Chắp cánh học trò nghèo
Đây là năm thứ 10 học bổng được triển khai liên tục. Và tính luôn lần thứ 10 này, học bổng “Chung một ước mơ” (CMƯM) đã chắp cánh cho 3.801 học trò nghèo có điều kiện tiếp tục học tập và xây dựng tương lai.
10 NĂM HỌC BỔNG “CHUNG MỘT ƯỚC MƠ”
Chắp cánh học trò nghèo
Đây là năm thứ 10 học bổng được triển khai liên tục. Và tính luôn lần thứ 10 này, học bổng “Chung một ước mơ” (CMƯM) đã chắp cánh cho 3.801 học trò nghèo có điều kiện tiếp tục học tập và xây dựng tương lai.
Nguyễn Văn Phú trao đổi công việc với đồng nghiệp – Ảnh: DUYÊN PHAN |
Với nhiều giảng viên, kỹ sư… hiện tại, học bổng CMƯM ngày ấy là một động lực không thể nào quên trong hành trình phát triển bản thân.
Hết lo rồi!
Đó là niềm reo vui của nhiều cựu học sinh nghèo từng nhận học bổng CMƯM khi nhớ lại những tháng ngày gian khổ. Suất học bổng được trao vào dịp gần đầu năm học mới giúp học trò nghèo có tiền mua sách vở, đồ dùng học tập, đóng học phí năm học mới.
Giảng viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, anh Trần Văn Mười (nhận học bổng năm 2009) nói không thể nào quên được khoảnh khắc đó. Khi đó cha mẹ làm nông, nhà có chín anh chị em cùng đi học. “Học bổng đến rất đúng lúc với tôi. Đó là cuối năm lớp 11 đầu năm lớp 12. Tôi đã dùng số tiền đó để đóng học phí, mua sách tham khảo, nhờ vậy mà lớp 12 tôi học khá tốt” – anh Mười kể lại.
Cùng nhận học bổng năm 2009, anh Đặng Hữu Lễ, kỹ sư vận hành sản xuất Công ty Nestle VN, nói: “Thật sự học bổng lúc đó với tôi là số tiền lớn. Nó giúp tôi mọi thứ để an tâm đến trường”.
Trong khi đó cô học trò Nguyễn Thị Hồng Thảo (Bình Thuận) khi biết tin mình được nhận học bổng CMƯM năm 2011 đã vui đến phát khóc ngay tại lớp học. Thảo kể nhà không có ruộng, vườn, ngay cả khu đất nhà đang ở cũng không phải của gia đình. Cha thì ai thuê gì làm đó, mẹ buôn gánh bán bưng nên không đủ lo cho ba người con cùng ăn học.
“Tôi nhận được 4 triệu đồng, đưa mẹ một phần để trang trải chuyện học cho người chị đang học ĐH, lo mua thuốc đau cột sống cho mẹ, đau bao tử cho cha. Phần còn lại dùng vào việc học của bản thân và em gái. Tôi đã vươn lên từ đó” – Hồng Thảo chia sẻ. Hiện Thảo là chuyên viên tư vấn tại Công ty CP địa ốc Kim Phát.
Động lực vươn lên
Nhiều cô cậu học trò không chỉ được nhận học bổng CMƯM một lần mà còn được theo dõi đến khi trở thành tân sinh viên để được trợ lực. Các cô cậu học trò nghèo còn được gặp nhau, giao lưu, từ đó họ nhận thêm động lực để bay cao, vươn xa.
Anh Trần Văn Mười kể lại trong hai lần nhận học bổng, anh làm quen được nhiều bạn với nhiều hoàn cảnh khác nhau nhưng đều học rất giỏi. “Có nhiều bạn còn là thần tượng của tôi một thời để tôi cố gắng hơn” – anh Mười cho biết.
Chị Nguyễn Thị Minh Tâm, nhân viên giao dịch của Ngân hàng VietinBank, cũng hai lần nhận được học bổng CMƯM. Lần đầu vào năm 2008. Tâm kể khi ấy mẹ thất nghiệp, cha làm bảo vệ là trụ cột chính trong gia đình. Với đồng lương ít ỏi nhưng phải nuôi sống bốn người trong gia đình khi cha Tâm lại mắc bệnh tim phải uống thuốc mỗi ngày, học bổng giúp cô vươn lên và năm sau Tâm thi đậu vào Đại học Ngân hàng TP.HCM, và lần thứ hai được nhận học bổng dành cho tân sinh viên.
“Các bạn trẻ không may có hoàn cảnh khó khăn hãy vững tin, tương lai phía trước còn rất dài, xã hội còn nhiều tấm lòng hảo tâm luôn quan tâm và chia sẻ với các bạn. Giữ cho mình một niềm tin, một ý chí phấn đấu không bao giờ đầu hàng trước số phận, không ngừng cố gắng” – Tâm nhắn nhủ.
Thạc sĩ địa lý học Trương Thị Thanh Tuyền, nhận học bổng năm 2008, bùi ngùi nhớ đến thời điểm đó học lớp 11 với hoàn cảnh gia đình ngặt nghèo: cha bị gai cột sống mất sức lao động, mẹ làm điều dưỡng tại bệnh viện cách nhà hơn 20km nuôi cả gia đình và lo chuyện ăn học của hai chị em.
