“Phản ánh của Tuổi Trẻ khiến bà con cồn Công nức lòng”
Cho đến giờ, người dân cồn Công (ấp Phú Xuân, xã Phú Thành, H.Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) và vùng lân cận đã không còn đơn độc với nỗi lo sạt lở bởi lãnh đạo tỉnh đã cho rà soát việc khai thác cát trên nhánh sông Hậu này.
“Phản ánh của Tuổi Trẻ khiến bà con cồn Công nức lòng”
Cho đến giờ, người dân cồn Công (ấp Phú Xuân, xã Phú Thành, H.Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) và vùng lân cận đã không còn đơn độc với nỗi lo sạt lở bởi lãnh đạo tỉnh đã cho rà soát việc khai thác cát trên nhánh sông Hậu này.
Ông Bùi Văn Triều trong lần lái xuồng máy đưa phóng viên Tuổi Trẻ mục kích nạn khai thác cát lậu trên sông Hậu – Ảnh: T.Trình |
Kết quả này có được nhờ sự kiên trì bảo vệ thôn xóm của người dân nơi đây, trong đó có ông Bùi Văn Triều – người liên tục gọi đến báo Tuổi Trẻ báo tin và hỗ trợ phóng viên tiếp cận thực tế. Và Tuổi Trẻ đã trân trọng trao đến ông Triều giải thưởng Làm báo cùng Tuổi Trẻ tháng 3-2016.
Từ những cuộc gọi đầy bức xúc
Có một thời gian dài, người dân sống ven mỏ cát bên sông Hậu phải nơm nớp lo lắng khi vườn tược, nhà cửa, ao cá… của mình đứng trước cảnh trôi sông một sớm một chiều. Người dân cho rằng thủ phạm chính khiến đất đai của họ bị trôi sông là các sà lan khai thác cát. Bởi từ khi có những chiếc sà lan xuất hiện, những bãi cát, hàng bần, ao cá… dần bị tấn công.
Cho đến một ngày, khi người dân chặn một ghe hút cát trên nhánh sông Hậu giao cho cơ quan chức năng xử lý thì mới… ngỡ ngàng biết rằng những phương tiện này đã được cấp phép đến đây hút cát.
Từ đó, hết các ghe khai thác cát có phép lẫn không phép xuất hiện và người dân lại chặn, lại báo chính quyền, nhiều ghe bị xử phạt, nhưng rồi những sà lan khai thác cát lại đến, lại xảy ra mâu thuẫn với người dân giữ đất.
Dân cồn Công gõ cửa khắp nơi. Họ tìm đến phóng viên Tuổi Trẻ để nhờ phản ánh những nỗi lo của mình. Có một khoảng thời gian bất kể ngày hay đêm, khuya hay sớm, những cuộc gọi đầy bức xúc của một nông dân cồn Công cứ gọi đến phóng viên Tuổi Trẻ, khi thì cho hay vừa chặn một ghe hút cát giao cho cơ quan công an, khi thì than thở tình trạng sạt lở của người dân xóm cồn, khi thì hối thúc phóng viênTuổi Trẻ nhờ phản ánh nỗi bức xúc của người dân đến lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long…
Người nông dân đó là ông Bùi Văn Triều (58 tuổi), cũng là người thường xuyên cùng các nông dân khác đêm hôm ra chặn nạn cát lậu. Ông cũng là người nhiều lần cùng phóng viên Tuổi Trẻ rong ruổi trên đoạn sông để mục kích các ghe hút cát, đưa phóng viên đến những ao cá bỏ không, những con đường biến mất vì sạt lở…
Khi bài báo “Đụng độ trên mỏ cát sông Hậu” đăng trên Tuổi Trẻ ngày 27-3, ông Triều nói tuy cuộc đấu tranh giữ cồn trước tình trạng khai thác cát vẫn còn tiếp diễn nhưng phản ánh của Tuổi Trẻ đã làm người dân trên cồn Công nức lòng.
