Giúp làng chài những ngày khốn khó
Sau khi nhường đất nông nghiệp cho các dự án trên bờ, người dân nhiều làng chài ở xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) sống hoàn toàn phụ thuộc vào biển. Rồi thời tiết biến đổi, lại thêm sự cố về môi trường khiến cuộc sống người dân đầy khốn khó…
Giúp làng chài những ngày khốn khó
Sau khi nhường đất nông nghiệp cho các dự án trên bờ, người dân nhiều làng chài ở xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) sống hoàn toàn phụ thuộc vào biển. Rồi thời tiết biến đổi, lại thêm sự cố về môi trường khiến cuộc sống người dân đầy khốn khó…
Đi loanh quanh mãi mới hết buổi sáng, ông Chu Văn Cành (65 tuổi, ở thôn Hải Phong 2, xã Kỳ Lợi) về nhà ăn cơm trưa. Bà Lĩnh, vợ ông, đã dọn cơm chờ sẵn. Mâm cơm chỉ có canh rau muống, mấy miếng thịt kho lèo tèo…
Bữa cơm đạm bạc của người dân Kỳ Anh (Hà Tĩnh) những ngày khốn khó – Ảnh Văn Đ |
Bữa cơm đạm bạc
Bà Lĩnh phân trần: “Không ăn cá nữa nên vợ chồng tui thường chỉ rau cà, thi thoảng mới thêm được tí thịt kho”. Con cái đã lập gia đình ra ở riêng hết, chỉ còn vợ chồng già quanh quẩn với nhau, ông bà cứ sợ không có việc làm, thuyền bè chài lưới để lâu không dùng đến thì mau hỏng. Ở không cũng buồn nhưng bà Lĩnh bảo dẫu sao hai ông bà còn có nhau để hủ hỉ, chứ trong thôn nhiều thanh niên trai tráng vì cảnh nhà quá khó đã bỏ làng đi làm thuê khắp từ Nam chí Bắc, bỏ vợ con bơ vơ ở nhà…
Ngồi trên võng ôm hai đứa con gái sinh đôi mới được hơn tháng tuổi, chị Trần Thị Lâm (32 tuổi) nói đứa con gái lớn đi nấu nồi xôi đậu làm bữa trưa. Hai tháng nay, chồng chị là anh Chu Văn Tiến đã đi Quảng Ninh để xuống tàu đánh bắt cá thuê, nhưng ngoài đó sóng to gió lớn, lại phải nương theo con trăng nên anh chưa quen, làm hai tháng mà chưa có dư gửi về cho vợ.
Năm đứa con gái ở nhà với mẹ, đang tuổi ăn tuổi lớn mà đứa nào cũng ốm tong teo. Ông Chu Văn Ngân, trưởng thôn Hải Phong 2, cho biết thu nhập từ biển giảm sút thê thảm nên đã có mấy chục người như anh Tiến xách giỏ đi miền Nam, đi Quảng Ninh làm thuê. Nhưng phần lớn đi chẳng được bao lâu lại phải quay về.
Chuyển đổi nghề thì không có nhiều đất. Ngày trước cách nay chừng 15-16 năm, các dự án bắt đầu về nhiều, đất nông nghiệp bị thu hồi, các nhà máy, công trình chặn nguồn nước tưới tiêu nên bây giờ quay trở lại làm nông nghiệp cũng không phải chuyện dễ. “Chết đói thì chưa chết mô, nhưng bà con muốn có cuộc sống ổn định lâu dài” – ông Ngân nói. Ông Ngân cho hay những đợt hỗ trợ về lương thực, nhu yếu phẩm của Nhà nước và các nhà hảo tâm vừa qua đã giúp đỡ được phần nào, động viên người dân trong thôn vượt qua khó khăn trước mắt. Nhưng về lâu dài, bà con mong muốn được nhanh chóng trở lại làm việc, được lao động để có thể lo lấy cuộc sống của mình.
Chung sức hỗ trợ người dân
Trong khốn khó, nhiều người dân miền Trung đã cố gắng xoay xở tìm phương kế khác để mưu sinh. Mở trang trại chăn nuôi, đi buôn bán vặt… với mong muốn tự lo cho cuộc sống của gia đình mình. Góp phần vào những nỗ lực ấy là rất nhiều những nhà hảo tâm, doanh nghiệp, cơ quan chính quyền đã hỗ trợ nhiều đợt lương thực, nhu yếu phẩm dùng hằng ngày…
Ông Phan Duy Vĩnh, phó chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh, cho biết đến thời điểm này đã có trên 60% hộ nuôi cá bè lồng nuôi trở lại, hơn 58% số diện tích nuôi tôm và cua đã thả giống. Nhờ địa phương tuyên truyền, vận động, người dân tiếp tục bám biển khai thác thủy hải sản ngoài 20 hải lý. Các tàu thuyền đánh bắt xa bờ của thị xã Kỳ Anh hoạt động bình thường tại các ngư trường như Cát Bà (Hải Phòng), Đà Nẵng. Đối với tàu đánh bắt dưới 90CV đã có gần 30% số lượng tàu hoạt động, khai thác chủ yếu là lặn sò, câu mực…
Ngoài ra, thị xã Kỳ Anh đã chỉ đạo các xã, phường rà soát nhu cầu cụ thể về đóng mới, cải hoán tàu cá, nâng cấp các hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá, cũng như nhu cầu chuyển đổi nghề của người dân. Đến nay, địa phương đã hỗ trợ cho người dân đóng mới năm tàu cá có công suất từ 280-400CV.
