25/12/2024

Nghĩa tình từ Câu lạc bộ Sống đẹp

Những đoàn viên thanh niên trong Câu lạc bộ Sống đẹp (xã Bình Trung, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) dù không máu mủ ruột rà nhưng chung tay lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho năm cụ già neo đơn.

 

Nghĩa tình từ Câu lạc bộ Sống đẹp

 

Những đoàn viên thanh niên trong Câu lạc bộ Sống đẹp (xã Bình Trung, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) dù không máu mủ ruột rà nhưng chung tay lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho năm cụ già neo đơn.

 

 

 

 

Nghĩa tình từ Câu lạc bộ Sống đẹp
Bà Đỗ Thị Mãi (97 tuổi) rất vui khi được các bạn đoàn viên tận tình chăm sóc – Ảnh: T.Mai

“Ai cũng cần có tấm lòng sẻ chia. Tụi mình làm một công việc nhỏ thôi nhưng đã tạo được biết bao nhiêu tiếng cười. Nghĩ thế nên ai cũng thu xếp công việc riêng để lo cho các cụ

Bạn 
LÊ PHƯƠNG TRANH

Đã ba năm gắn bó công việc thầm lặng này, với các thành viên câu lạc bộ, giờ các cụ như người thân.

Đâu nhất thiết phải là máu mủ ruột rà

17g, bốn chiếc xe máy đi từ xã Bình Trung xuống thị trấn Châu Ổ (huyện Bình Sơn) rẽ vào quán cơm.

Bạn Vũ Nữ Lê Huyền và Nguyễn Thị Tiên vội bước vào nhận bốn suất ăn rồi nói vọng với chị chủ quán: “Hôm nay tụi em có việc nên đi muộn, chị thông cảm nha”. Họ nở nụ cười trao cho nhau rồi nhanh chóng quay xe đi.

Đã ba năm qua, công việc mang cơm cho năm cụ già neo đơn trong xã đã trở thành nếp sống của 47 bạn đoàn viên thanh niên trong Câu lạc bộ Sống đẹp. Hôm nay là “ca trực” của tám bạn trẻ này.

Ngôi nhà đầu tiên các bạn đến là của bà Đỗ Thị Mạnh (thôn Phú Lễ 2). Bà năm nay đã 64 tuổi, không có người thân thích nên việc chăm sóc rất khó khăn. Hôm đó trời trở gió, bà Mạnh không kiểm soát được việc đi vệ sinh, các bạn vội thay quần áo và tắm rửa cho bà, đổ nước vào lu, giặt đồ.

Bà Mạnh mệt không buồn ăn, hai bạn phải vừa kể chuyện vui rồi bón từ từ để bà ăn hết phần cơm, rồi các bạn khác thay chiếu mới, lau nhà và giăng mùng để bà ngủ. Huyền vừa giặt đồ xong vội nhìn đồng hồ rồi nói: “Hai anh chị ở lại chăm bà, tụi em mang cơm qua cho các cụ khác nghen”.

Từ nhà cụ Mạnh sang nhà bà Đỗ Thị Mãi (97 tuổi, thôn Tây Thuận) hơn 15 phút và phải băng qua mấy ngõ vắng tanh.

Vừa đến đầu ngõ, nhìn vào căn nhà chỉ le lói bóng đèn nhỏ, một bà cụ ngồi ngay bậu cửa hướng mắt nhìn ra, vừa nghe tiếng xe bà Mãi nở nụ cười: “Mấy cháu đến rồi hả, hôm nay sao muộn vậy, bà tưởng có chuyện gì nên hơi lo” – bà Mãi nói.

Bạn Phạm Thị Ly vừa bước xuống xe vội nói: “Tụi cháu có việc nên đến muộn. Hôm nay bà còn đau khớp không?”.

Câu chuyện cứ thế kéo dài vào tận nhà, sau khi dọn quét và lấy quần áo bỏ vào ngăn tủ, hai bạn ở lại ngồi trò chuyện trong lúc chờ bà Mãi ăn cơm. Bốn bạn khác tiếp tục rẽ đi. Cái tuổi 97 đã khiến bà không còn nghe rõ nữa, miếng ăn cũng khó nhọc hơn.

Ly phải nói lớn để bà nghe. Ly bảo rằng bà Mãi cũng có con cháu nhưng đều ở xa, tuổi già bà lủi thủi một mình, ăn uống nhờ hàng xóm nhưng bữa được bữa mất nên đoàn viên của xã quyết định thành lập Câu lạc bộ Sống đẹp “giành” quyền chăm sóc.

“Ở tuổi của các cụ đáng ra phải sum vầy bên con cháu nhưng lại ở một mình. Không phải các cô chú vô tâm mà vì ai cũng nghèo nên tha phương hết. Tụi mình thương và xem việc chăm sóc các cụ như người thân, cần chi máu mủ ruột rà đâu” – Ly nói.

Ai cũng cần tấm lòng

Tất cả 47 thành viên trong Câu lạc bộ Sống đẹp là đoàn viên thanh niên xã Bình Trung, họ cùng chung suy nghĩ là lấy sức trẻ và lòng nhiệt huyết của mình làm những việc ý nghĩa nhất.

Anh Trần Ngọc Sinh – bí thư Xã đoàn Bình Trung, cũng là chủ nhiệm Câu lạc bộ Sống đẹp – nói rằng ban đầu câu lạc bộ có tên Những người con hiếu thảo, sau đổi thành Câu lạc bộ Sống đẹp.

Lúc mới nhận chăm sóc các cụ, xã đoàn tự nấu cơm mang đến cho các cụ nhưng vì công việc của các thành viên rất bận rộn, người giáo viên, người kế toán, người là công nhân viên chức… nên không đủ thời gian nấu và mang cơm đi đúng giờ. Thế là anh Sinh cùng các bạn đoàn viên khác đi vận động các nhà hàng quán ăn ở thị trấn Châu Ổ góp cơm.

Còn nhiệm vụ mang cơm đi, dọn nhà, giặt quần áo, chăm sóc các cụ là công việc của câu lạc bộ. “Thế mà đã ba năm rồi, các anh chị chủ quán cơm thấy việc làm này rất ủng hộ. Họ là những người thầm lặng nhưng thuỷ chung nhất đấy” – 
anh Sinh nói.

Năm ngoái, thành viên trong Câu lạc bộ Sống đẹp đã rất đau buồn khi tiễn đưa bà Võ Thị Mão.

Bạn Trịnh Thị Ánh Nguyệt nhớ lại thời gian hơn một năm chăm lo cho bà Mão tâm tình: trước khi chăm sóc nhìn bà thương lắm, hơn 90 tuổi mà phải tự đi chợ nấu ăn, lúc đau ốm thì nhờ hết vào tấm lòng của xóm làng.

“Từ ngày được chăm sóc thấy bà khoẻ ra, ai cũng mừng. Nhiều khi đến nhà thấy bà cười nói tỉnh táo, vậy mà không ai nghĩ bà lại đổ bệnh rồi mất. Thương bà lắm!” – Nguyệt nói.

3 năm, 7.000 suất cơm

Đã có 7.000 suất cơm trưa, tối được mang đến cho các cụ già neo đơn trong ba năm qua. Không chỉ mang cơm, các bạn còn kiêm luôn việc lo thuốc thang mỗi lần các cụ ốm đau. Vừa rồi các thành viên cùng góp hơn 10 triệu đồng mua vật liệu và sử dụng sức trẻ của mình sửa lại ngôi nhà cho các cụ.

TRẦN MAI ([email protected])