng ký xét tuyển trực tiếp. Còn Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM) nhận được 
khoảng 200 hồ sơ.

Tuy nhiên, tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM trong sáng qua diễn ra cảnh ùn ứ với rất đông thí sinh, phụ huynh đến nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển trực tiếp. Nhiều thí sinh tỏ ra rất bất ngờ vì cầm hồ sơ giấy đến nộp mới biết trường không nhận hồ sơ giấy, mà chỉ nhận hồ sơ đăng ký qua online.

Trên tầng 1, phụ huynh, thí sinh được yêu cầu tập trung tại hai giảng đường để vào máy tính đăng ký xét tuyển online. Dù đã đến giờ nghỉ trưa nhưng vẫn còn rất đông thí sinh và phụ huynh ngồi chờ để đăng ký xét tuyển online. Trường đã bố trí 16 máy tính để thí sinh đăng ký xét tuyển online, nhưng do lượng thí sinh quá đông nên vẫn không đáp 
ứng được nhu cầu.

TS Nguyễn Thị Minh Hồng, phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Nhà trường đã thông báo chỉ nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển trực tuyến và qua đường bưu điện nhưng thí sinh, phụ huynh vẫn đến nộp trực tiếp. Do thí sinh, phụ huynh đến quá đông, chúng tôi đã hỗ trợ hướng dẫn đăng ký trực tuyến hoặc yêu cầu ra bưu điện gần trường để nộp. Trong ngày đầu, trường đã nhận được 760 hồ sơ đăng ký trực 
tuyến của thí sinh”.

Hà Nội: phát phiếu ĐKXT và tư vấn tại chỗ 
cho thí sinh

Ngay khi bộ phận tuyển sinh Trường ĐH Thủy lợi bắt đầu mở cửa vào 8g sáng, đã có hàng trăm thí sinh và phụ huynh chờ sẵn. Không chỉ có thí sinh tại Hà Nội, nhiều thí sinh và phụ huynh từ các tỉnh lân cận như Hà Nam, Hải Dương, Bắc Ninh… đã về tận trường để tìm hiểu và nộp hồ sơ ngay trong ngày đầu tiên.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, trưởng phòng đào tạo nhà trường, cho biết chỉ trong buổi sáng 1-8 đã có hơn 100 thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT). Kết thúc ngày đầu tiên, con số này đã lên xấp xỉ khoảng 200 hồ sơ. Trường huy động hơn 30 cán bộ tham gia tư vấn và tiếp nhận hồ sơ ĐKXT, 20 SV tình nguyện hỗ trợ tiếp đón thí sinh.

“Theo đánh giá của chúng tôi, trong ngày đầu tiên, thí sinh có tâm lý muốn nộp hồ sơ trực tiếp tại trường để được tư vấn thêm về việc chọn ngành nghề. Đặc biệt là đối với những thí sinh có kết quả thi không cao hơn nhiều so với mức điểm sàn” – ông Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ.

Trong khi đó, tại Trường ĐH Bách khoa, các bàn tiếp nhận hồ sơ trước cửa phòng đào tạo luôn đông kín thí sinh và phụ huynh. “Chỉ trong buổi sáng trường đã nhận được hơn 300 hồ sơ ĐKXT” – ông Nguyễn Phong Điền, trưởng phòng đào tạo, cho biết.

“Có thể do quy định không được rút hồ sơ, và quy định xét tuyển của nhóm trường GX đã giúp nhiều thí sinh yên tâm nộp hồ sơ ĐKXT ngay từ ngày đầu tiên; nhất là những thí sinh có kết quả thi ở ngưỡng điểm có cơ hội cao trúng tuyển vào ĐH Bách khoa và một vài trường khác trong nhóm trường GX” – ông Nguyễn 
Phong Điền giải thích.

