Nice và những cuộc kiếm tìm trong tuyệt vọng
“Cô ấy vẫn còn sống. Rồi cô ấy sẽ trở về với gia đình”, bên bờ Địa Trung Hải, ông Michel nói. Tôi không dám nhìn sâu vào đôi mắt tuyệt vọng của ông.
Nice và những cuộc kiếm tìm trong tuyệt vọng
“Cô ấy vẫn còn sống. Rồi cô ấy sẽ trở về với gia đình”, bên bờ Địa Trung Hải, ông Michel nói. Tôi không dám nhìn sâu vào đôi mắt tuyệt vọng của ông.
Đấy là một người đàn ông da đen, dáng nhỏ nhắn, cầm trên tay tấm hình người phụ nữ có tên Aldjia Bouzaouit, 42 tuổi. Sau thảm kịch đêm Quốc khánh Pháp 14.7 ở Nice (Pháp), ông đã bặt tăm người bạn đời của mình. Dù cảnh sát thông báo có 84 người chết và hơn 200 người bị thương, việc nhận dạng một cách đầy đủ vẫn chưa thể thực hiện. Đấy chính là lý do khiến nhiều người như ông Michel vẫn nuôi tia hy vọng mong manh, rằng người thân yêu của mình chỉ bị lạc đâu đó.
Mất tích và hy vọng trở về
Khi thảm kịch xảy ra, nhiều người đã tháo chạy và ẩn nấp ở các nhà hàng, khách sạn, sòng bài bên kia đại lộ Anh quốc. Trong cơn hoảng loạn và giữa đám đông hàng chục ngàn người, việc thất lạc nhau là điều dễ hiểu. Nhiều người lạc mất con nhỏ, số khác không thể tìm lại bạn bè, người thân. Khi cuộc thảm sát qua đi, rất nhiều người đi dọc bờ biển, dán lên thân cây tên người, hình ảnh, số điện thoại để tìm kiếm người thân yêu của mình.
Sáng qua 16.7, khi trở lại vùng bờ biển nơi xảy ra sự kiện đẫm máu, tôi gặp nhiều người đi tìm kiếm người thân như thế. Trên tay họ là tấm hình và vài dòng miêu tả. “Hãy giúp chúng tôi tìm Nick Leslie, người Mỹ gốc Ý. Da nâu. Mắt nâu. Cao 1 m 95. Nặng 85 kg…” kèm theo số điện thoại và email liên lạc. Hàng chục người như vậy. Rất nhiều người mất tích ở trong độ tuổi đôi mươi và hình chụp từ những ngày còn rạng rỡ vui tươi khiến tôi không thể hình dung ra được làm sao bi kịch kinh khiếp đến nhường ấy có thể xảy ra.
Sau thảm họa, một trang Facebook cũng đã được lập nên để thu thập thông tin người mất tích. Qua vài giờ đăng tải, nhiều người đã tìm được thân nhân, đặc biệt là các em bé bị lạc. Hoảng hốt, lo âu, nhưng cuối cùng niềm vui đã đến. Thế là những tấm hình được gỡ xuống khỏi thân cây, bờ tường. Nhưng không phải ai cũng có được may mắn đó. Ông Michel và nhiều người khác sau gần 2 ngày đỏ mắt vẫn chưa tìm được người thân yêu của mình, trong khi số điện thoại thì vẫn chưa liên lạc được. Chưa tìm được là vẫn còn hy vọng, dù le lói, dù mong manh thì đó vẫn là hy vọng. Tôi sẻ chia nỗi mỏi mong gần như vô vọng của những con người này.
Trên thực tế, khu vực xảy ra thảm họa có phạm vi không lớn, với số nạn nhân được xác định bằng con số khá cụ thể, việc nhận dạng dễ hơn nhiều so với trong các thảm họa do đất trời gây ra như bão lũ, động đất; hoặc các vụ cháy nổ. Chính vì thế mà những người tìm kiếm vẫn không bỏ cuộc. Biết đâu người thân của họ còn nằm trong bệnh viện, vẫn chưa hồi tỉnh.
