23/12/2024

Tiếng “sinh nhật hồng” vọng lên phòng bệnh

Tối 27-4, sân Bệnh viện Ung bướu TP.HCM không như mọi ngày.

 

Tiếng “sinh nhật hồng” vọng lên phòng bệnh

 

Tối 27-4, sân Bệnh viện Ung bướu TP.HCM không như mọi ngày. 

 

 

 

 

Tiếng “sinh nhật hồng” vọng lên phòng bệnh
Các bé bệnh nhi có sinh nhật tháng 4 cùng nhau thổi nến trong chương trình sinh nhật hồng lần thứ 100 tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM tối 27-4 – Ảnh: Quang Định

“Tôi biết rằng sau những nụ cười của các cháu là những nỗi đau do căn bệnh ung thư hiểm nghèo gây ra và các cháu đang từng ngày từng giờ chống chọi với căn bệnh này. Và tôi tin rằng cộng đồng xã hội sẽ luôn đồng hành để chia sẻ nỗi đau này với các cháu và những khó khăn của các bậc phụ huynh

Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ TĂNG HỮU PHONG

Tạm quên đi cơn đau bên trong cơ thể, nụ cười của các bệnh nhi rạng rỡ hẵn lên. Tối nay là lễ “Sinh nhật hồng” lần thứ 100 trong chương trình “Ước mơ của Thúy”, là buổi tối dành riêng cho các em.

Những chú hề, ảo thuật gia khuấy động chương trình tưng bừng náo nhiệt. Những bệnh nhi với kim truyền trên tay, mái đầu lơ thơ tóc, cùng lên sân khấu hát múa rộn rã. Phía dưới có em ngồi trên xe lăn, có em giữ bên mình cả một cây sắt treo chai thuốc…

Buổi tối của chúng em

Ngồi trên xe lăn theo dõi chương trình, một lát Ngô Văn An (8 tuổi, điều trị ung thư máu đã bảy năm) kêu mệt. Chú hề Sido đến bắt tay An. “Bíp”, một tiếng chuông nhỏ vang lên, An bật cười.

Chú hề chọc thêm một cái vào bụng, lại “bíp”. An đã quên mệt, ôm chặt cây kiếm bằng bong bóng, nói với mẹ: “Xem tiếp nha mẹ”.

Nhưng rồi An bỗng quay sang cô tình nguyện viên mặc áo màu hoa hướng dương kể điều làm em áy náy: “Trên phòng còn mấy bạn, mấy anh chị đang truyền thuốc nên không xuống được”.

Lập tức một nhóm tình nguyện viên rời khỏi những âm thanh rộn ràng dưới sân để lên khoa. Cũng vẫn náo nhiệt không kém, nhiều em đã không thể lên xuống mấy mươi bậc thang để nhìn ngắm sân khấu, tham gia cùng những chú hề nhưng dù gì tối nay vẫn là tối của các em.

Huỳnh Lâm Phú (10 tuổi) nằm nghiêng trên giường, cố lắng tai nghe âm thanh phía dưới vọng lên. Khối u ác tính trong não chèn ép dây thần kinh võng mạc khiến Phú không còn nhìn thấy gì nữa. Phú điều trị tại bệnh viện đã tám năm nay rồi, những “sinh nhật hồng” không lạ với em nữa.

Nghe tiếng nhạc Happy birthday, Phú mỉm cười thầm thì: “Các bạn sẽ ước và thổi nến. Hai năm trước dự sinh nhật, em vẫn còn nhìn thấy”.

Dưới sân vọng lên tiếng Trần Lê Khánh: “Em ước hết bệnh để về nhà đi học”, Nguyễn Lê Quốc Khang: “Con ước có cái tivi để xem phim hoạt hình”, Lộc: “Em ước hết bệnh về học tiếng Anh để xin việc làm”…

Nằm đây, Phú cũng ước: “Tháng 12 mới tới sinh nhật em. Lâu quá. Em mong được tặng một chiếc đồng hồ X-men màu xanh lá cây để xem giờ”. Mơ ước đã khiến Phú quên cả bóng đêm trước mắt mình.

Bé Nguyễn Đăng Khôi (4 tuổi) điều trị ung thư máu được sáu tháng. Bé chưa dự “sinh nhật hồng” lần nào nên cứ háo hức giậm chân đòi đi. Ngặt vì chai thuốc còn đang truyền dang dở, còn mẹ Khôi chưa đủ dạn dĩ để mang theo như những bà mẹ nhiều năm kinh nghiệm nuôi bệnh nhi khác, nên Khôi đành chấp nhận ngồi câu mấy con cá nhựa ở một góc tường.

Các bạn cùng phòng với Khôi như Tiến Bảo (4 tuổi), A Tính (2 tuổi), Mỹ Anh (5 tuổi) được ba mẹ đưa xuống sân một lát đã quay lên, mang phần bánh, phần quà cho Khôi, rồi tất cả xúm lại tranh nhau câu mấy con cá.

Các bố, các mẹ vội tiếp tế thêm đồ chơi, bóc thêm gói bánh cho đám nhỏ rồi tản ra xung quanh các giường. Nếu không có chiếc kim, dây truyền thuốc lòng thòng quanh cổ tay, đám trẻ như đang chơi đùa ở một góc xóm.

Tiếng “sinh nhật hồng” vọng lên phòng bệnh
Ông Tăng Hữu Phong – tổng biên tập báo Tuổi Trẻ – tặng quà cho các bé có sinh nhật tháng 4 – Ảnh: Quang Định

Em ước mong sao…

Phòng bệnh chật chội nhưng quanh giường các em vẫn có gấu bông, siêu nhân, ôtô nhựa. Phòng sinh hoạt cạnh bên, chương trình “Ước mơ của Thuý” đã mang đến bao nhiêu sách giáo khoa, truyện tranh, bút vở, màu vẽ, đất nặn.

