23/01/2025

‘Ông lớn’ vay nhiều, Chính phủ nặng nợ

Tính đến hết 31.12.2015, số tiền Chính phủ cam kết bảo lãnh để các doanh nghiệp, mà phần lớn là các “ông lớn” nhà nước vay đã lên đến 25,98 tỉ USD.

 

‘Ông lớn’ vay nhiều, Chính phủ nặng nợ

Tính đến hết 31.12.2015, số tiền Chính phủ cam kết bảo lãnh để các doanh nghiệp, mà phần lớn là các “ông lớn” nhà nước vay đã lên đến 25,98 tỉ USD.




Vietnam Airlines lên kế hoạch bán và thuê lại máy bay để giảm áp lực trả nợ bảo lãnh  /// Ảnh: VNA

Vietnam Airlines lên kế hoạch bán và thuê lại máy bay để giảm áp lực trả nợ bảo lãnhẢNH: VNA


Tính đến hết năm 2015, số tiền mà Chính phủ cam kết bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay đã lên đến gần 26 tỉ USD trong khi tổng dư nợ xấp xỉ 21 tỉ USD (gần 460.000 tỉ đồng), chiếm khoảng 17,6% tổng dư nợ công và bằng 11,1% GDP.
Tăng gấp 3 lần
Bộ Tài chính vừa có báo cáo gửi Thủ tướng về việc bảo lãnh vay nợ cho các dự án, chương trình trong năm 2015. Theo đó, tính đến hết 31.12.2015, số tiền Chính phủ cam kết bảo lãnh để các doanh nghiệp, mà phần lớn là các “ông lớn” nhà nước vay đã lên đến 25,98 tỉ USD. Trong số này, hơn 21,8 tỉ USD là từ các tổ chức quốc tế, chiếm gần 84%; hơn 4,1 tỉ USD còn lại là cam kết với các tổ chức tín dụng VN. Đến hết năm ngoái, lũy kế rút vốn là 20,6 tỉ USD và lũy kế trả nợ (gốc và lãi) trên 10,1 tỉ USD.
 
 

Trong giai đoạn 2011 – 2015, Bộ Tài chính đã cấp bảo lãnh vay trong và ngoài nước cho 35 chương trình, dự án với tổng số vốn cam kết tương đương 15,6 tỉ USD và hầu hết là vay từ ngoài nước (14 tỉ USD) với thời hạn trả nợ trung bình 12 năm. Số tiền cam kết bảo lãnh giai đoạn kể trên đã gấp gần 3 lần con số 5,7 tỉ USD của thời kỳ 2007 – 2010. Điều này cho thấy nhu cầu vay vốn đầu tư tăng nhanh trong 5 năm qua, mà đỉnh điểm là năm 2012 khi số tiền huy động vốn thông qua bảo lãnh Chính phủ lên đến 4,35 tỉ USD.

Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước dẫn đầu trong danh sách được bảo lãnh vay nợ là Tập đoàn điện lực (EVN), Tập đoàn dầu khí (PVN), Tổng công ty hàng không VN (Vietnam Airlines)… Còn xét theo lĩnh vực, thì điện và giao thông là những ngành được bảo lãnh nhiều nhất. Ví dụ trong năm 2015, việc cấp bảo lãnh Chính phủ tập trung chủ yếu vào chương trình phát triển đội bay của Tổng công ty hàng không, dự án đường Hồ Chí Minh và đặc biệt là các dự án thuộc sơ đồ điện 7. Chỉ riêng 4 dự án điện đã lên đến 2,1 tỉ USD. Con số này đã nâng tỷ trọng vay bảo lãnh của điện từ 56% của năm 2014 lên mức 61% khi kết thúc năm 2015. Điều này khiến Bộ Tài chính rất lo lắng và kiến nghị, trong trường hợp EVN và PVN tiếp tục có các dự án đầu tư với khối lượng huy động vốn lớn cần Chính phủ bảo lãnh thì Quốc hội cần xem xét phê duyệt tổng thể việc cấp bảo lãnh với lĩnh vực điện.


'Ông lớn' vay nhiều, Chính phủ nặng nợ - ảnh 1
Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng từ năm 2017 tạm dừng phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh cho các dự án mới để đảm bảo an toàn nợ công.
Đối với dự án đã có chủ trương cấp bảo lãnh, cần tăng cường thẩm định và tuân thủ các tiêu chí đã được Thủ tướng phê duyệt bên cạnh các điều kiện cấp bảo lãnh theo quy định của luật Quản lý nợ công

'Ông lớn' vay nhiều, Chính phủ nặng nợ - ảnh 2



Ngoài ra, khoản bảo lãnh để hai ngân hàng chính sách phát hành trái phiếu cũng rất lớn khi tính đến hết năm ngoái, dư nợ trái phiếu chính phủ bảo lãnh của Ngân hàng Phát triển (VDB) là 127,6 nghìn tỉ đồng và của Ngân hàng Chính sách xã hội là gần 33,87 nghìn tỉ đồng. Điều đáng ngại là, trong giai đoạn 2011 – 2015, hai ngân hàng này chủ yếu huy động ngắn hạn dưới 5 năm và có xu hướng giảm khối lượng trái phiếu 10 năm trong khi cho vay chủ yếu là các dự án có vòng đời 7 – 10 năm khiến Bộ Tài chính coi đây là “rủi ro lớn”.