Ngoài ra, người dân đang hoàn tất thủ tục để đóng mới hai tàu cá vỏ sắt phục vụ đánh bắt xa khơi… Ông Dương Tất Thắng – phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh – cho biết tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành rà soát từng đối tượng, nhu cầu chuyển đổi nghề để lên dự thảo hỗ trợ cho người dân…
“Nhà đông miệng ăn mà gạo, mì, mắm, muối, dầu ăn được chính quyền hỗ trợ đã hết từ lâu. Chừ cũng phải tính từng bữa, chưa biết mần răng Chị Trần Thị Lâm (xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh) |
Hiện nay Hà Tĩnh có gần 4.680 tàu thuyền đánh bắt gần bờ cần chuyển đổi sang tàu lớn để đánh bắt xa bờ – Ảnh: Văn Định |
Mẹ Phạm Thị Mai, ở xóm Đức Trung, xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình, năm nay đã 75 tuổi. Cả năm người con của mẹ đều ra khơi, bám biển làm nghề cá – Ảnh: Lê Đức Thành |
Người xưa có câu: “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”. Hai vợ chồng làng biển đang rất hồ hởi, đẩy thuyền xuống biển, chuẩn bị cho một đêm dài đánh cá. Ảnh chụp ở làng Biển Ngư Thuỷ – Lệ Thuỷ- Quảng Bình – Ảnh: Lê Thuận Long |
Phát động chương trình “Thương về miền Trung”
Sáng 27-7 tại TP.HCM, Công ty Unilever Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT), Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức lễ phát động hành trình “Thương về miền Trung”. Chương trình nhằm quyên góp và kêu gọi cộng đồng đóng góp 50.000 phần quà là nhu yếu phẩm (gạo, sản phẩm dinh dưỡng, sản phẩm vệ sinh cá nhân…) với tổng giá trị 7,5 tỉ đồng. Những phần quà này gửi tặng đến các gia đình đang gặp khó khăn ở bốn tỉnh miền Trung: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế.
Ông Lê Văn Vinh (trái) đại diện Công ty Unilever trao bảng tượng trưng số tiền 7,5 tỷ đồng (tương đương 50.000 giỏ hàng Thương về miền Trung) cho bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Trưởng ban Gia đình Xã hội, Trung ương Hội LHPN VN. Ảnh : MINH PHƯỢNG. |
Công ty Unilever Việt Nam tiên phong đóng góp trước 20.000 phần quà. Cùng đó, công ty kêu gọi cộng đồng cùng đồng hành để san sẻ với bà con miền Trung thông qua hình thức: Với mỗi sản phẩm của Unilever có giá trị trên 30.000 đồng được bán ra, Unilever sẽ đóng góp 10.000 đồng quyên góp cho hành trình “Thương về miền Trung” cho đến khi đạt được mục tiêu cam kết là 50.000 phần quà.
Người dân, các đơn vị khi mua bất kỳ sản phẩm Unilever trên 30.000 đồng tại cửa hàng, siêu thị trên cả nước gửi thông tin về Unilever theo hai cách:
Cách 1: Gửi thư điện tử về hộp thư [email protected] với tiêu đề “Đóng góp Thương về miền Trung”, nội dung email gồm có họ và tên của người đóng góp và mã vạch sản phẩm Unilever đã mua.
Cách 2: Truy cập vào website thuongvemientrung.com, nhập họ tên người đóng góp và mã vạch sản phẩm Unilever đã mua.
Bộ NN&PTNT, Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cùng phối hợp, chỉ đạo và làm việc chặt chẽ với lãnh đạo các địa phương để lựa chọn, đề xuất các hộ dân gặp khó khăn và hỗ trợ tổ chức trao quà tận tay đến từng hộ dân. Sài Gòn Co.op Mart hỗ trợ thông tin cho chương trình tại các siêu thị Co.op mart trên cả nước và cung cấp gạo đóng góp trong giỏ quà “Thương về miền Trung”. Chuyến xe mang những giỏ quà “Thương về miền Trung” sẽ bắt đầu hành trình đi qua các xã ven biển bốn tỉnh miền Trung từ ngày 1 đến ngày 30-8 và trao tặng quà đến từng hộ gia đình.
Có mặt tại lễ phát động, ông Nguyễn Minh Tiến – cục trưởng, chánh văn phòng xây dựng nông thôn mới trung ương – thay mặt Bộ NN&PTNT ghi nhận và hoan nghênh sáng kiến này của Công ty Unilever Việt Nam. “Bộ NN&PTNT đánh giá đây là một nghĩa cử cao đẹp, thể hiện tinh thần, trách nhiệm xã hội của Unilever đối với cộng đồng. Sau hành trình này, Bộ NN&PTNT mong muốn công ty có thêm nhiều chương trình hỗ trợ không chỉ các hộ dân nghèo miền Trung mà còn hỗ trợ cho người dân vùng biên giới, hải đảo” – ông Tiến nói.