Dự án “đuổi chim” ngàn tỉ ở sân bay bị chê
Dự án lắp đặt hệ thống phát hiện vật thể lạ trên đường băng trị giá tới 1.162 tỉ đồng còn nhiều điểm bất hợp lý, trong đó có việc thu phí chuyến bay để đầu tư dự án làm tăng chi phí cho hãng hàng không.
Dự án “đuổi chim” ngàn tỉ ở sân bay bị chê
Dự án lắp đặt hệ thống phát hiện vật thể lạ trên đường băng trị giá tới 1.162 tỉ đồng còn nhiều điểm bất hợp lý, trong đó có việc thu phí chuyến bay để đầu tư dự án làm tăng chi phí cho hãng hàng không.
Cảng hàng không Nội Bài là một trong hai cảng hàng không dự tính triển khai dự án FODetect – Ảnh: T.Phùng |
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) trình Bộ GTVT xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cung cấp giải pháp và lắp đặt hệ thống phát hiện vật thể lạ trên đường băng (FODetect) trị giá tới 1.162 tỉ đồng nhằm phát hiện vật thể lạ trên đường cất hạ cánh tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất, tự động phát hiện xua đuổi chim gây nguy cơ uy hiếp trực tiếp đến máy bay.
Tuy nhiên, Cục Hàng không Việt Nam chỉ ra dự án này còn nhiều điểm bất hợp lý, trong đó có việc thu phí chuyến bay để đầu tư dự án làm tăng chi phí cho hãng hàng không.
Theo ACV, hệ thống FODetect được trang bị tại nhiều cảng hàng không trên thế giới nhằm đảm bảo an toàn tối đa. Hệ thống FODetect có khả năng giám sát đường hạ cất cánh 24/24 giờ, phát hiện tự động, cảnh báo và xử lý kịp thời, chính xác toàn bộ chim, vật thể lạ có nguy cơ uy hiếp trực tiếp tới an toàn bay, thay thế cho phương pháp thủ công hiện tại là dùng mắt thường với tần suất 7 lần/ngày.
Để hoàn vốn cho dự án, ACV đề xuất sẽ thu phí 35 USD đối với các chuyến bay quốc tế và 17 USD đối với các chuyến bay nội địa trên toàn bộ cảng hàng không ACV đang khai thác trong thời gian 6 năm 6 tháng.
Trong khi đó, dự án này được đề xuất triển khai ở sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài đang phục vụ 67% lượng khách và 65% sản lượng cất hạ cánh của toàn mạng bay.
Dự án được đề xuất đầu tư theo hình thức xã hội hoá do Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và các đơn vị liên danh khác.
Trong văn bản vừa gửi Bộ GTVT để góp ý về đề xuất trên, Cục Hàng không Việt Nam cho rằng trong bối cảnh ngân sách nhà nước hạn hẹp thì việc xã hội hóa Dự án FODtect là cần thiết. Tuy nhiên, Cục Hàng không đánh giá đề xuất của ACV còn thiếu các nội dung như loại hợp đồng dự án; phương án tổ chức quản lý, chủ thể khai thác và nhất là hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án…
Vì vậy, Cục Hàng không đề nghị ACV giải trình rõ khả năng làm việc tối ưu của hệ thống FODetect trong điều kiện thời tiết xấu, ban ngày, ban đêm; vùng không gian hệ thống có khả năng phát hiện, xua đuổi chim ở hai đầu tiếp cận khi máy bay cất hạ cánh cũng như khả năng tích hợp, mở rộng hệ thống thiết bị.
Đồng thời giải trình rõ về cấu thành nên tổng mức đầu tư của dự án; giải trình rõ phương án thu hồi vốn đầu tư dựa trên nguyên tắc đầu tư tại cảng hàng không nào thì chỉ thu phí tại cảng đó.
Ngoài ra, Cục Hàng không cũng cho rằng dựa trên mức phí do ACV đề xuất, thời gian hoàn vốn cho dự án chỉ có 6 năm 6 tháng là quá ngắn. Vì vậy, cần xem xét lại mức thu, thời gian thu hồi vốn phù hợp với điều kiện và khả năng chi trả của các hãng hàng không khai thác đến Việt Nam, không làm tăng mức thu đột ngột ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các cảng hàng không Việt Nam.