Do vậy, cơ quan quản lý ngân sách tính toán, để giảm mức cấp bảo lãnh giai đoạn 2016 – 2020 còn khoảng 50% so với hiện nay thì sẽ tập trung điều chỉnh giảm tốc độ tăng dư nợ bảo lãnh trong nước của hai ngân hàng chính sách xuống từ 4 – 6%/năm thay vì 10%/năm như hiện giờ.
Áp lực lên nợ công
Tính đến hết năm 2015, tổng dư nợ được Chính phủ bảo lãnh xấp xỉ 460.000 tỉ đồng (bao gồm cả nợ được bảo lãnh để tái cơ cấu Tổng công ty công nghiệp tàu thủy SBIC), chiếm khoảng 17,6% tổng dư nợ công và bằng 11,1% GDP.
Trong vòng 5 năm tới (2016 -2020), Bộ Tài chính đang trình Quốc hội phương án giảm mức rút vốn ròng hằng năm của các dự án vay nước ngoài ở mức 1,5 tỉ USD và trong nước là 5.000 tỉ đồng để kiểm soát nợ công, đảm bảo mục tiêu đến năm 2020 dư nợ vay được Chính phủ bảo lãnh có thể ở mức 15,6% tổng dư nợ công và trong khoảng 10% GDP.
Do đó, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng từ năm 2017 tạm dừng phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh cho các dự án mới để đảm bảo an toàn nợ công. Đối với dự án đã có chủ trương cấp bảo lãnh, cần tăng cường thẩm định và tuân thủ các tiêu chí đã được Thủ tướng phê duyệt bên cạnh các điều kiện cấp bảo lãnh theo quy định của luật Quản lý nợ công.
Theo chuyên gia Vũ Đình Ánh, nếu vay đầu tư hiệu quả thì không có gì đáng lo song trên thực tế nhiều khoản vay bảo lãnh cho các tổng công ty, tập đoàn làm ăn kém, thậm chí mất vốn, phá sản và phải đẩy nghĩa vụ trả nợ cho nhà nước. “Do đó, đặt vấn đề giảm nợ bảo lãnh là cần thiết. Tuy nhiên, không nên đặt vấn đề giảm tỷ trọng nợ bảo lãnh Chính phủ trong cơ cấu nợ công mà nên đặt kế hoạch hạ con số tuyệt gần 26 tỉ USD xuống còn bao nhiêu”, ông nói. “26 tỉ USD cam kết và dư nợ khoảng 21 tỉ USD là nợ bảo lãnh Chính phủ thì quả là con số đáng sợ”, chuyên gia Bùi Trinh cũng lo ngại. Bởi việc sử dụng hiệu quả đồng vốn của khối doanh nghiệp nhà nước rất thấp. Minh chứng rõ nhất nằm ở hàng loạt công trình nghìn tỉ mà chủ đầu tư chính là các “ông lớn” nhà nước đang sống dở chết dở như xơ sợi Đình Vũ, gang thép Thái Nguyên mở rộng hay các nhà máy xi măng phải chuyển lại cho tư nhân với giá rẻ. “Đặc biệt, giữa bối cảnh vốn cho đầu tư công ngày càng ít, đã về dưới 20% chi ngân sách, trong khi áp lực trả nợ ngày một lớn, khái niệm vay đảo nợ được nói ngày một nhiều thì càng cần phải xem xét tới tính hiệu quả của từng đồng đi vay”, ông Trinh nói.
Nhận xét về mục tiêu giảm tỷ trọng nợ bảo lãnh trong cơ cấu nợ công, ông Vũ Đình Ánh cho rằng sẽ không có nhiều ý nghĩa cho an toàn tài chính công một khi tỷ lệ nợ công/GDP chưa giảm. “Bởi vì cơ cấu nợ công gồm 3 phần, nợ Chính phủ (đi vay), nợ bảo lãnh Chính phủ và thêm nợ chính quyền địa phương. Do vậy, việc giảm tỷ trọng của cái này sẽ làm phình tỷ trọng của cái kia nếu tổng tỷ trọng nợ công/GDP không đổi. Mà giả thiết nếu tăng phần nợ Chính phủ đi vay thì rất nguy hiểm vì hiện sắp đụng trần theo quy định”, TS Vũ Đình Ánh phân tích. Trong trường hợp này, ông Ánh dự báo khả năng cao là Chính phủ sẽ phải tăng tỷ trọng nợ chính quyền địa phương thông qua ràng buộc trách nhiệm của các tỉnh thành với vốn vay ODA.
Tại phiên họp Chính phủ trực tuyến ngày 1.7, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, việc quản lý nợ công đang được triển khai quyết liệt, theo hướng kiểm soát chặt việc vay về cho vay lại. Phát hành trái phiếu đã có kỳ hạn ngày càng dài ra, lãi suất thấp hơn. Dù vậy, ông cũng thừa nhận, vấn đề sử dụng vốn vay, nhất là vay từ nước ngoài vẫn hiệu quả thấp dẫn đến có tình trạng Chính phủ bảo lãnh cho doanh nghiệp nhưng sau đó lại chuyển thành nợ Chính phủ, “điều này là không được, phải siết chặt hơn”, ông Dũng nói.

 

Chí Hiếu