23/01/2025

Độc đáo trải nghiệm ‘bước ra từ bóng tối’ để hiểu người khiếm thị

Trong bóng tối mịt mùng, chúng tôi lần mò đi trên con đường gập ghềnh sỏi, cát cùng những vật cản… Đoạn đường ngắn thôi, nhưng sự đồng cảm và thấu hiểu người khiếm thị như được nhân lên gấp bội.

 
Độc đáo trải nghiệm ‘bước ra từ bóng tối’ để hiểu người khiếm thị
 
 
 
Trong bóng tối mịt mùng, chúng tôi lần mò đi trên con đường gập ghềnh sỏi, cát cùng những vật cản… Đoạn đường ngắn thôi, nhưng sự đồng cảm và thấu hiểu người khiếm thị như được nhân lên gấp bội.






Chuẩn bị vào phòng tối tìm hiểu cuộc sống, sinh hoạt của người khiếm thị  /// Ảnh: Như Lịch

Chuẩn bị vào phòng tối tìm hiểu cuộc sống, sinh hoạt của người khiếm thịẢNH: NHƯ LỊCH


Đó là ý nghĩa từ chương trình Triển lãm bóng tối của nhóm thiện nguyện United Minds, diễn ra trong hai ngày 28 và 30.7 tại Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, TP.HCM.
Cảm thấy may mắn vì còn đôi mắt
Sau khi bịt kín mắt, chúng tôi đặt tay lên vai nhau, dò dẫm bước qua những bậc thang rồi tự đặt giày dép của mình lên kệ. Cánh cửa đóng lại sau lưng, dù đã được tháo băng bịt mắt nhưng chúng tôi không thể thấy gì ngoài một màn tối đặc bao trùm.
Một tiếng nói cất lên đâu đó: “Mời các anh chị tham quan ngôi nhà của người mù chúng em”. Đưa tay quờ quạng và nhích từng bước một, tôi nhận ra hai bên là cây cối, còn dưới chân có đoạn trải sỏi, có đoạn đổ cát.
Có tiếng nói mời mọc: “Ở đây có cà phê, có nước nóng, các anh chị pha thử không ạ?”. Một thành viên trong đoàn đáp ngay: “Thôi, sợ phỏng lắm!”. Sau một lúc sờ soạng, một cô gái thốt lên: “Ui cha mạ ơi! Có trái cây, ấm trà, tủ sách đây nữa nè!”.
Bất ngờ, từ trong bóng tối, tiếng đàn piano của nữ sinh bị khiếm thị bẩm sinh Đỗ Nguyễn Anh Thư vang lên, khiến không gian và tâm hồn mỗi người càng chùng lắng lại…
Vừa bước ra từ Triển lãm bóng tối, Nam Phương, học sinh lớp 7 Trường THCS Trần Đại Nghĩa, TP.HCM, bày tỏ: “Lúc đầu em hơi sợ, nhất là nghe tiếng người nhưng sờ không thấy người đâu. Em cảm thấy mình may mắn hơn rất nhiều vì còn đôi mắt”.
Còn Nguyễn Thanh Tùng, du học sinh ở Mỹ, cảm nhận: “Ban đầu mình cũng thấy hoảng nhưng từ từ đi lại được. Trong khi mọi người ngồi ăn trái cây thì mình cố gắng tìm hiểu nhiều hơn về thế giới người khiếm thị. Khi ra ngoài, mình còn xem chữ nổi, bịt mắt ngồi xâu hạt cườm… Từ chuyến đi này, mình tự hứa sau này sẽ sẵn lòng tham gia những hoạt động dành cho người khiếm thị và người khuyết tật nói chung”.
Nằm trong đội ngũ tình nguyện viên, Nguyễn Quang Anh, du học sinh tại Canada, cho biết: “Tham gia thiết kế triển lãm này, nhưng lần đầu đi trải nghiệm trong bóng tối tôi sợ bị vấp ngã, sợ không biết phía trước mình có gì. Rồi nỗi sợ qua đi, thay vào đó là sự đồng cảm, thông hiểu với người khiếm thị”.
Tấm lòng cô giáo Việt kiều
Triển lãm trên thuộc dự án MindLight Summer, do chị Đào Minh Thuỳ, Việt kiều chuyên dạy nhạc và tổ chức sự kiện âm nhạc tại Ba Lan, phụ trách. Chị và gia đình đã sáng lập nên tổ chức phi lợi nhuận United Minds.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Thùy nói: “MindLight tức là ánh sáng trí tuệ. Còn United Minds nghĩa là hợp trí lại. Tôi tin rằng bất cứ ai cũng có ánh sáng riêng phát ra từ nội tâm và ai cũng có ước mơ, cũng muốn thực hiện ước mơ đó. Nhưng vì cuộc sống xô bồ với nhiều lo toan nên đôi khi người ta quên lãng hoặc không dám chạm tới ước mơ. Chúng tôi mong muốn góp sức khơi gợi ánh sáng, năng lực, niềm tin tiềm ẩn trong mỗi con người, nhất là ở trẻ khiếm thị, để các em tự tin và thấy được giá trị bản thân cho dù không có đôi mắt”.
Sinh ra tại Hà Nội, năm 7 tuổi chị Thùy theo cha mẹ sang Nga sống. Đến năm 11 tuổi, chị và người thân lại rời Nga đến định cư ở Ba Lan. Tiếp đó, trong 7 năm ở Mỹ, chị học hai trường ĐH về piano và nhạc trị liệu cùng một số khoá học về tâm lý.
Chị Thùy tâm tình: “Có thể nói, âm nhạc giúp tôi trị liệu bản thân mình trước hết. Bởi tôi rời VN từ bé, khi đến các nước mình nói gì người ta cũng không hiểu và ngược lại. Điều đó đã làm cho tôi cảm thấy khổ sở. Chính âm nhạc có thể làm xoá nhoà các ranh giới, khiến mọi người xích lại gần nhau hơn, giúp tôi tìm lại ước mơ của mình và cảm thấy hạnh phúc hơn”.
Tuy rất bận rộn nhưng vào các dịp hè, chị Thùy thường tranh thủ về VN dạy tiếng Anh và piano miễn phí cho những trẻ thiệt thòi ở Thanh Hoá, Hà Nội. Liên tục từ năm 2012 đến nay, chị và các tình nguyện viên thực hiện dự án MindLight Summer tại Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, với các lớp dạy kỹ năng sống, âm nhạc và tiếng Anh. Đặc biệt, năm ngoái, chị bắt đầu thử nghiệm chương trình Triển lãm bóng tối và chính thức áp dụng mô hình này từ năm nay.
Sẽ duy trì hằng tuần mô hình này
Cô Hà Thanh Vân, Hiệu trưởng Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, nhận xét: Đối với trường này, cô Đào Minh Thuỳ và nhóm tình nguyện của cô ấy có một tình yêu bền bỉ. Học trò của chúng tôi cứ chờ đợi đến hè để tham gia những khoá học này. Đặc biệt, nhà trường đã tiếp nhận và muốn duy trì hằng tuần mô hình “Triển lãm bóng tối”, nhằm tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên, phụ huynh, khách du lịch… được trải nghiệm thực tế để biết thị giác của con người quý giá biết nhường nào. Từ đó, có sự chia sẻ, đồng cảm và thương người khiếm thị hơn.

 

Như Lịch