27/01/2025

Chờ “giọt nước lớn” của Comfort tràn về Kon Mông Tu

Tây nguyên đang trong đợt hạn hán lịch sử. Ngoài nông sản đã thiệt hại thì ở các ngôi làng, người dân cũng phải trải qua những ngày khó khăn khi nguồn nước ở sông suối, ao hồ đã cạn kiệt.

 

Chờ “giọt nước lớn” của Comfort  tràn về Kon Mông Tu

 

Tây nguyên đang trong đợt hạn hán lịch sử. Ngoài nông sản đã thiệt hại thì ở các ngôi làng, người dân cũng phải trải qua những ngày khó khăn khi nguồn nước ở sông suối, ao hồ đã cạn kiệt.

 

 

 

 

Chờ “giọt nước lớn” của Comfort  tràn về Kon Mông Tu
Đường ống dẫn nước từ công trình cấp nước sạch do báo Tuổi Trẻ tài trợ đưa nước sạch về tận nhà rông làng Kon Mông Tu – Ảnh: T.B.Dũng

Làng Kon Mông Tu, xã Đắk Tơ Lung, huyện Kon Rẫy (Kon Tum) có hơn 350 nhân khẩu là đồng bào Xê Đăng – Tơ Đrá. Ngôi làng hoang sơ này nằm dưới các dãy núi, nơi dòng suối mẹ ở đầu nguồn hằng ngày chở giọt nước về cho người làng ăn uống.

Nhưng vài năm trở lại đây, khi những cánh rừng đã cạn dần trên đỉnh núi thì nạn khan hiếm nước diễn ra gay gắt.

Mày làm cán bộ, phải nói với Nhà nước làm sao cho cái nước nó chảy về làng, chứ cả hai năm nay làng phải sống khổ quá

Câu nói của già làng Kon Mông Tu 
khiến bí thư Đoàn huyện Kon Rẫy luôn trăn trở

Dân phải vật lộn 
với nguồn nước uống

Một ngày giữa tháng 5 chúng tôi đến xã Đắk Tơ Lung, chưa đến 9g sáng nhưng khoảng sân của xã đã gay gắt nắng. Có đến gần trăm bình nước uống loại 20 lít/bình đã sắp sẵn ở sân do Hội Chữ thập đỏ của xã hỗ trợ bà con trong các làng.

Nhiều tháng thiếu nước sạch, nghe xã hỗ trợ nước sạch, người dân đã chạy xe máy về xã đợi từ sáng sớm.

Anh A Khiếu (làng Kon Keng) vừa bê hai bình nước sạch lên xe máy vừa nói: “Người làng mình thiếu nước từ trước tết của người Kinh (Tết âm lịch) đến giờ, hôm qua nghe cán bộ nói bà con lên xã nhận nước nên ai cũng 
mừng lắm”.

Anh A Khiếu kể rằng người làng Kon Keng trước đây chỉ xài nước suối chảy từ trên núi về. Khi đó rừng còn nhiều, nước chảy ra các khe suối, bà con đào lỗ rồi chắt nước ra gùi về nhà quanh năm, chẳng bao giờ thiếu nước. Nhưng vài năm nay nước ít hẳn.

Suối cạn dần, hơn một năm trở lại đây thì con suối chảy qua làng có lúc nằm ngửa bụng, trơ đá. Không có nước, người làng Kon Keng phải đi đào giếng, đào xuống mười mấy mét mới thấy giọt nước trồi lên.

Đợt hạn năm nay, hầu hết các giếng trong làng đều khô đáy, người dân hết sức lo lắng, chạy ngược lên núi tìm nước. Riêng A Khiếu phải nhờ người làng đi vét giếng, tìm nước. “Bơm một lần được một xô vừa vừa thì hết nước. Đợi nước rỉ ra cả ngày, đến tối bơm tiếp” – A Khiếu kể về chuyện bơm nước giếng.

Ông Nguyễn Trọng Phấn, chủ tịch UBND xã Đắk Tơ Lung, cho biết dù chỉ vài bình nước sạch cho mỗi hộ nhưng đợt hỗ trợ cho dân lần này trong làng phải họp dân bình xét, hộ nào thật sự khó khăn mới được nhận.

