24/12/2024

Chỉ 6% khách quốc tế quay lại Việt Nam

Đó là thực tế được nêu ra tại hội nghị giữa Chính phủ với 9 địa phương trọng điểm về du lịch chiều qua (15.7) bàn về định hướng phát triển ngành du lịch VN thành ngành kinh tế trọng điểm.

 

Chỉ 6% khách quốc tế quay lại Việt Nam

Đó là thực tế được nêu ra tại hội nghị giữa Chính phủ với 9 địa phương trọng điểm về du lịch chiều qua (15.7) bàn về định hướng phát triển ngành du lịch VN thành ngành kinh tế trọng điểm.




Du khách mua vé tham quan tại một khu di tích
 /// Ảnh: Ngọc Thắng

 

Du khách mua vé tham quan tại một khu di tíchẢNH: NGỌC THẮNG


Mạnh ai nấy làm


Chỉ 6% khách quốc tế quay lại Việt Nam - ảnh 1
Muốn phát triển du lịch lúc này quan trọng hơn cả là cần bài toán tư duy. Còn một khi không thay đổi trong nhận thức, cách làm thì 5 năm sau ngành du lịch chỉ “tù tù” chứ không thể mũi nhọn được
Chỉ 6% khách quốc tế quay lại Việt Nam - ảnh 2

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ

Đề án được ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL, trình bày tại hội nghị đặt mục tiêu đến năm 2020 ngành du lịch VN “cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn để năm 2030 VN thành quốc gia phát triển về du lịch”. Theo đó, du lịch VN phấn đấu đến 2020 thu hút được 14 – 15 triệu khách quốc tế/năm, với tốc độ phát triển mỗi năm từ 12 – 14%, đạt doanh thu trên dưới 30 tỉ USD và đóng góp khoảng 10% cho GDP vào năm 2020, đồng thời tạo việc làm cho khoảng 3,5 triệu người. “Mục tiêu này hoàn toàn khả thi bởi sắp đến có nhiều thời cơ, dư địa tăng lớn, như việc chỉ tiêu này chỉ bằng 1/2 Thái Lan hiện nay, trong khi đầu tư thời gian qua sẽ phát huy tác dụng”, ông Thiện tự tin.

