Đồng hành cùng người thầy
Chiều 17-5-2016, báo Tuổi Trẻ TP.HCM và Thành đoàn TP.HCM đã tổ chức họp báo giới thiệu chương trình “Đồng hành cùng người thầy” giai đoạn 2016-2018.
Đồng hành cùng người thầy
Chiều 17-5-2016, báo Tuổi Trẻ TP.HCM và Thành đoàn TP.HCM đã tổ chức họp báo giới thiệu chương trình “Đồng hành cùng người thầy” giai đoạn 2016-2018.
Cô Nguyễn Thị Kim Liên (Trường THCS Lộc Hưng, Tây Ninh – giữa) xúc động khi đồng nghiệp kể về cuộc sống của mình – Ảnh: D.Phan |
Đây là chương trình hỗ trợ vốn vay không lãi suất cho giáo viên có hoàn cảnh khó khăn làm kinh tế gia đình, giúp người thầy yên tâm đứng lớp, đầu tư tâm sức cho sự nghiệp trồng người.
Đối tượng nhận hỗ trợ của chương trình là: giáo viên đứng lớp có hoàn cảnh khó khăn; những người thầy vượt khó, dành trọn tâm sức cho các lớp học dân lập; con cái, người thân của giáo viên, người thầy vượt khó.
Dự kiến, tổng kinh phí giai đoạn 1 (2016-2018) của chương trình là 2,2 tỉ đồng, do bạn đọc báo Tuổi Trẻ tài trợ.
Xúc động với hoàn cảnh của cô giáo dạy sử
Tại buổi họp báo, ông Tăng Hữu Phong, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, phát biểu: “Đời sống, kinh tế ngày càng phát triển, nhưng chỉ một bộ phận thầy cô giáo ở các đô thị có cuộc sống dễ thở; còn các thầy cô ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao gặp rất nhiều khó khăn. Chính trong những khó khăn đó mới thấy được sự yêu nghề, gắn bó với học sinh, với trường, với lớp của các giáo viên.
Thành đoàn TP.HCM và báo Tuổi Trẻ thực hiện chương trình “Đồng hành cùng người thầy” trước hết nhằm sẻ chia để thầy cô yên tâm với nghề, cống hiến hết mình cho sự nghiệp trồng người.
Qua chương trình này, chúng tôi cũng mong muốn tạo sự kết nối để xã hội quan tâm hơn, có những chia sẻ thiết thực hơn đối với các thầy cô giáo, giúp ngành GD-ĐT phát triển tốt hơn trong tương lai”.
Tại buổi họp báo, ban tổ chức chương trình đã chiếu clip về hoàn cảnh của cô Nguyễn Thị Kim Liên, giáo viên dạy môn lịch sử Trường THCS Lộc Hưng, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh.
Tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm Tây Ninh, cô Liên trở lại quê nghèo dạy học, rồi làm đám cưới với món nợ vay 30 triệu đồng. Hai đứa con ra đời, liên tục đau ốm. Đồng lương ít ỏi của hai vợ chồng ngoài việc để dành trả nợ, còn lại cô Liên không thể xoay xở mỗi khi con phải nhập viện.
Gia đình cô quyết định vay vốn để trồng ớt, nuôi heo. Ớt ngay vụ đầu rớt giá. Đàn heo gặp phải dịch tai xanh chết đồng loạt. Nợ càng thêm nợ. Cô Liên đành phải bán căn nhà nhỏ và miếng đất cha mẹ cho để trả nợ.
Rồi cô Liên lại đi vay vốn để hai vợ chồng làm thêm nghề bán bánh tráng trộn. Sau giờ dạy ở trường, cô tất bật trở về lo cơm nước cho con, rồi chuẩn bị sơ chế các thứ để kịp đi bán lúc 13g ở tận Khu công nghiệp Mộc Bài, cách nhà hơn 20 cây số.
Cô bán bánh tráng cho công nhân, mỗi bịch giá 5.000 đồng. Hôm nào đắt hàng, bán được khoảng 150 bịch, vợ chồng cô kiếm được 200.000 đồng. Nhiều hôm cô chỉ bán được 50-70 bịch thì coi như chỉ đủ trang trải tiền xăng xe.
Cả hội trường lặng đi vì xúc động khi trong phần giao lưu, cô Liên đã trả lời câu hỏi của MC (“Khó khăn chất chồng như thế, có bao giờ cô nghĩ đến chuyện bỏ nghề không?”) một cách nghẹn ngào: “Hoàn cảnh khó khăn là điều mình không mong muốn, nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ đến chuyện bỏ nghề giáo. Động lực giúp tôi đứng vững trong cuộc sống chính là sự động viên của người thân và các thầy cô trong trường” (chương trình “Đồng hành cùng người thầy” biết đến hoàn cảnh của cô Liên nhờ sự giới thiệu của người đồng nghiệp: cô Trương Thị Hồng – giáo viên môn hoá Trường THCS Lộc Hưng – NV).
