Thiết kế tiêm kích F-15 lọt vào tay Triều Tiên
Hàn Quốc cáo buộc tin tặc CHDCND Triều Tiên xâm nhập trên 130.000 máy tính ở nước này, lấy cắp hơn 40.000 tài liệu, trong đó có thiết kế của tiêm kích F-15.
Thiết kế tiêm kích F-15 lọt vào tay Triều Tiên
Hàn Quốc cáo buộc tin tặc CHDCND Triều Tiên xâm nhập trên 130.000 máy tính ở nước này, lấy cắp hơn 40.000 tài liệu, trong đó có thiết kế của tiêm kích F-15.
Ngày 14.6, tờ Korea JoongAng Daily dẫn thông cáo từ Cơ quan Cảnh sát quốc gia Hàn Quốc (NPA) công bố đợt tấn công quy mô cực lớn do tin tặc Triều Tiên tiến hành nhằm vào mạng nội bộ của 27 công ty thuộc 2 tập đoàn công nghiệp vào hàng lớn nhất nước này là SK Group và Hanjin Group.
Theo đó, tin tặc Triều Tiên dồn dập xâm nhập trên 130.000 máy tính, lấy cắp tổng cộng 42.608 tài liệu trong giai đoạn tháng 7.2014 đến tháng 2.2016. Trong đó, có trên 40.000 tài liệu liên quan đến quốc phòng như hình ảnh máy bay không người lái (UAV) tầm trung của Hàn Quốc và bản thiết kế cánh của chiến đấu cơ F-15K.
Đây là một trong những loại tiêm kích đa nhiệm chủ lực của không quân Hàn Quốc, được lắp ráp tại Mỹ nhưng nhiều phụ tùng và bộ phận quan trọng do các công ty Hàn Quốc đảm nhiệm sản xuất. Dữ liệu liên quan đến máy bay này và UAV bị thất thoát từ hệ thống máy tính của Korean Air, công ty con thuộc Tập đoàn Hanjin Group và là nhà sản xuất nhiều loại phụ tùng khí tài quốc phòng cho quân đội miền Nam, theo tờChosun Ilbo.
Giới điều tra Hàn Quốc cho biết tin tặc miền Bắc xâm nhập hệ thống quản lý của một nhà cung cấp giải pháp an ninh mạng lớn rồi phát tán 33 mã độc khác nhau, lan rộng đến cơ sở dữ liệu mục tiêu. Tại miền Nam, có đến 160 doanh nghiệp, cơ quan nhà nước và tổ chức tư nhân sử dụng giải pháp bảo mật từ nhà cung cấp nói trên.
Sau quá trình điều tra, NPA đưa ra kết luận tin tặc thuộc Tổng cục Trinh sát Triều Tiên đã dùng địa chỉ IP có nguồn gốc từ quận Ryugyong thuộc thủ đô Bình Nhưỡng để tấn công 2 tập đoàn SK Group và Hanjin Group. Đây cũng chính là địa chỉ được dùng để tấn công hệ thống máy tính của 3 đài truyền hình và 2 ngân hàng lớn ở miền Nam, khiến 48.000 máy tính bị tê liệt hồi tháng 3.2013, theo tờ JoongAng Ilbo.
Cũng trong ngày 14.6, NPA và giới chức quốc phòng Hàn Quốc trấn an rằng những thông tin nhạy cảm hoặc thuộc dạng tối mật như công nghệ động cơ, hệ thống điện tử của F-15 hay kế hoạch phát triển UAV, vẫn được bảo mật an toàn. “Vụ rò rỉ có thể gây tác động không đáng kể tới an ninh quốc gia”, tờ The Wall Street Journal dẫn lời một quan chức Bộ Quốc phòng khẳng định.
Tuy nhiên, trên các diễn đàn mạng, nhiều ý kiến tỏ ra nghi ngờ về những tuyên bố trên, đồng thời đặt câu hỏi về lý do tại sao tới hơn một năm rưỡi NPA mới phát hiện ra đợt tấn công.
Bên cạnh đó, NPA cho biết thêm đã tăng cường theo dõi nguy cơ tấn công mạng từ Triều Tiên sau khi nước này tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch hồi tháng 1.2016. Cơ quan này tuyên bố nhờ khám phá đợt tấn công nói trên, họ đã “ngăn chặn thành công” một chiến dịch “huỷ diệt mạng chưa từng có” của miền Bắc.
Đến nay, Triều Tiên chưa có phản ứng chính thức về các cáo buộc trên. Theo The Wall Street Journal, những người Triều Tiên đào tẩu và giới chuyên gia cho rằng nước này đang nắm trong tay một lực lượng tin tặc hùng hậu với khả năng ngày càng được tăng cường không thua kém bất cứ quốc gia nào.
Triều Tiên “có thể chế tạo 10 đầu đạn hạt nhân”
Yonhap ngày 14.6 dẫn dữ liệu mới do Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) ở Thuỵ Điển công bố cho thấy tính đến tháng 1.2016, CHDCND Triều Tiên sở hữu lượng nguyên liệu đủ để chế tạo 10 đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên, SIPRI thừa nhận không thể khẳng định Bình Nhưỡng có khả năng triển khai vũ khí hạt nhân hay không. Cũng theo số liệu của tổ chức này, trên thế giới hiện nay ước tính có 15.395 đầu đạn hạt nhân, phần lớn thuộc về Mỹ và Nga. Mỹ hiện có 7.000 đầu đạn và con số của Nga là 7.290 quả.
|
Văn Khoa