25/12/2024

Giới ‘diều hâu’ Trung Quốc đòi khiêu khích ở Biển Đông

Một bộ phận trong quân đội Trung Quốc được cho là đang gây áp lực đòi Bắc Kinh có phản ứng mạnh hơn đối với phán quyết về Biển Đông.

 

Giới ‘diều hâu’ Trung Quốc đòi khiêu khích ở Biển Đông

Một bộ phận trong quân đội Trung Quốc được cho là đang gây áp lực đòi Bắc Kinh có phản ứng mạnh hơn đối với phán quyết về Biển Đông.




Tàu chiến Trung Quốc tuần tra phi pháp ở Trường Sa /// Hoàn Cầu thời báo

Tàu chiến Trung Quốc tuần tra phi pháp ở Trường SaHOÀN CẦU THỜI BÁO


Ngay trước và sau khi Toà trọng tài ở Hà Lan công bố phán quyết bác bỏ “đường lưỡi bò” ngày 12.7, Trung Quốc liên tục diễn tập quân sự, thậm chí đưa máy bay ném bom chiến lược tuần tra ở Biển Đông. Tuy nhiên, một bộ phận trong quân đội Trung Quốc cho rằng phản ứng như thế vẫn chưa đủ và muốn có những biện pháp khiêu khích mạnh hơn, có thể bằng cả vũ lực, nhằm vào Mỹ cùng các nước đồng minh ở khu vực, theo 4 nguồn tin gần gũi với quân đội và giới lãnh đạo nước này vừa tiết lộ với Reuters hôm 1.8.
Không khí hiếu chiến
Một trong những nguồn tin nói trên khẳng định với Reuters rằng bầu không khí trong Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) hiện đầy tính hiếu chiến. Nguồn tin nhấn mạnh: “Mỹ sẽ làm điều họ phải làm. Chúng tôi cũng sẽ làm điều chúng tôi phải làm”. Một nguồn tin khác còn lên giọng: “PLA đã sẵn sàng. Chúng tôi phải vào cuộc và đánh bại chúng như Đặng Tiểu Bình đã làm đối với VN hồi năm 1979”.
Hiện không rõ giới “diều hâu” trong quân đội Trung Quốc đang xem xét những biện pháp khiêu khích gì. Lâu nay, nhiều chuyên gia quốc tế suy đoán Trung Quốc rất có khả năng sẽ lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông và có thể gắn tên lửa trên những oanh tạc cơ tuần tra Biển Đông, giúp chúng có khả năng tấn công các mục tiêu ở Philippines và VN, theo Reuters.
Giới 'diều hâu' Trung Quốc đòi khiêu khích ở Biển Đông - ảnh 1

Máy bay ném bom chiến lược tầm xa H-6K của Trung Quốc bay qua bãi cạn Scarborough, ảnh đăng ngày 14.7 trên Weibo, hai ngày sau khi Toà trọng tài quốc tế ra phán quyết vụ kiện Biển ĐôngKHÔNG QUÂN TRUNG QUỐC

Khi được triển khai xuống Biển Đông trong thời gian gần đây, chiếc oanh tạc cơ H-6K của Trung Quốc đã bay gần bãi cạn Scarborough đang có tranh chấp với Philippines nhưng được cho là không mang theo tên lửa. Khi đó, trang mạng Trung Quốc Guancha đưa ra bình luận sặc mùi hiếu chiến khi viết: “Nếu mang theo tên lửa hành trình AKD-20, oanh tạc cơ H-6K chỉ cần tuần tra trên Hoàng Nham đảo (cách Trung Quốc gọi Scarborough – NV) thì có thể triển khai tấn công mọi mục tiêu trong toàn bộ lãnh thổ Philippines và VN”.
 
