Hai người đi qua chiến tranh
Mang ký ức không thể mờ phai khi trở về từ chiến trường, những thương binh lặng lẽ khép lại nỗi đau chiến tranh theo cách của riêng mình bằng việc lập gia đình, xây dựng cuộc sống mới.
Hai người đi qua chiến tranh
Mang ký ức không thể mờ phai khi trở về từ chiến trường, những thương binh lặng lẽ khép lại nỗi đau chiến tranh theo cách của riêng mình bằng việc lập gia đình, xây dựng cuộc sống mới.
Ông Trần Trọng Ân lau sạch từng đôi giày trước khi mang đi bán – Ảnh: NGỌC LOAN |
Mình khiếm khuyết về cơ thể nhưng không khiếm khuyết về ý chí. Cứ xem công việc là trách nhiệm, là niềm vui, có động lực thì vượt qua được |
Ông TRẦN TRỌNG ÂN |
Từ hai bàn tay trắng, một số người đã gầy dựng được cơ nghiệp và còn giúp đỡ người khổ hơn mình.
Ông chủ nhà trọ tốt bụng
Rẽ vào con đường Bờ Kinh Cây Khô (huyện Nhà Bè, TP.HCM) một sáng giữa tháng 7, chúng tôi ghé nhà ông Nguyễn Văn Bừng (49 tuổi) khi ông đang tất bật bê gạch phụ mấy người thợ xây lại dãy phòng trọ của gia đình.
Mồ hôi nhễ nhại giữa trời mùa hè, dù nửa phía dưới của chân trái gắn chân giả do bị thương ở chiến trường biên giới Tây Nam, ông Bừng vẫn nhanh nhẹn đi qua đi lại để “tiếp” gạch cho thợ. Ngơi tay, ông ngồi thở dốc, cho biết: “Dãy phòng trọ này tui cất 6-7 năm nay rồi, mà đường trước nhà nâng lên nên giờ phòng bị ngập, vì vậy mùa này tui thuê thợ xây lại”.
Hỏi chuyện mấy người thợ đang trét tường, cũng là người ở trọ chỗ ông Bừng, ai cũng nói ông Bừng tốt lắm. Anh Lê Văn Mãi (29 tuổi, thợ xây, quê ở An Giang) cho biết: “Tui trọ ở đây ba năm rồi. Chú Bừng chỉ lấy 800.000 đồng/tháng tiền trọ, rẻ hơn mấy chỗ khác. Khi kẹt tiền chưa đóng kịp, chú cho thiếu cả mấy tháng trời, còn cho mượn tiền để xoay xở nữa”.
Giờ nghỉ trưa, ông Bừng ngồi kể lại cảnh đời khó nhọc của mình. Năm 1986, khi 19 tuổi, ông nhập ngũ. Đi được ba năm, ông chẳng may lọt vào bẫy mìn, bị thương ở chân và ngực. Xuất ngũ về lại nhà, ông làm bảo vệ cho một trường tiểu học gần nhà.
Năm 1996, một lần về quê, ông quen rồi cưới bà Lê. Cuộc sống của hai vợ chồng trẻ ở vùng hẻo lánh Nhà Bè này chẳng dễ dàng gì. Ông kể: “Ban đầu tui vừa làm bảo vệ ở trường vừa phụ vợ bán nước ngọt, bánh kẹo cho học sinh. Năm đó bả mang bầu rồi đẻ thằng lớn. Tiền không đủ xoay xở, hai vợ chồng mới bàn nhau thuê đất nuôi cá”.
Nói là làm, hai người đèo nhau qua tuốt khu đất trống bên xã Phước Kiển để thuê ao. Vì không có kinh nghiệm nên mấy năm đầu ao cá trê của ông Bừng chẳng lời được đồng nào. Không nản, ông chuyển qua nuôi tôm sú và tôm chân trắng. Lần này ông đến công ty bán thức ăn cho tôm nhờ họ chở đi Cần Giờ để học hỏi mô hình nuôi tôm năng suất cao ở đây. Nhờ vậy, mỗi đợt tôm ông lãi được vài chục triệu đồng.
Cơ cực dường như không buông tha ông Bừng, khi sau 3-4 mùa tôm, mẹ ông bị tai biến nằm một chỗ. Cảnh nhà neo đơn, ông bán đổ bán tháo ao tôm, dồn hết tiền chạy chữa cho mẹ. Thời gian đó bà Lê mang thai đứa con thứ hai nên ông càng vất vả.
Rồi mẹ mất, ông lại xoay ra mua gà vịt dưới quê lên bán. Được một thời gian, thấy con đường trước nhà đã làm lại khang trang, công nhân cũng đổ về đây mướn nhà trọ nhiều, ông đánh liều vay tiền cất bốn căn phòng trọ. Ông nói: “Cảnh nhà từ đó đỡ hơn. Dần dần tui xây thêm, giờ được 20 phòng. Vợ bán thêm nước và để bàn bida phía trước nhà”.