“Vậy là bà con ở đây không đơn độc. Báo Tuổi Trẻ đăng rồi, lãnh đạo tỉnh sẽ đọc và sẽ chỉ đạo…” – ông Triều bày tỏ về niềm tin thôn xóm sẽ được bảo vệ yên bình.
Mong thức tỉnh lương tâm nhà báo
Bài viết “Đăng ảnh khơi lại nỗi đau của người khác, lương tâm nhà báo đâu?” của tác giả Khánh Hưng trên Tuổi Trẻ Online ngày 24-3 đã thu hút rất nhiều bình luận từ bạn đọc và tác giả đã được Tuổi Trẻ trân trọng trao giải thưởng Làm báo cùng Tuổi Trẻ tháng 3-2016.
Nói về bài viết này, tác giả Khánh Hưng cho hay: “Thời điểm tôi viết bài này là khi công chúng liên tiếp nhận được tin buồn về sự ra đi của hai nghệ sĩ tài hoa. Tất nhiên, cũng như người hâm mộ khác, tôi cũng lên mạng tìm những bài viết nói về hai nghệ sĩ này để hiểu hơn về sự cống hiến của họ cho nghệ thuật nước nhà. Tuy nhiên, tôi lại khá “dị ứng” khi thấy một số báo chí khai thác quá sâu vào những góc khuất trong đám tang ấy và cận cảnh về vợ con của người đã mất. Tôi nghĩ như thế là không cần thiết và vô tình chạm vào nỗi đau của họ một lần nữa. Chính vì thế, tôi mới viết bài viết này để gióng tiếng chuông về một xu hướng khai thác nỗi đau quá mức trên cộng đồng mạng cũng như làm thức tỉnh lương tâm nhà báo”.
Bài viết của Khánh Hưng đã gây nhiều tranh cãi nhưng hầu hết vẫn đồng tình với quan điểm của tác giả.
Trong số đó, Khánh Hưng rất tâm đắc với ý kiến phản hồi của bạn đọc Triệu Ngọc Diệp với đoạn viết: “Xin hãy để yên cho những người thân người quá cố, đừng “hành nghề” trên nỗi đau của họ. Hãy hướng đến những giọt nước mắt của MC Anh Tuấn, của hai chàng trai “Bức Tường” Tuấn Hùng – Nhất Hoàng, của vô vàn đồng nghiệp, người hâm mộ… Với tôi, đó là những giọt nước mắt đẹp. Tôi chia sẻ về trang cá nhân của mình clip MC Anh Tuấn khóc như đứa bé khi cưỡi môtô (của anh Trần Lập) dẫn đầu đoàn đưa tang bởi với tôi đó là những hình ảnh đẹp, thật đẹp. Đẹp ở nhân cách, tình bạn…; là hình ảnh cần lưu giữ, sẻ chia… để thấy rằng con người, cuộc sống này rất đẹp, rất đáng yêu và trân trọng”.
Khánh Hưng chia sẻ anh rất mừng khi có khá nhiều sự đồng thuận từ độc giả và cho rằng điều đó chứng tỏ dân trí hiện nay rất cao, vì thế nhà báo đừng chạy theo những tin tức tầm thường mà hãy nâng cao tay nghề bằng những bài viết có tâm, có tầm hơn nữa.
Niềm vui khi hỗ trợ phóng viên Nhận giải thưởng bạn đọc Làm báo cùng Tuổi Trẻ tháng 3-2016 còn có một bạn đọc đã cung cấp thông tin và hỗ trợ cho phóng viên trong quá trình tác nghiệp để điều tra về những sai phạm ở trạm thu phí Nguyễn Văn Linh, giúpTuổi Trẻ có được bài viết “Gian lận vô tư ở trạm thu phí” vào ngày 18-3. Ông cho biết mình gắn bó chỉ duy nhất một tờ báo là Tuổi Trẻ từ khi báo ra đời đến nay. Rất tin tưởng vào tờ báo đã chọn nên ông không ngại khó khăn, nguy hiểm để giúp phóng viên tiếp cận sự việc. Và ông xem đó là niềm vui, là cái duyên của mình với Tuổi Trẻ. |