Bệnh vì bỏ cơm theo… sinh tố
Đứng trước thực trạng, nói đúng hơn, là thảm trạng an toàn vệ sinh thực phẩm ở nước ta, nhiều người không còn niềm tin vào thực phẩm nên quyết định thường xuyên dùng thuốc sinh tố (vitamin) để bớt ăn! Chuyện này đúng sai thế nào, lợi hại ra sao?
Đứng trước thực trạng, nói đúng hơn, là thảm trạng an toàn vệ sinh thực phẩm ở nước ta, nhiều người không còn niềm tin vào thực phẩm nên quyết định thường xuyên dùng thuốc sinh tố (vitamin) để bớt ăn!
Sinh tố từ rau, củ trong mỗi bữa ăn gia đình là vô cùng quan trọng – Ảnh minh họa: Châu Anh |
Chuyện này đúng sai thế nào, lợi hại ra sao, Sống khoẻ đã trao đổi với bác sĩ LƯƠNG LỄ HOÀNG, tác giả của ấn phẩm được tái bản nhiều lần Khoẻ nhờ sinh tố.
Chỉ uống thuốc sinh tố mà không ăn, suy dinh dưỡng thì sinh tố uống vào cứ như ném tiền vào cửa sổ… nhà thuốc!” |
BS LƯƠNG LỄ HOÀNG |
* Sinh tố là một trong các hoạt chất không thể thiếu nếu muốn khoẻ mạnh. Thay vì ăn, có nên thay thế bằng cách bổ sung sinh tố mỗi ngày?
– BS Lương Lễ Hoàng: Sinh tố loại nào cũng thế, sở dĩ giữ vai trò quan trọng là do công năng xúc tác phản ứng hoặc sinh năng lượng, hoặc thúc đẩy tiến trình tổng hợp kháng thể, huyết cầu, nội tiết tố, cấu trúc khoẻ mạnh của tế bào, vỏ bọc dây thần kinh, hoặc yểm trợ chức năng biến dưỡng, hoặc cả ba…
Sinh tố không đồng nghĩa với dưỡng chất cơ bản của cơ thể là chất đường, chất đạm, chất béo.
* Với chế độ dinh dưỡng thường ngày có dễ thiếu sinh tố?
– Thông thường khó thiếu sinh tố nếu thực phẩm “xanh” trong khẩu phần chiếm không dưới 50%.
Kẹt chính ở chỗ trong bối cảnh của cuộc sống tẩm đầy stress trong môi trường ô nhiễm tăng từng giờ, nhu cầu sinh tố ở thế kỷ này cao hơn đời xưa. Số cung không nhiều hơn bao nhiêu, nhưng số cầu về sinh tố tăng theo vật giá.
Bệnh do thiếu sinh tố như beriberi vì thiếu B1, scorbut vì thiếu C không còn tồn tại nhưng đủ thứ bệnh khác, cả tâm lẫn thể, do thiếu nguồn dự trữ sinh tố, trong số đó quan trọng hàng đầu là sinh tố chống ung thư như tiền sinh tố A, sinh tố E, D, C…
Đó chính là vấn nạn khó gỡ của sức khoẻ
cộng đồng.
* Có ai tuy đủ ăn đủ mặc nhưng nguồn dự trữ sinh tố vẫn thiếu hụt?
– Có mới kẹt, có rất thường mới khổ. Nói chi đến chuyện kiêng cữ trật chìa, dù ăn đúng cách cơ thể vẫn có nhu cầu sinh tố cao hơn trong sách vở nếu gia chủ ngày đêm stress quá, nếu có bệnh. Khi đó vì tuyến thượng thận, tuyến giáp “rồ ga” tăng năng suất nên sinh tố hụt hàng!
Thêm vào đó, nên nhớ trẻ con rất cần sinh tố nếu sốt kéo dài, người lao động nặng, người già rất cần sinh tố nếu suy dinh dưỡng, thai phụ phải thêm sinh tố vì một người nuôi hai miệng ăn, có khi đến ba… nếu sinh đôi!
* Có trường hợp nào không bệnh nhưng vẫn dễ thiếu sinh tố?
– Không có sinh tố nằm sẵn trong cơ thể, thuốc không thể triển khai tác dụng. Ngược lại, càng uống nhiều thuốc, uống thuốc càng lâu, càng dễ thâm hụt sinh tố. Vì thế nhiều người than mệt khi phải uống nhiều thứ thuốc.
Thêm vào đó, dược phẩm sở dĩ dẫn đến phản ứng phụ là do thiếu loại sinh tố “bật mồi lửa” khiến phản ứng biến dưỡng thuốc không hoàn chỉnh như mong muốn. Đáng tiếc nếu thầy thuốc không kết hợp sinh tố dễ thiếu trong phác đồ điều trị.
Bản tóm lược kèm bài này giúp độc giả căn cứ vào đó để kịp thời bổ sung sinh tố cho cơ thể bị hành tội vì bệnh và vì… thuốc! (xem bảng)
* Bác sĩ nghĩ sao về nước giải khát tăng lực có bổ sung sinh tố?
– Nước tăng lực phải chứa nhiều đường. Uống vào tất nhiên thấy khoẻ vì đang mệt, đang tụt đường huyết. Nhưng cũng vì chất ngọt, chất tăng lực theo kiểu ăn xổi ở thì nên cơ thể phải cần nhiều sinh tố và khoáng tố. Hậu quả là người uống nước tăng lực quá thường, lại thêm bữa ăn thất thường vì cuộc sống không còn giờ để ăn tất nhiên dễ thiếu sinh tố do gậy ông đập lưng ông.
* Nếu tính điểm dựa trên hiệu năng thì cần sinh tố hoá chất tổng hợp hay hoạt chất thiên nhiên?
– Câu trả lời đã từ lâu rất rõ nhờ nhiều công trình nghiên cứu cho thấy sinh tố tổng hợp dù có y chang cấu trúc thiên nhiên vẫn không có tác dụng toàn diện như sinh tố trong thực phẩm, vì trong món ăn bên cạnh sinh tố còn nhiếu chất khác giúp sinh tố triển khai tác dụng tối ưu.
Chỉ trong trường hợp bệnh lý, do nhu cầu cơ thể bội tăng, do tác dụng đặc hiệu cần liều cao nên thầy thuốc phải dùng thuốc tổng hợp.
Nói chung, cách tốt nhất là ăn sao cho đừng thiếu sinh tố, đừng đợi thiếu rồi nuốt thuốc thay cơm.
* Trong quá trình ngày nào cũng gặp bệnh nặng, bác sĩ có nhận xét nào tâm đắc về việc dùng sinh tố?
– Ông bà đã dạy “có ăn có chịu”. Có lời dạy nào của tiền nhân không mang nhiều ý nghĩa? Bằng chứng là thiếu gì kẻ mất chức vì ăn… hối lộ! Cũng đâu có sai với người chịu xơ gan do thích ăn… nhậu! Khi bàn về sinh tố, chữ “ăn” thường khi đồng nghĩa với uống… thuốc!
Do đó, trong toa thuốc trị bệnh mãn tính của tôi ít khi thiếu sinh tố để vừa công vừa thủ. Tất nhiên mỗi người một vẻ về nhu cầu sinh tố. Bên cạnh đó, đừng quên thuốc làm mất sinh tố nhanh nhất, nhiều nhất là thuốc lá. Thức uống gây thất thoát sinh tố đến độ không ngờ là rượu bia.
Lời thật khó tránh trái tai. Kẹt ở chỗ xứ mình nhiều người thích nói, ít người muốn nghe!