24/12/2024

Không cúi chào người chết, người lớn không thể vô can

Tiếp tục những bàn luận quanh chuyện “cúi chào đám tang”, chúng tôi giới thiệu bài viết của nhà văn – dịch giả Nguyễn Bích Lan (nhân vật tự truyện Không gục ngã) nhìn từ góc độ trách nhiệm người lớn.

 

Không cúi chào người chết, người lớn không thể vô can

 

Tiếp tục những bàn luận quanh chuyện “cúi chào đám tang”, chúng tôi giới thiệu bài viết của nhà văn – dịch giả Nguyễn Bích Lan (nhân vật tự truyện Không gục ngã) nhìn từ góc độ trách nhiệm người lớn.

 

 

 

 

Không cúi chào người chết, người lớn không thể vô can
Đi học về chào hỏi ông bà là điều mà các bậc phụ huynh cần dạy cho trẻ từ nhỏ, giúp hình thành tính cách tốt đẹp cho thế hệ trẻ – Ảnh: DUYÊN PHAN

 

 

Bài viết “Khi xe tang đi qua” trên Tuổi Trẻ cũng như các ý kiến bình luận của bạn đọc đáng để chúng ta suy nghĩ. Một lần nữa, giáo dục – một vấn đề lớn – được một câu chuyện nhỏ chạm tới ở nhiều góc độ.

Bình luận về bài viết này, nhiều người chia sẻ rằng ngả mũ tiễn biệt người đã khuất khi gặp xe tang trên đường là điều họ đã được học từ nhỏ. Và có không ít người tỏ ý tiếc nuối rằng lớp trẻ bây giờ không có thói quen đó.

Theo tôi, việc giáo dục con người, giáo dục công dân thuộc về trách nhiệm gia đình, nhà trường và xã hội. Người lớn có xu hướng trách con trẻ bây giờ vô lễ, nhưng ai nếu không phải là chính người lớn, các bậc cha mẹ, thầy cô, các công dân trưởng thành trong xã hội phải chịu trách nhiệm về điều đó?

Không cúi chào người chết, người lớn không thể vô can
Nguyễn Bích Lan – Ảnh: Q.Việt

Tôi và những người bạn đang nuôi con ở tuổi thiếu niên, nhi đồng, ngồi với nhau thường phàn nàn: “Dạy con bây giờ khó quá, bọn trẻ không tiếp thu, cứ làm theo ý chúng”.

Nói xong, chúng tôi tự ngẫm một cách trung thực với lòng mình và biết rằng xét về nhiều góc độ, mình không có tư cách để dạy bất cứ ai.

Con trẻ hằng ngày thấy những ví dụ về người lớn bận mãi kiếm tiền, không dành nhiều thời gian cho gia đình con cái, người lớn nói một đằng làm một nẻo, người lớn làm tổn thương nhau đủ kiểu, người lớn không xếp hàng, người lớn vi phạm luật giao thông, người lớn lừa lọc nhau, người lớn đổ lỗi cho nhau và rất ít khi dũng cảm tự nhận lỗi…

Vậy thì người lớn dạy trẻ về cách sống, về văn hóa, con trẻ có nghe không?

Người lớn chúng ta được dạy những bài học về cách ứng xử có văn hóa từ tấm bé nhưng bản thân không áp dụng để những cử chỉ đẹp trở thành thói quen, trở nên bình thường, lẽ thường chứ không bất thường trong xã hội, liệu có dám mong con cháu mình, học trò của mình tự nhiên biết ứng xử đẹp không?

Tôi tin rằng một đứa trẻ 6 tuổi cũng có thể cảm nhận được lời nói nào của cha mẹ chúng không có tác dụng, chỉ là “nói để mà nói” vì thiếu việc làm cụ thể để chứng minh, thậm chí được hành động của cha mẹ chứng minh ngược lại.

Tương tự, một học sinh tiểu học cũng có thể nhận ra hành động nào của thầy cô đi ngược với lời thầy cô nói. Nghiêm túc nhìn lại bản thân trong một xã hội tràn lan những cách ứng xử không đẹp, có thể thấy người lớn chúng ta không thể vô can.

Đã đến lúc người lớn chúng ta cần phải trung thực và nghiêm khắc nhìn lại chính mình để thay đổi cách giáo dục con trẻ. Cách thay đổi tốt nhất là làm gương bằng chính hành động, cách cư xử của bản thân đối với người thân, cộng đồng và xã hội.

Chúng ta, những người lớn, cần khiêm tốn để học lại những bài học về văn h ứng xử mà mình đã được học từ nhỏ nhưng đã lãng quên hoặc lười áp dụng vào cuộc sống thường ngày và chủ động học những cách cư xử mới tốt đẹp, có văn hoá.

Người lớn cần phải học hỏi, tự rèn mình để có thể tự tin, trở nên thuyết phục khi truyền dạy những điều tốt đẹp cho con trẻ. Giáo dục đối với trẻ em trong nhà trường là bắt buộc, nhưng giáo dục đối với người trưởng thành đã ra khỏi nhà trường là sự tự nguyện.

Thay vì phán xét và chỉ trích, người lớn chúng ta hãy tự nguyện giáo dục chính mình để tạo ra những thế hệ tương lai như mình mong muốn. Có như vậy những giá trị truyền thống tốt đẹp của người Việt mới trường tồn.

“Chỉ khi những cử chỉ, những cách ứng xử đẹp như việc cúi chào tiễn biệt người đã khuất không trở nên khác thường và đơn độc thì chúng ta mới có thể tự hào coi mình là con người của một xã hội văn minh”

NGUYỄN BÍCH LAN