Ngay tại buổi họp báo, ông Tăng Hữu Phong đã trao 20 triệu đồng trợ vốn để cô Kim Liên làm kinh tế gia đình. Cô cho biết trong sự vui mừng xen lẫn xúc động: “Có vốn, tôi sẽ mở rộng buôn bán, chăn nuôi thêm gà, heo để có thêm thu nhập”.
Mục đích lâu dài
Từ câu chuyện của cô Liên, TS Lê Nguyễn Minh Quang, tổng giám đốc Công ty Bachy Soletanche Việt Nam đã đưa ra quyết định: “Tôi sẽ tài trợ học bổng cho 2 bé con của cô Liên trong suốt thời gian hai cháu đi học. Ngoài ra, tôi cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ về vốn để không chỉ một mình cô Liên, mà nhiều thầy cô khó khăn khác cũng được hỗ trợ làm kinh tế gia đình. Tôi và các anh em trong công ty cũng sẽ tìm cách hỗ trợ về kinh nghiệm, tư vấn để các thầy cô làm kinh tế thành công, yên tâm với nghề và có đóng góp tích cực cho sự nghiệp giáo dục nước nhà”.
TS Lê Nguyễn Minh Quang từng nhận học bổng “Vì ngày mai phát triển” của báo Tuổi Trẻ. Sau này, khi đã thành đạt, ông đã đồng hành với Tuổi Trẻ để thực hiện rất nhiều chương trình công tác xã hội nhằm giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Lâm Đình Thắng, phó bí thư thường trực Thành đoàn TP.HCM, nhấn mạnh: “Thành đoàn TP.HCM và báo Tuổi Trẻ thực hiện chương trình này vì một mục đích lâu dài: giúp người thầy bớt khó khăn trong cuộc sống đời thường để an tâm công tác, chất lượng bài giảng sẽ tốt hơn. Từ đó hiệu quả giáo dục sẽ tăng lên, xã hội sẽ tốt đẹp hơn. Chương trình không chỉ dừng lại ở việc sẻ chia, giúp đỡ về vật chất mà còn thúc đẩy tinh thần tôn sư trọng đạo, duy trì truyền thống tốt đẹp của cha ông ta. Thành đoàn TP.HCM sẽ vận động học sinh – sinh viên tham gia tích cực chương trình”.
Bốn nội dung chính của “Đồng hành cùng người thầy” Theo ông Phan Văn Đắc, trưởng ban công tác xã hội báo Tuổi Trẻ, chương trình “Đồng hành cùng người thầy” giai đoạn 1 (2016-2018) gồm bốn nội dung chính: * Giải thưởng bài viết hay “Đồng hành cùng người thầy”: trao giải thưởng cho 10 bài viết hay (trị giá 3 triệu đồng/giải, kỷ niệm chương của ban tổ chức) về những thầy cô giáo có tâm, có tài, kiên cường bám trụ với nghề và hết lòng với học trò nhưng không may gặp khó khăn. Học sinh, phụ huynh, đồng nghiệp của thầy cô giáo, phóng viên và tất cả bạn đọc đều có thể gửi bài tham dự giải thưởng này (nếu không tham dự giải thưởng bài viết hay thì có thể viết thư giới thiệu giáo viên xứng đáng được trợ vốn). Bài viết dự thi phải là người thật việc thật, nội dung đảm bảo chính xác, độ dài không quá 1.700 từ, chưa từng đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng. * Trợ vốn cho dự án kinh tế gia đình: chương trình xem xét trợ vốn không tính lãi suất trong thời hạn hai năm, mỗi suất trợ vốn có trị giá 5-20 triệu đồng (theo giá trị dự án được thẩm định). * Hỗ trợ tư vấn làm kinh tế gia đình: nhóm tư vấn sẽ đến tận nhà xác minh, khảo sát các nguồn lực, tư vấn và hỗ trợ làm dự án kinh tế gia đình. Dự kiến tổ tư vấn gồm 1-3 người của địa phương nơi giáo viên được giới thiệu và có khả năng nhận được vốn vay. * Hỗ trợ cho con của giáo viên: xem xét cấp học bổng, phương tiện học tập, hỗ trợ một phần chi phí điều trị bệnh… cho con giáo viên vượt khó học giỏi, hiếu thảo… để giáo viên yên tâm bám lớp. Các bài viết giới thiệu nhân vật vui lòng gửi về báo Tuổi Trẻ TP.HCM: qua mail: [email protected]; qua địa chỉ: ban công tác xã hội báo Tuổi Trẻ TP.HCM, 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Ban tổ chức chương trình sẽ chọn lựa, xác minh đưa vào danh sách hỗ trợ và giới thiệu những bài hay cho tòa soạn báo Tuổi Trẻ ngày và Tuổi Trẻ Online. Thực hiện phóng sự nhân vật phát trên tv.tuoitre.vn và tuoitre.vn, một số đài truyền hình địa phương… Dự kiến lễ trao vốn, phát học bổng và trao giải thưởng bài viết hay sẽ được tổ chức vào cuối tháng 6 và tháng 7-2016 tại một số vùng miền trên cả nước. |