Ngơi những cơn vật vã của thuốc, bệnh nhi nào cũng thích đến phòng sinh hoạt để học, nghe đọc sách, vẽ, để hát, để chơi…

Thế nhưng dù cố gắng đến bao nhiêu thì bệnh viện cũng không thể biến thành nhà, ước mơ lớn nhất của các em phút thổi nến bên bánh sinh nhật vẫn là “hết bệnh và được về nhà”.

Về nhà có khi chỉ là để được tắm một cách thoải mái như Ly Na (16 tuổi, điều trị ung thư xương đã ba năm) mong muốn, có khi là để nấu được một bữa cơm vừa miệng cho con như mẹ Ly Na kể: “Hôm nó bảo thèm ăn canh cải xanh mà tôi tìm mua quanh đây không có, cô Oanh về nhà nấu mang vào cho. Nhớ hoài…”.

Nghe nhắc chuyện ăn, nhiều người lại giật mình nhớ đến những tin tức về thực phẩm bẩn, về nguy cơ ung thư trong từng lá rau, miếng thịt, con cá ám ảnh cả xã hội bao lâu nay.

Ở đây, những bệnh nhi chưa kịp lớn đã phải mang căn bệnh nan y từ trên trời rơi xuống, phải quen với những cơn đau từ bên trong, phải biết những lo âu của người lớn và ước cho mình những ước mơ nhỏ bé.

Ấy vậy nhưng từng muỗng cháo, chén cơm các em phải cố nuốt để lấy sức chiến đấu với căn bệnh ác nghiệt cũng vẫn chẳng có gì đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Các nhóm thiện nguyện mang bánh, mang cơm cũng không thể mỗi ngày.

“Còn nhiều việc, nhiều việc phải làm lắm” – các tình nguyện viên khẽ nhắc nhau.

Dưới sân lại vọng lên bài hát quen thuộc của Hoàng Ngân, cô bé “én nhỏ” đã bị bệnh ung thư bắt phải bay về trời mấy năm trước: “Em ước mong sao tuổi thơ đừng vương bão dông. Vì em biết chân trời đang khép. Vì em biết nỗi đau nghiệt ngã”…

Sinh nhật tháng 4 lần này có hai bé vừa tròn 12 tháng tuổi, sinh nhật lần đầu tiên được tổ chức tại bệnh viện ung bướu. Nụ cười của các bé vẫn thơ ngây, đôi mắt vẫn trong veo, những tấm ảnh chụp bên chiếc bánh kem đặc biệt thật to rất lung linh, nhưng người lớn lại thầm ước giá như bé được tổ chức sinh nhật ấm cúng ở quê nhà…

Kể cả chị Yến, người mỗi năm vào tháng 4 sinh nhật của mình, lại tự tay cùng con gái chuẩn bị quà theo ước mơ của tất cả các bé có sinh nhật trong tháng, tự tay trao quà cho từng em như một món quà đặc biệt dành tặng riêng mình, cũng ước như vậy.

Trận mưa đầu mùa ngẫu nhiên đổ xuống khiến chương trình văn nghệ của buổi sinh nhật phải gián đoạn đột ngột. Quay lên phòng bệnh đầy vẻ nuối tiếc, nhưng trên môi bé Ngọc Nữ, Mỹ Anh nở những nụ cười rạng rỡ.

Mưa chỉ một lúc mà hơi nóng hầm hập, bức bối suốt nhiều ngày trước bỗng biến mất, thay bằng bầu không khí dịu mát. Sân bệnh viện chỉ rộn ràng hai giờ với nhạc, với trò chơi của các chú hề, cô hề, ảo thuật gia, rực rỡ với hoa, bong bóng, bánh kem, thú bông, quà sinh nhật…, nhưng những cơn đau và nỗi tuyệt vọng như tan đi, nhường chỗ cho niềm vui thoả nguyện của các em.

Nhưng với những người tổ chức thì chưa. Sinh nhật hồng lần thứ 100 trong vòng chín năm, hàng ngàn lượt em bé đã được tổ chức sinh nhật tại bệnh viện. Các tình nguyện viên bắt tay nhau cam kết “sinh nhật hồng” lần tới sẽ vui hơn, mới hơn để các em cười nhiều hơn.

Nhưng “Ước mơ của Thuý” sẽ còn phải làm nhiều việc khác hơn nữa vì một ước mơ lớn hơn nữa: không em nào phải đột nhiên vướng bệnh ung thư, phải thổi nến sinh nhật bên giường bệnh. Như Hoàng Ngân đã từng hát: “Em ước mong sao, trẻ thơ đừng đau giống em…”.

Chị Vương Thanh Liễu – phó bí thư Thành đoàn TP.HCM, chủ tịch Hội đồng Đội TP.HCM – nhận định: “Chương trình “Ước mơ của Thuý” đã giúp hàng ngàn bệnh nhi và gia đình các em có thêm động lực để chống chọi với bệnh tật, có động lực để vươn lên trong cuộc sống”.

Ông Tăng Hữu Phong, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, cho biết nhiều năm qua chương trình “Ước mơ của Thuý” của báo Tuổi Trẻ đã kết nối cộng đồng thực hiện rất nhiều hoạt động chăm sóc bệnh nhi ung thư trên phạm vi cả nước như: “Ước nguyện hồng”, lắp chân giả cho nhóm bệnh nhi ung thư xương; lớp học chữ; hỗ trợ kinh phí điều trị bệnh; tặng học bổng cho bệnh nhi khỏi bệnh trở lại trường; ngày hội “Hoa hướng dương”; tổ chức cho bệnh nhi tham quan dã ngoại…

PHẠM VŨ