04/01/2025

Chia rẽ ASEAN, Trung Quốc tự phá ý đồ lớn

Mặc dù ngăn được ASEAN công bố tuyên bố chung về vấn đề Biển Đông ngày 14.6, song Trung Quốc đã tự phá hoại các ý đồ thâm hiểm hơn của mình, các chuyên gia nhận định.

 

Chia rẽ ASEAN, Trung Quốc tự phá ý đồ lớn

Mặc dù ngăn được ASEAN công bố tuyên bố chung về vấn đề Biển Đông ngày 14.6, song Trung Quốc đã tự phá hoại các ý đồ thâm hiểm hơn của mình, các chuyên gia nhận định.




Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN, Trung Quốc cùng Tổng thư ký ASEAN chụp ảnh lưu niệm tại cuộc họp /// Reuters

Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN, Trung Quốc cùng Tổng thư ký ASEAN chụp ảnh lưu niệm tại cuộc họpREUTERS


Báo The Straits Times (Singapore) ngày 16.6 đăng trang nhất bản tin “Bản đồng thuận” của Trung Quốc gây chia rẽ ASEANgiữa lúc dư luận, một lần nữa, thất vọng trước việc các ngoại trưởng ASEAN không công bố được bản tuyên bố chung về tình hình Biển Đông sau cuộc họp đặc biệt với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam nước này từ 13 – 14.6.
Bản tin cho biết vào cuối cuộc họp, phía Trung Quốc đưa ra “bản đồng thuận 10 điểm” đề nghị ASEAN xem xét chấp thuận, trong khi Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan, trong vai trò đồng chủ tọa cuộc họp, đưa ra bản tuyên bố chung của các ngoại trưởng ASEAN về vấn đề Biển Đông với “lập trường khác biệt”.
Tuyên bố chung này đã được các ngoại trưởng ASEAN đồng ý và dự trù sẽ được ông Balakrishnan đọc tại cuộc họp báo kết thúc mà ông và ông Vương Nghị sẽ đồng chủ trì. Tuyên bố nêu rõ các ngoại trưởng ASEAN “lo ngại nghiêm trọng” về những gì đã và đang diễn ra trên Biển Đông và kêu gọi ASEAN, Trung Quốc hợp tác giải quyết tránh căng thẳng leo thang.
Do “không thể chấp nhận” đề nghị của Bắc Kinh, các ngoại trưởng ASEAN quyết định ông Balakrishnan không đồng chủ trì cuộc họp báo, vì “thể hiện sự bất đồng với Trung Quốc trước báo chí sẽ là hành động thô thiển”. Đồng thời, ASEAN cũng không công bố bản tuyên bố chung, do Lào và Campuchia – hai quốc gia nhận nhiều đầu tư từ Trung Quốc – từ chối thông qua vào phút chót.
Thay vào đó, mỗi thành viên ASEAN có thể tự đưa ra thông cáo riêng. Trong khi Singapore, Indonesia và Việt Nam ra thông cáo riêng về cuộc họp, Malaysia đã quyết định tung bản tuyên bố cho báo chí tối 14.6, và thông báo “rút lại” sau 3 giờ do có “những điều chỉnh khẩn cấp”.
“Thô lỗ và ngạo mạn”

 Bình luận về hành động của Malaysia – quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và từng chọn thái độ im lặng, nhũn nhặn trước Bắc Kinh, một nhà ngoại giao ASEAN không muốn nêu tên nói với The Straits Times: “Việc Malaysia quyết định công khai bản tuyên bố là sự thể hiện nỗi thất vọng cực kỳ của 5 quốc gia thành viên sáng lập ASEAN và Việt Nam trước sự thô lỗ và ngạo mạn đặc biệt của phía Trung Quốc”. Năm thành viên sáng lập ASEAN năm 1967 gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan.

Chia rẽ ASEAN, Trung Quốc tự phá ý đồ lớn - ảnh 2

Hội nghị ngoại trưởng các nước ASEAN và Trung Quốc vừa diễn ra ở Vân Nam, Trung QuốcREUTERS

Trong khi đó, trên trang The Diplomat ngày 16.6, nhà quan sát Prashanth Parameswaran nhận định: “Trung Quốc – không phải ASEAN – mới là kẻ thất bại thật sự tại Hội nghị Côn Minh”. Theo ông Parameswaran, Trung Quốc thất bại bởi hành động cản phá việc ra tuyên bố chung của ASEAN đã chứng minh rõ ràng rằng 3 mục tiêu rao giảng của Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông là ngụy ngữ.
Các “rao giảng” đó gồm: Trung Quốc và từng quốc gia ASEAN đủ năng lực để giải quyết các bất đồng về Biển Đông; vấn đề Biển Đông không làm ảnh hưởng quan hệ ASEAN – Trung Quốc; và Biển Đông không phải là vấn đề tranh chấp giữa Trung Quốc và toàn khối ASEAN.
“Phản ứng nhanh chóng và quyết đoán thể hiện qua việc Malaysia công khai bản thảo tuyên bố chung, việc nhiều thành viên ASEAN ra thông cáo riêng, và việc thiếu vắng một cuộc họp báo chung tự chúng đã nói rõ sự bác bỏ của ASEAN đối với các rao giảng đó”, tác giả Parameswaran kết luận.
Chiều qua 16.6, TTXVN đã giới thiệu bản Tuyên bố báo chí của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với nội dung về Biển Đông không có điều chỉnh gì so với bản Malaysia cung cấp cho báo chí ngày 14.6. Trả lời Thanh Niên về diễn biến này, Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh nói: “Tất cả đã đồng ý phát hành bản thông cáo, trừ Campuchia. Đã có thoả thuận nếu không có đồng thuận của toàn khối thì từng nước ASEAN riêng rẽ có thể sử dụng nội dung thông cáo này thông báo cho báo chí”.
Các nước ASEAN đã đồng thuận nhất trí về nội dung Tuyên bố báo chí
Về thông tin liên quan đến Tuyên bố báo chí của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình hôm qua 16.6 nêu rõ: “Tại hội nghị, các nước ASEAN đã đồng thuận nhất trí về nội dung Tuyên bố báo chí của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, thể hiện những đánh giá của ASEAN về kết quả tích cực của hội nghị và các vấn đề quan trọng được trao đổi tại hội nghị, trong đó có lập trường chung của các nước ASEAN về vấn đề Biển Đông. Các nước ASEAN cũng nhất trí một trong các hình thức công bố tuyên bố này là Bộ trưởng Ngoại giao Singapore, hiện là nước điều phối quan hệ ASEAN – Trung Quốc, sẽ sử dụng khi họp báo chung với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc sau hội nghị. Hiện các nước ASEAN đang trao đổi về việc công bố Tuyên bố báo chí này”.
Theo TTXVN


 

Thục Minh 
(Văn phòng Singapore)