Tuy nhiên, góp ý cho đề án, đại diện các địa phương lại cho rằng phải thay đổi cách làm, cách tư duy thì mới mong du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn trong 5 – 10 năm tới.
Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho hay đáng ngại nhất hiện nay là tư duy ngành nào biết ngành ấy, thậm chí mạnh ai nấy làm. “Như tại TP.HCM, hạ tầng giao thông thì ông giao thông làm, nên mới có chuyện dự án du lịch đường thuỷ bị “tắc” bởi vì khi làm cầu ngành giao thông không tính đến độ tĩnh không cho thuyền chở du khách đi qua”, bà Tuyết dẫn chứng.
Minh chứng thêm cho tình trạng mạnh ai nấy làm, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Đặng Đình Dũng nêu thực trạng tỉnh nào cũng muốn tự mình ra nước ngoài xúc tiến du lịch nhưng chỉ nói tiềm năng của địa phương mình mà quên mất rằng du khách nhớ đến trước tiên phải là thương hiệu quốc gia.
“Ngay câu chuyện phân chia địa giới thôi cũng thể hiện điều này, vì một di sản có khi nằm trên nhiều tỉnh, nhưng không có sự phối hợp, thống nhất trong quản lý nên gây lãng phí nguồn tài nguyên. Do vậy, đề án cần đề cập đến tính định hướng, cần một nhạc trưởng thực quyền để giúp tăng tính liên kết vùng”, lãnh đạo TP.Hải Phòng góp ý.
Nặng việc lập cục này, quỹ kia
Dù vậy, trong phần chính sách và nhiệm vụ của đề án, ngành du lịch chỉ mới chú trọng đến các giải pháp về tài chính, tăng bộ máy, biên chế. “VN hiện chi cho quảng bá khoảng 2 triệu USD/năm, chưa bằng tiền riêng Hãng hàng không Vietnam Airlines làm hình ảnh. Bên cạnh đó cũng cần tái lập Cục Xúc tiến du lịch hoặc tăng cường các văn phòng ở nước ngoài vì hiện không có”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện kiến nghị.
Theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, cần thay đổi tư duy, cách nhìn nếu không thì “có tiền cũng chưa chắc phát triển được”. Đầu tiên, Phó thủ tướng yêu cầu những người quản lý ngành phải coi du lịch là một ngành kinh tế, tuân theo nguyên tắc kinh tế thị trường và cần những thước đo, tiêu chí để đánh giá. “Đại Nội Huế như vậy mà 1 năm thu chưa đầy 5 triệu USD nhưng chỉ tu bổ chiếc cổng đã mất 1 triệu USD, trong khi Angkor Wat của Campuchia mỗi năm thu đến 360 triệu USD, còn Hawaii thì lên tới 65 tỉ USD, vì sao mình lại bèo bọt vậy?”, Phó thủ tướng đặt câu hỏi.
Dẫn số liệu từ Hiệp hội Du lịch châu Á – Thái Bình Dương, lãnh đạo Chính phủ cho hay 90% khách quốc tế đến VN là lần đầu và chỉ 6% quay lại. Còn trong nước thì tỷ lệ này lần lượt là 39% lần đầu, 24% lần hai và 13% đến lần ba. “Tại sao lại ra nông nỗi này, phải tìm ra căn nguyên. Phải thay đổi tư duy, nếu vẫn tư duy kiểu cũ thì có quỹ gấp 100 lần mà không biết cách làm thì vẫn thế”, Phó thủ tướng nêu vấn đề và nhấn mạnh: “Căn bản là cách thức chứ không ở bao nhiêu người hay bao nhiêu tiền. Đề án quá nặng việc lập cục này quỹ kia, tăng người ở văn phòng đại diện”.
“Muốn phát triển du lịch lúc này quan trọng hơn cả là cần bài toán tư duy. Còn một khi không thay đổi trong nhận thức, cách làm thì 5 năm sau ngành du lịch chỉ “tù tù” chứ không thể mũi nhọn được” – Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cũng cho rằng, đề án chưa đề cập đến vấn đề quan trọng nhất mà cơ quan nhà nước phải làm là quy hoạch. Trong khi những việc xúc tiến, bỏ tiền thì hãy để tư nhân, doanh nghiệp làm sẽ hiệu quả hơn. “Quảng bá xúc tiến mà dùng tiền ngân sách thì không ăn thua, phải để doanh nghiệp đi, tự họ bỏ tiền vì họ biết thị trường cần gì, họ cần gì”, ông Đặng Đình Dũng, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, đồng tình.
Ở một góc độ khác, bà Bạch Tuyết kể, nhiều giám đốc bảo tàng tâm sự rằng, ngành văn hóa, bảo tàng cứ kêu không có tiền trong khi du khách nước ngoài họ lại “kêu” sao giá vé vào cửa lại rẻ đến thế, chỉ vài chục nghìn/du khách. “Như bảo tàng lịch sử, hay bảo tàng mỹ thuật có chất lượng rất cao song việc hạ thấp giá vé cũng chính là hạ thấp giá trị di tích của chúng ta”, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM bày tỏ. Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đồng tình, việc tăng giá vé trong khi chất lượng đi kèm thì không có gì phải ngại. Ví dụ câu chuyện Đại Nội tăng phí nhưng số lượng du khách vẫn tăng là minh chứng.
Trong khi đó, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, trước nay, ngành du lịch thường chạy theo chỉ tiêu về số lượng, nhưng hiện nay cần phải suy nghĩ theo hướng đi sâu vào tăng giá trị gia tăng bằng những sản phẩm, dịch vụ có chất lượng.

 

Chí Hiếu