Hơn 400 hồ sơ đã được thí sinh nộp vào Trường ĐH Hàng hải trong buổi sáng 1-8, con số này tiếp tục tăng nhanh trong buổi chiều – theo ông Nguyễn Khắc Khiêm, trưởng phòng đào tạo. Không chỉ chuẩn bị đón tiếp, tư vấn cho thí sinh và phụ huynh, Trường ĐH Hàng hải đã in sẵn hàng ngàn phiếu ĐKXT để phát cho thí sinh. Các thông tin về ngành nghề đào tạo, chỉ tiêu xét tuyển, quy trình ĐKXT… được trường in thành bảng biểu cỡ lớn để thí sinh và phụ huynh tham khảo.

“Hàng ngàn thí sinh đã đến trường trong ngày đầu tiên thu nhận hồ sơ ĐKXT. Nhiều thí sinh chưa nộp hồ sơ ngay trong ngày đầu tiên nhưng đều được cán bộ của trường tư vấn, hướng dẫn chu đáo về ĐKXT, ngành nghề đào tạo để giúp thí sinh cân nhắc, lựa chọn. Chúng tôi cũng tư vấn cho các em là có thể cân nhắc kỹ trước khi nộp hồ sơ, nhưng không nên đợi đến những ngày cuối cùng, nhất là những thí sinh muốn đăng ký online hoặc gửi qua đường bưu điện” – ông Nguyễn 
Khắc Khiêm nói thêm.

* TS Phạm Tấn Hạ (trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn – ĐHQG TP.HCM):

Cân nhắc chọn trường 
hay chọn ngành

Tôi khuyên thí sinh cần tìm hiểu kỹ xem nên chọn ngành nào của trường và hai ngành mình yêu thích, phù hợp nhất.

Theo đó, cần cân nhắc dựa trên mức điểm theo tổ hợp xét tuyển của mình để quyết định chọn ngành. Khi đăng ký, nếu lỡ rớt ngành thứ nhất thì sẽ được ngành thứ hai. Như vậy thí sinh sẽ an tâm hơn ngay từ đầu. Nếu như thế, thí sinh sẽ chọn được ngành học mình yêu thích ở môi trường mình yêu thích, còn nếu rớt cũng có thể học đúng ngành đó nhưng ở trường khác.

Thí sinh phải chuẩn bị cho mình tâm lý rõ ràng, nếu muốn an toàn ở một trường nào đó, muốn học trường đó thì mình sẽ chọn ngành mình thích. Thứ hai, nếu mình phải vào ngôi trường đó bằng mọi giá, thì cách an toàn là chọn ngành có điểm thấp hơn để có cơ hội trúng tuyển.

* ThS Hứa Minh Tuấn (phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính – marketing):

Thí sinh không được rút lại hồ sơ

Thí sinh cần lưu ý phương thức xét tuyển năm nay khác với năm 2015. Đối với đăng ký xét tuyển đợt 1, thí sinh chỉ được đăng ký xét tuyển tối đa vào hai trường, mỗi trường không quá hai ngành; thí sinh không được thay đổi nguyện vọng vào trường, ngành đã đăng ký trong đợt xét tuyển.

Đối với đăng ký xét tuyển các đợt bổ sung, thí sinh được đăng ký xét tuyển tối đa vào ba trường, mỗi trường không quá hai ngành; thí sinh không được thay đổi nguyện vọng vào trường, ngành đã đăng ký trong từng đợt xét tuyển.

Thí sinh không được rút lại hồ sơ đã nộp. Vì vậy sẽ không có chuyện thí sinh phải canh điểm đạt hay không đạt để “rút ra, nộp vào” nữa.

Để lựa chọn đúng ngành, đúng trường, tôi khuyên thí sinh và phụ huynh cần cân nhắc thật kỹ dựa trên mức điểm của mình so với điểm chuẩn của ngành, trường đó ở năm trước.

Năm nay, Bộ GD-ĐT cho phép các trường chủ động trong xét tuyển: xét bình đẳng giữa các nguyện vọng, hay nguyện vọng 2 điểm cao hơn nguyện vọng 1, hoặc có trường xét hết đợt 1 nếu còn chỉ tiêu sẽ xét đợt tiếp theo. Vì vậy thí sinh phải tính toán, cân nhắc thật kỹ để có cơ hội trúng tuyển cao hơn.

TRẦN HUỲNH ghi

TRẦN HUỲNH – THANH HÀ ([email protected])