Điều ông nuối tiếc nhất là đã để con trai phải nghỉ ngang lớp 8 vì lúc đó mẹ ông bệnh quá nặng không xoay đâu ra tiền. “May mà trời thương cho vợ chồng tui hai đứa con ngoan hiền. Thằng lớn nghỉ học thì đi làm xưởng gỗ phụ tiền lo cho em gái đi học. Con bé học giỏi, năm nào cũng có giấy khen” – ông kể.
Ông Nguyễn Văn Bừng phụ xây lại dãy phòng trọ cho công nhân thuê – Ảnh: YẾN TRINH |
Ý chí của anh thợ đóng giày
Tầm trưa, vừa lo xong công việc ở phường với vai trò là chủ tịch hội cựu chiến binh, ông Trần Trọng Ân (55 tuổi, ngụ Q.8, TP.HCM) vội về xưởng giày, tranh thủ xếp lại các miếng lót đế giày, chuẩn bị cho đơn hàng mới. Ông vừa là ông chủ, vừa là thợ đóng giày của xưởng giày da Thanh Liêm.
Nhìn ông khuân, xếp hàng, động tác nhanh lẹ, dứt khoát, ít ai nghĩ ông là thương binh hạng 2/4, mấy chục năm rồi vẫn phải chịu những cơn đau nhức từ vết thương cũ mỗi khi trái gió trở trời. Ông vén một phần ống quần lên, để lộ phần chân giả, rồi nói: “Tôi mới phải đi phẫu thuật lại vì lắp chân giả, chân bị trầy, không lành được”.
Xưởng giày ông Ân gây dựng đến nay đã hơn 20 năm. Ngày ông mở xưởng giày, không ai dám nghĩ cái xưởng giày nhỏ mà cả chủ lẫn thợ đều là thương binh, bệnh binh có thể “sống sót” nổi trong thị trường giày dép vốn bị cạnh tranh khốc liệt bởi hàng nước ngoài.
Vậy mà đã 20 năm rồi ông vẫn bền gan bám trụ với nghề. Ông Ân là người gốc Tiền Giang. Năm 21 tuổi, ông lên đường nhập ngũ, vào chiến trường biên giới Tây Nam. Hai năm sau, trong một lần hành quân, ông không may giẫm phải mìn. Một tiếng nổ rền trời khiến một bên chân của ông mất đi vĩnh viễn.
Số tiền đầu tiên ông tự kiếm được từ khi trở thành một người không lành lặn là tiền công giao hàng trong lúc đi học đóng giày. Giao mỗi đôi giày, ông được trả 2.000 đồng. Có những hôm phải 11g, 12g đêm ông mới về nhà. “Cảm giác cầm những đồng tiền do chính tay mình làm ra khi tưởng như mình không còn làm được gì nữa thật không biết nói sao cho hết” – ông Ân xúc động.
Đóng giày là một nghề vất vả, cần tỉ mỉ trong mọi công đoạn. Cái chân giả lại không thể linh hoạt như bình thường, khi ngồi làm bị vướng, gây bất tiện nhưng ông chỉ nghĩ cứ cố gắng sẽ làm được. Nhờ chăm chỉ học nghề, tích lũy kinh nghiệm, ông trở thành thợ giày có tay nghề. Năm 1994, ông mạnh dạn mở xưởng giày.
Ngay từ khi mở xưởng, biết hoàn cảnh nhiều thương binh, cựu chiến binh khó khăn, không có việc làm ổn định, ông gọi họ đến làm cùng để họ có thêm thu nhập phụ gia đình. Tùy vào điều kiện sức khỏe mỗi người, ông sắp xếp cho họ công việc phù hợp.
Hôm gặp chúng tôi, sau cái lắc đầu biểu thị công việc làm ăn ngày càng khó khăn, ông cười chắc nịch: “Mình khiếm khuyết về cơ thể nhưng không khiếm khuyết về ý chí. Cứ xem công việc là trách nhiệm, là niềm vui, có động lực thì vượt qua được. Xưởng giày đến bây giờ đã không chỉ riêng là cuộc sống của gia đình tôi mà còn của bao nhiêu gia đình khác”.
Ông Phạm Văn Tân (55 tuổi), thương binh hạng 1/4, bị cụt hai chân, đã làm việc ở xưởng giày ông Ân gần 15 năm nay. Ông Tân bị mất hẳn hai chân, phải di chuyển bằng xe lăn. Ngày mới xuất ngũ, với hai cái chân cụt, ông Tân không làm được gì, cũng không có chỗ nào dám nhận vào làm. May có ông Ân gọi ông đến hướng dẫn, truyền nghề.
Nhớ lại những ngày tháng khó khăn ấy, ông Tân xúc động: “Nhờ có Ân động viên, tạo việc làm, tôi đã có thể tự làm việc, kiếm sống, không phụ thuộc vào gia đình và bớt đi mặc cảm vì thương tật”.