Trong những lần đưa tin về thiên tai trong quá khứ, như trận sóng thần năm 2004 ở Ấn Độ Dương hay siêu bão ở Philippines năm 2013, tôi đã gặp không biết bao nhiêu những con người kiếm tìm trong tuyệt vọng như thế. Rốt cuộc thì sau rất nhiều nỗ lực, thông tin cuối cùng mà họ nhận được là người thân đã mãi mãi ra đi, cả xác thân cũng không còn. Giờ đây, ở bên bãi biển Nice rực nắng này, tôi gặp lại những đôi mắt đau đáu ấy. Dù mong manh, tôi vẫn hy vọng rằng bi kịch sẽ không xảy đến với những con người đang đỏ mắt tìm kiếm lúc này.
Không còn người thân yêu
Nạn nhân trong vụ tấn công ở Nice thuộc nhiều thành phần, tôn giáo, quốc tịch khác nhau. Phần lớn là người sống ở Nice, một số khác là du khách từ Mỹ, Đức, Thụy Sĩ. Tại Bệnh viện Nhi Lenval nằm trên đại lộ Anh quốc, ở phía đầu đường nơi hung thủ bắt đầu hành trình đẫm máu, 1 em bé đang được cấp cứu và trong 2 ngày qua chưa có ai đến thăm. Người ta sợ rằng cha mẹ em cũng đã thiệt mạng.
Bên lề đường đầy hoa và nến, tôi gặp Hamza Charrihi, một chàng trai trong độ tuổi 20. “Tôi đến đây để thắp nến cho mẹ. Bà đã ra đi mãi mãi. Gia đình đã nhận được thi thể của bà. Giờ thì chúng tôi đã hết hy vọng, đã vĩnh viễn mất đi người thân yêu của mình”, Hamza nói, và cho biết mẹ mình là Fatima, là một trong những người đầu tiên thiệt mạng. Bà Fatima không phải là người Hồi giáo duy nhất chết trong vụ thảm sát này.
Nhiều người khác là sinh viên tới Nice thực tập hoặc các cặp đôi tới đây du lịch. Sau một ngày với nắng vàng và biển xanh, buổi đêm họ đã chơi hết mình, sẵn sàng cho một cuộc vui đến sáng. Nhưng chiếc xe thần chết đã kết liễu tất cả, cuộc vui dang dở lẫn cuộc đời còn đẹp tươi ở phía trước. “Hôm nay chúng tôi đã mất đi những người thân yêu nhất của mình. Nỗi đau này là không gì bù đắp được. Nhưng chúng tôi sẽ vượt qua. Tình yêu và hòa bình cho tất cả”, dưới dòng chữ là chữ ký của gia đình Suttons trên một mảnh giấy trắng nằm giữa những đóa hồng.
Thuyền có chìm không?
“Nice đã từng rất đẹp. Và Nice sẽ mãi mãi đẹp”, dòng chữ tưởng niệm viết trên lá cờ lớn bên vịnh Thiên Thần thể hiện quyết tâm và mong ước của người còn sống. Nice đang ở giữa cơn buồn đau quặn lòng, người ta vẫn hy vọng, vẫn không nguôi nuôi dưỡng quyết tâm Nice sẽ lại đứng lên.
Sau vụ thảm sát, hôm qua 16.7 tôi đã đi dọc bờ biển, nơi cảnh sát vừa dỡ bỏ hàng rào phong tỏa hiện trường. Biển vẫn xanh, rất đông du khách vẫn tắm nắng, tắm biển. Nếu nhìn về phía này, ta sẽ thấy Nice không có vẻ gì là vừa trải qua bi kịch khủng khiếp cả. Nice vẫn là thành phố quyến rũ đối với bất kỳ du khách nào. “Tôi đã chuẩn bị cho chuyến đi này từ nhiều tháng trước. Hồi trưa, tôi đã tới tưởng niệm các nạn nhân và bây giờ là thời gian tôi thư giãn. Sau tất cả những đau buồn thì chúng ta vẫn phải tiếp tục sống”, anh chàng Antonio Viteres đến từ Ý chia sẻ.