Theo ông Phấn, thiếu nước căng thẳng nhất trong đợt hạn hán lịch sử này của Đắk Tơ Lung là ở làng Kon Mông Tu và Kon Vi Vàng. Đã gần nửa năm nay người dân vật lộn với nguồn nước uống bởi các dòng suối đã cạn khô, phải đi ra sông, các khe đá chắt từng giọt nước về dùng.

“Làm sao cho cái nước nó chảy về làng”

Anh Trần Quốc Bảo, bí thư Đoàn huyện Kon Rẫy, kể hai năm nay mỗi khi vào làng tiếp xúc với bà con ở Kon Mông Tu, vị già làng và thôn trưởng hay kéo anh đến góc nhà rông rồi bảo rằng: “Mày làm cán bộ, phải nói với Nhà nước làm sao cho cái nước nó chảy về làng, chứ cả hai năm nay làng phải sống khổ quá. Phụ nữ phải đi cõng nước từng gùi từ nơi cách làng rất xa về xài. Thiếu nước thì người lớn khổ, trẻ con nó cứ quấy khóc vì ngứa ngáy, không được tắm rửa, già làng rất thương mà không biết làm sao”.

Cũng theo anh Trần Quốc Bảo, khi được nghe xã thông tin việc Tuổi Trẻ và nhãn hàng Comfort thực hiện chiến dịch “Sẻ chia nước sạch” sẽ phối hợp với Tỉnh đoàn Kon Tum xây tặng bà con một công trình nước sạch, bắt cái vòi nước tận trên đỉnh núi để bắt dòng nước phải chảy về tận nhà rông thì người làng mừng lắm. Già làng họp dân, bàn kế hoạch hỗ trợ xã, rồi bảo bà con rằng sắp tới có nước sạch, mà cái nước này dẫn từ trên đỉnh về, chảy cả ngày lẫn đêm cho làng dùng thoải mái thì ai cũng 
vỗ tay…

Thực hiện kế hoạch làm công trình nước sạch nói trên, Huyện đoàn Kon Rẫy đã huy động mỗi ngày hàng chục cán bộ thanh niên, đoàn viên xuống tận làng Kon Mông Tu ăn ở tại chỗ để đào đất, kéo ống đưa nước về.

Công trình nước sạch này gồm một hệ thống bể ngăn từ trên suối đầu nguồn, dẫn nước theo đường ống dài 2km chảy qua hệ thống bể lắng rồi về đổ vào bồn chứa chảy quanh năm cho người làng dùng.

Công trình được đầu tư nghiêm túc, bài bản sẽ chính thức biến giọt nước nhỏ mà bà con Kon Mông Tu hay hứng ở khe suối thành giọt nước lớn tuôn chảy ở bên mái nhà rông. Người Kon Mông Tu chỉ việc mang gùi ra, vặn vòi và hứng nước về uống, tắm rửa thoải mái mà không sợ nước dơ, không sợ cái nước bị cạn nữa… Dự kiến hôm nay (21-5), công trình này được khánh thành và đưa nước về cho bà con Kon Mông Tu.

Từ năm 2013, quỹ “Tiết kiệm 1 tỉ m3 nước sạch cho Việt Nam” được Unilever phối hợp cùng Bộ Tài nguyên – môi trường triển khai thực hiện trong vòng năm năm với nhiều hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn mọi người cùng chung tay tiết kiệm nước sạch trong sinh hoạt và sử dụng Comfort 1 Lần Xả, mang nước sạch đến cộng đồng…

Hưởng ứng chương trình “Nước sạch cho vùng hạn, mặn” do Tuổi Trẻ phát động, nhãn hàng Comfort 1 Lần Xả phối hợp cùng báo Tuổi Trẻ thực hiện chiến dịch “Sẻ chia nước sạch”: mỗi lượt thích hoặc chia sẻ thông tin của chiến dịch trên fanpage Tuổi Trẻ, Comfort đóng góp 2m3 nước sạch (tương đương 28.000 đồng) để hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng hạn, mặn.

T.B.DŨNG – M.PHƯỢNG