“Việc nhận học bổng CMƯM đã tạo động lực thôi thúc tôi rèn luyện, học tập đạt được những thành tích mới để được đứng trên những sân khấu lớn hơn, khẳng định bản thân mình. Học bổng CMƯM là một trong những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời của tôi, giúp tôi động lực để vào ĐH và đạt thủ khoa đầu ra của ngành” – Thanh Tuyền nói.
Ba năm liền (2013-2015) nhận học bổng CMƯM, Nguyễn Thị Huyền My, sinh viên năm nhất Trường đại học Kinh tế TP.HCM, nói rằng mình rất may mắn. Cả gia đình từ Lâm Đồng qua Bình Phước lập nghiệp nhưng không có tấc đất cắm dùi. Cha mẹ đi làm thuê đủ nghề. Ngoài giờ học, My tranh thủ đi phụ đám tiệc, lột hạt điều để phụ mẹ tiền đi chợ.
“Học bổng đã hoàn toàn thay đổi cuộc sống của tôi, giúp tôi tự tin hơn với hoàn cảnh của mình, luôn nỗ lực cố gắng để sống tốt hơn, biết vươn lên trong học tập cũng như trong cuộc sống” – My nói.
3.801 học sinh được chắp cánh từ học bổng CMƯM Trong hai ngày 13 và 14-7-2016 tại TP.HCM, báo Tuổi Trẻ, Thành đoàn TP.HCM phối hợp cùng Tập đoàn SCG (Thái Lan) tổ chức lễ trao học bổng cho 350 học sinh THPT vượt khó, học giỏi của bảy tỉnh, thành Đông Nam bộ với tổng kinh phí hơn 1,4 tỉ đồng (4 triệu đồng/học bổng và quà lưu niệm). Riêng 50 học sinh khu vực thành phố Hà Nội sẽ được tổ chức lễ trao ngày 25-7. 10 năm qua, học bổng CMƯM đã trao 3.801 suất học bổng (hơn 18,9 tỉ đồng) cho học sinh hiếu thảo, có hoàn cảnh khó khăn, học giỏi với nhiều khát vọng đóng góp xây dựng quê hương, đất nước. Đặc biệt qua 10 năm thực hiện, học bổng cũng trao thêm phần thưởng cho 125 tân sinh viên là học sinh từng nhận học bổng đậu đại học ngành kỹ sư, quản trị kinh doanh, marketing và kế toán (trị giá 3-7 triệu đồng/phần thưởng). Học bổng CMƯM thuộc chương trình “Vì ngày mai phát triển” của báo Tuổi Trẻ và chương trình “Phác họa tương lai” của Tập đoàn SCG (Thái Lan) đã được thực hiện liên tục suốt 10 năm qua. |
Là một trong số học trò nhận học bổng CMƯM lần đầu tiên, chị Đặng Trần Thanh Thảo, kế toán Công ty CP DV Gia tăng Mobifone, nói suất học bổng năm học lớp 11 là cột mốc trong cuộc đời không thể nào quên. Khi đó mẹ Thảo đang bị suy nhược và không thể làm công việc hằng ngày. “Số tiền học bổng như một cơn mưa tưới mát đồng ruộng đang khô cằn vì nắng hạn. Cầm tiền học bổng mà cha mẹ tôi đã vui sướng, ôm nhau mừng chảy nước mắt. Mẹ đã dùng tiền mua cho tôi một chiếc xe đạp mới. Hằng ngày đến trường trên chiếc xe đạp có được từ suất học bổng, trong lòng tôi như luôn được thắp lửa và rạo rực” – Thanh Thảo bồi hồi nhớ lại. Thảo cho biết thêm hai năm tiếp theo, em gái Thảo được tiếp nối nhận học bổng lớp 11, 12 và học bổng vào đại học. “Hiện tại gia đình tôi đã bớt khó khăn và vất vả, hai chị em đã có công việc ổn định ở Sài Gòn. Mẹ cũng chuyển lên ở cùng hai chị em và bây giờ gia đình đã dành dụm mua được một căn hộ chung cư để định cư lâu dài” – Thảo vui vẻ cho biết. |
Nhớ về ngày được nhận học bổng CMƯM đầu tiên của chương trình (năm 2007), Nguyễn Văn Phú, nhân viên Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM, chia sẻ: “Suất học bổng 2 triệu đồng ngày đó là con số mơ cũng không thấy của một cậu học trò lớp 11. Tôi còn được đi du lịch Vũng Tàu. Sau khi nhận được suất học bổng này, cha mẹ tôi trích ra một phần mua ngay cho tôi chiếc xe đạp và nó đã đồng hành với tôi tới tận năm thứ năm đại học. Bây giờ chiếc xe đạp ấy tôi đã tặng lại cho một cậu học sinh lớp 11 ở quê và tôi nói với cậu ấy rằng đây là một vật may mắn của tôi và cậu ấy rất trân trọng. Hi vọng nó cũng sẽ mang đến may mắn cho cậu trò nghèo ấy” – Phú nói. |