 
Gần 8.000 tàu cá Trung Quốc sẽ xuống Biển Đông
Ngày 1.8, Tân Văn xã đưa tin 7.952 tàu cá từ đảo Hải Nam của Trung Quốc, với tổng cộng 36.475 ngư dân, có thể xuống đánh bắt ở Biển Đông sau khi lệnh cấm kéo dài 2 tháng rưỡi hết hiệu lực vào lúc 12 giờ trưa cùng ngày. Khu vực do Trung Quốc ngang nhiên áp đặt lệnh cấm đánh bắt thường niên nói trên trải dài từ 12 độ vĩ bắc đến khu vực biển giao giữa tỉnh Phúc Kiến và tỉnh Quảng Đông, bao gồm cả một phần vịnh Bắc bộ và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền VN.

 

Ngoài ra, một số sĩ quan về hưu, học giả Trung Quốc còn ra sức cổ súy cho quân đội nước này. Cụ thể, đại tá về hưu Nhạc Cương viết trên Weibo, mạng xã hội phổ biến ở Trung Quốc, rằng việc không quân nước này vừa tuyên bố sẽ tuần tra thường xuyên ở Biển Đông cho thấy họ đang tìm cách xóa bỏ ưu thế trên không nhờ vào các tàu sân bay của Mỹ, theo Reuters. Ông Nhạc còn viết: “Trung Quốc không sợ bị hăm doạ bởi các tàu sân bay Mỹ và đủ can đảm để gây ra cuộc đụng độ bất ngờ”.

Tương tự, Giáo sư Lương Phương tại Đại học Quốc phòng của Trung Quốc viết trên Weibo: “Quân đội Trung Quốc sẽ chiến đấu quyết liệt và Trung Quốc sẽ không nhượng bộ đối với bất kỳ quốc gia nào về vấn đề chủ quyền”.
Còn Giáo sư Lý Kim Minh tại Viện Nghiên cứu Nam Hải thuộc Đại học Hạ Môn viết trên chuyên san Nghiên cứu Đông Nam Átiếng Trung: “Chúng ta phải chuẩn bị cho cuộc chiến lâu dài và biến điều này thành bước ngoặt trong chiến lược quân sự Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông – NV) của chúng ta”.
Chờ thời cơ?
Dù có những thành phần ủng hộ dùng sức mạnh quân sự như trên, đến nay Trung Quốc vẫn chưa có những động thái đẩy căng thẳng leo thang. Lý do có thể là giới lãnh đạo Trung Quốc biết rõ về những mối nguy hiểm của một cuộc đụng độ và lo ngại về phản ứng của cộng đồng quốc tế, theo một số nhà ngoại giao và nguồn thạo tin tiết lộ với Reuters.
Trong các lực lượng vũ trang Trung Quốc hiện cũng có sự công nhận rằng Trung Quốc sẽ thất bại khi đối đầu với Mỹ. “Hải quân chúng tôi không thể đấu với người Mỹ. Chúng tôi chưa sở hữu công nghệ như họ”, một nguồn tin gần gũi với quân đội Trung Quốc thừa nhận với Reuters. Một nguồn tin khác liên quan tới giới lãnh đạo Trung Quốc còn nói thẳng: “Chiến tranh khó xảy ra, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục tập trận quân sự”.
Trong khi đó, một số nhà ngoại giao châu Á lẫn phương Tây cho rằng sở dĩ giới lãnh đạo Trung Quốc chưa có phản ứng mạnh đối với phán quyết về Biển Đông vì không muốn có bất kỳ sự cố nào phủ bóng Hội nghị thượng đỉnh G-20 diễn ra ở TP.Hàng Châu của nước này vào tháng tới. Trong đó, một nhà ngoại giao ở Bắc Kinh nhận định với Reuters rằng rất có khả năng Trung Quốc sẽ chọn thời gian từ khi Hội nghị G20 kết thúc đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới để đưa ra động thái mới về Biển Đông. “Nhưng sẽ là một phán đoán sai lầm nếu Trung Quốc cho rằng Mỹ sẽ ngồi yên và không làm gì”, nhà ngoại giao này nói.

 

Văn Khoa