Đây cũng là điều mà tôi đã gặp ở nhiều người Pháp, từ Paris cho đến thành phố miền nam bên bờ Địa Trung Hải này. Sau vụ thảm sát ở toà soạn báo Charlie Hebdo đầu năm 2015, người Pháp đã đồng lòng đứng lên sát cánh cùng tờ báo. Sau loạt khủng bố cuối năm đó, người Pháp cũng lại đứng lên quyết không gục ngã trước điều ác. Rồi họ tổ chức Euro 2016 thành công, như minh chứng rằng mọi việc vẫn ổn. Paris vẫn là nơi hội hè miên man. Giờ đây, đến lượt Nice rơi vào thảm họa, quá nhiều điều đớn đau trong một khoảng thời gian ngắn, người Pháp lại đứng lên, đau thương nhưng không hề sợ hãi, những người bạn Pháp của tôi nói thế.
Sau đêm Quốc khánh đẫm máu, ở thủ đô Paris, người ta đã tưởng niệm các nạn nhân xấu số, lên án khủng bố và lại bày tỏ quyết tâm. Tháp Eiffel đổi sắc buồn. La Marseillaise lại được hát lên. Khẩu hiệu Fluctuat Nec Nergitur lại được giương cao, không chỉ cho Paris, cho Nice mà cho cả nước Pháp. Fluctuat Nec Nergitur nghĩa là dù sóng gió bão bùng, thuyền vẫn vững vàng tiến về phía trước. Không biết sau bao nhiêu tai ương như thế, con thuyền nước Pháp liệu còn có thể vững vàng trở lại? Mong là vẫn còn.
IS nhận trách nhiệm vụ tấn công
Hôm qua 16.7, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đã nhận trách nhiệm vụ tấn công đẫm máu tại Nice ngày 14.7 khi tuyên bố “một chiến binh IS đã đáp lại lời kêu gọi tấn công người dân những nước tham gia liên minh” do Mỹ đứng đầu tại Syria và Iraq, theo tờ Le Monde. Tuy nhiên, hiện vẫn còn hàng loạt câu hỏi chưa được giải đáp về Mohamed Lahouaiej Bouhlel, kẻ đã lái chiếc xe “tử thần” làm 84 người thiệt mạng và hơn 200 người bị thương. Không như những vụ tấn công có liên quan đến IS trước đây, hung thủ chỉ có 1 khẩu súng lục chứ không được trang bị súng máy hay bom đạn. Trên người và ở nhà kẻ này, cảnh sát không tìm thấy bất kỳ tài liệu nào, kể cả trong máy tính và điện thoại cho thấy ông ta trung thành với IS.
Một số thông tin do Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve công bố ngày 16.7 có thể giải thích phần nào về sự “bí ẩn” của Lahouaiej Bouhlel: “Điều tra ban đầu cho thấy hung thủ đã bị cực đoan hóa một cách rất nhanh chóng. Lahouaiej Bouhlel chưa từng bị lực lượng tình báo để ý vì trước đây, người này không có biểu hiện gì khác thường”. Ông Cazeneuve cũng nhận định những gì xảy ra ở Nice vào tối 14.7 là “một kiểu tấn công mới” và cho thấy cuộc chiến chống khủng bố đang trở nên cực kỳ khó khăn.
Một điểm đáng chú ý là thân nhân và một số người quen của Lahouaiej Bouhlel khẳng định ông ta đang gặp bất ổn tâm lý, thậm chí trầm cảm. Trong khi đó, một trong những phương thức để chiêu mộ thành viên của IS là tìm kiếm những người thất bại trong công việc, bất mãn với xã hội để “vẽ đường” cho họ trả thù.
Lan Chi
|
Đỗ Hùng
(từ Nice, Pháp)